An Giang đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số

11/01/2023 - 05:42

 - An Giang đang tích cực triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, giai đoạn 2021-2030 (giai đoạn I: 2021-2025). Dạy nghề là nội dung đang được đẩy mạnh, góp phần đảm bảo sinh kế bền vững, ổn định đời sống nhân dân.

Dạy nghề may công nghiệp cho phụ nữ dân tộc thiểu số Khmer

Tại TX. Tân Châu, công tác tư vấn, hướng nghiệp, dạy nghề được đẩy mạnh, tập trung phần lớn cho đồng bào DTTS Chăm tại xã Châu Phong. Phòng Dân tộc, Thị đoàn tổ chức tư vấn dạy nghề, hướng nghiệp, khởi nghiệp cho thanh niên, học sinh đồng bào DTTS Chăm. Còn với phụ nữ, địa phương tổ chức mở lớp dạy may, làm vật dụng thủ công để các chị phát triển tay nghề tại nhà, tạo thêm thu nhập. Tham gia lớp học dạy móc len cách đây 2 tháng, chị Mariyah học được các bước cơ bản, làm sản phẩm nhỏ. Chị được cấp chứng chỉ, có sản phẩm đầu tay, dự định sáng tạo thêm mẫu mã mới, tận dụng mạng xã hội để kiếm thêm thu nhập.

Trong năm 2022, TX. Tân Châu đã mở 6 lớp đào tạo nghề cho 180 lao động nông thôn là đồng bào DTTS, gồm 4 lớp lĩnh vực phi nông nghiệp, nông nghiệp. Năm 2023, địa phương tiếp tục tổ chức khoảng 30 lớp đào tạo nghề với 890 người học. Phấn đấu tối thiểu có trên 80% lao động sau khi học nghề có việc làm, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động phù hợp với cơ cấu kinh tế ở địa phương. Trong đó, đào tạo 2 lớp phi nông nghiệp cho 60 học viên là đồng bào DTTS.

Thực hiện Tiểu dự án 3, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Tri Tôn truyền thông về giáo dục nghề nghiệp cho hàng trăm hộ DTTS Khmer trên địa bàn. Người dân được thông tin chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động sinh sống ở vùng DTTS, danh mục ngành nghề đào tạo thuộc lĩnh vực nông nghiệp, phi nông nghiệp để đăng ký học theo nhu cầu.

Theo đó, đồng bào DTTS thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, có thu nhập thấp, tham gia khóa đào tạo nghề được hỗ trợ chi phí đào tạo 2,5-4 triệu đồng (tiền ăn và chi phí đi lại). Sau khi hoàn thành khóa học, học viên được cấp chứng chỉ nghề có giá trị trên toàn quốc. Nếu có nhu cầu, họ sẽ được giới thiệu vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội, lãi suất ưu đãi để phát triển kinh tế gia đình.

Các lớp học nghề đang được đẩy mạnh tổ chức trên địa bàn huyện Tri Tôn cho đồng bào DTTS Khmer tham gia, song song với tiếp nhận nguồn hỗ trợ để giúp người dân có phương tiện, vốn sản xuất, từng bước giảm nghèo. Trên cơ sở khảo sát nhu cầu học nghề của người dân, các địa phương xây dựng chương trình, kế hoạch và phối hợp tổ chức lớp dạy nghề theo tinh thần “dạy những gì người dân cần”. Các lớp học diễn ra dưới hình thức “cầm tay chỉ việc”, hướng vào đối tượng lao động tại chỗ, mở lớp dạy nghề ngay tại ấp.

Mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước phê duyệt kế hoạch thực hiện Tiểu dự án 3 (Phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng DTTS và miền núi) của Dự án 5. Mục tiêu của tiểu dự án là mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục nghề nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Đồng thời, hỗ trợ lao động là người DTTS tiếp cận thuận lợi với thông tin thị trường lao động, dịch vụ hỗ trợ tìm kiếm, kết nối việc làm; hỗ trợ thanh niên DTTS sau khi tốt nghiệp cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp tìm kiếm được việc làm phù hợp với khả năng, nguyện vọng.

Dự án dành hơn 6 tỷ đồng từ vốn sự nghiệp (ngân sách Trung ương 5,5 tỷ đồng, ngân sách địa phương 550 triệu đồng) để sửa chữa, bảo dưỡng một số hạng mục công trình, nhà xưởng, phòng học, ký túc xá và công trình phục vụ sinh hoạt, tập luyện cho người học, mua sắm trang thiết bị phục vụ đào tạo. Trong đó, nguồn kinh phí tập trung phần lớn cho 2 huyện miền núi, gồm: Tịnh Biên gần 1,6 tỷ đồng, Tri Tôn hơn 2,5 tỷ đồng. Còn lại là huyện An Phú, Thoại Sơn, TX. Tân Châu.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, dạy nghề cho đồng bào DTTS, thời gian tới, các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của học nghề. Qua đó, xây dựng cơ cấu ngành nghề hợp lý, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế  - xã hội, góp phần quan trọng trong thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới của các địa phương.

Theo kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh An Giang đặt mục tiêu 50% lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện của người DTTS và đặc thù vùng đồng bào DTTS, miền núi.

MỸ HẠNH