An Giang tăng cường phòng, chống tham nhũng

03/03/2022 - 03:50

 - Những năm qua, công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) trong tỉnh An Giang được triển khai hiệu quả, củng cố niềm tin của nhân dân đối với cấp ủy Đảng, chính quyền. Qua đó, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) của tỉnh. Phát huy những kết quả đạt được, năm 2022, tỉnh tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp, tạo chuyển biến tích cực, toàn diện công tác này.

Quyết tâm cao

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nhấn mạnh “Tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, “lợi ích nhóm”, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Xây dựng đội ngũ đảng viên và cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Củng cố lòng tin, sự gắn bó của nhân dân với Đảng, nhà nước, chế độ XHCN”.

Để thực hiện hiệu quả công tác PCTN, UBND tỉnh An Giang ban hành Kế hoạch 64/KH-UBND về thực hiện công tác PCTN năm 2022. Từ đó, tăng cường trách nhiệm, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước về PCTN của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác PCTN; thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp theo đúng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về PCTN. Triển khai đồng bộ, liên tục, hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng; nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm, hành động của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trong đấu tranh phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng. Phát hiện và xử lý nghiêm minh hành vi, vụ việc tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng theo quy định của pháp luật; tiếp tục đẩy lùi tham nhũng, phát huy vai trò, trách nhiệm của xã hội trong công tác PCTN, góp phần giữ vững ổn định chính trị, KTXH.

Triển khai công tác phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp năm 2022

“Công tác PCTN phải gắn với thi hành Luật PCTN và các văn bản hướng dẫn thi hành, chương trình công tác năm 2022 của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, Công ước của Liên Hiệp Quốc về chống tham nhũng; Kết luận 10-KL/TW của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí; Chỉ thị 10/CT-TTg, ngày 22-4-2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc.

Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải gương mẫu, quyết liệt, trực tiếp lãnh, chỉ đạo công tác PCTN; xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong nội bộ. Kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc. Tiếp tục tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về PCTN và đạo đức liêm chính” - Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình yêu cầu.

Phòng ngừa là chính

Theo đó, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN, bảo đảm hiệu quả, thiết thực. Triển khai và thực hiện đồng bộ các chủ trương, chính sách, pháp luật, giải pháp về PCTN, nhất là công khai, minh bạch (đặc biệt trong quy hoạch, sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, dự án đầu tư, tuyển dụng, bổ nhiệm...); kê khai và kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; thực hiện quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp, chế độ, định mức, tiêu chuẩn... Thường xuyên rà soát, kịp thời phát hiện những sơ hở, thiếu sót, bất cập về cơ chế, chính sách để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật về quản lý KTXH, pháp luật về PCTN, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ để phòng ngừa tham nhũng.

Đặc biệt, cán bộ, công chức, viên chức thực hiện nghiêm những việc không được làm theo quy định của pháp luật về PCTN và pháp luật liên quan với phương châm “giữ chức vụ càng cao càng phải gương mẫu”; gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Tăng cường công tác thanh, kiểm tra phát hiện, xử lý tham nhũng; kịp thời ngăn chặn, chấn chỉnh việc chấp hành chưa đúng chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước với phương châm “coi trọng công tác phòng ngừa, không để xảy ra sai phạm” và “xử lý nghiêm vi phạm” khi đến mức phải xử lý. Quán triệt sâu sắc tư tưởng “dân là gốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dựa vào tai mắt của nhân dân để PCTN. Phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm của cơ quan và đại biểu dân cử, MTTQ và các tổ chức thành viên, nhân dân, cơ quan báo chí, doanh nghiệp, doanh nhân trong PCTN trên địa bàn. Qua đó, tạo những bước chuyển biến rõ rệt trong công tác PCTN, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, giữ vững ổn định chính trị để phát triển KTXH.

THU THẢO