An Giang tập trung nhiệm vụ phục hồi kinh tế

31/05/2022 - 04:57

 - Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát, kinh tế An Giang đang có những tín hiệu phục hồi tích cực. Doanh nghiệp (DN) đăng ký tăng, nhiều nhà đầu tư quan tâm tìm hiểu các dự án lớn, du khách đến An Giang đông đảo, các lĩnh vực kinh tế - xã hội (KTXH) có mức tăng trưởng khá… Đây là điều kiện để tỉnh thực hiện đạt và vượt các mục tiêu năm 2022.

Thích ứng linh hoạt

Theo đánh giá của UBND tỉnh An Giang, từ đầu năm 2022 đến nay, dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát, hoạt động sản xuất - kinh doanh (SXKD), sinh hoạt hàng ngày dần quay trở lại trạng thái bình thường. So cùng kỳ năm 2021, nền kinh tế đang phục hồi nhờ thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phục hồi hoạt động SXKD, đảm bảo quốc phòng - an ninh, giữ vững trật tự, an toàn xã hội.

Mặc dù còn nhiều khó khăn do tác động của đại dịch nhưng nhìn chung, các ngành, các cấp đã nỗ lực hết mình, triển khai đồng loạt các chỉ đạo của Chính phủ, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, các kế hoạch, chương trình, đề án cụ thể hóa kế hoạch phát triển KTXH 5 năm (2021-2025).

Đánh giá 5 tháng đầu năm 2022, GRDP toàn tỉnh tăng trưởng dương, các khu vực nông - lâm - thủy sản; công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ đều tăng trưởng tích cực, đặc biệt là hoạt động xuất khẩu có nhiều tín hiệu khả quan, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng khá; hoạt động thương mại - dịch vụ, du lịch lữ hành tăng trưởng mạnh mẽ; nhiều DN đăng ký thành lập mới; đời sống người dân được chăm lo chu đáo, học sinh trở lại trường tiếp tục học tập, các hoạt động sinh hoạt văn hóa, thể dục - thể thao được nối lại phục vụ đời sống tinh thần cho người dân.

Theo nhận định của UBND tỉnh An Giang, từ nay đến cuối năm 2022 là thời điểm thuận lợi để các ngành kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ, nhất là khi các đường bay trong nước và quốc tế được nối lại hoàn toàn; cuộc sống gần như trở lại trạng thái bình thường. Dự báo nhu cầu tiêu dùng, mua sắm, du lịch, đi lại và vận chuyển hàng hóa, thu hút đầu tư và giải ngân đầu tư công tăng cao so với năm 2021. Tình hình xuất khẩu sang các thị trường đối tác trong các hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là các FTA thế hệ mới sẽ tiếp tục được tăng cường khi các DN dần thích nghi với các cam kết của hiệp định, trong khi thuế nhập khẩu ưu đãi của các đối tác sẽ tiếp tục được xóa bỏ hoặc cắt giảm.

Tận dụng cơ hội

Mặc dù có nhiều cơ hội cho phục hồi tăng trưởng nhưng từ nay đến cuối năm 2022, tình hình KTXH của An Giang tiềm ẩn nhiều rủi ro do một số nước vẫn còn chịu tác động của dịch bệnh COVID-19, khủng hoảng Nga - Ukraine, nhiều quốc gia có tỷ lệ lạm phát tăng…

Tại An Giang, tình hình giá cá tra tăng trưởng “nóng” có thể xảy ra tình trạng lạm dụng SXKD, dẫn đến chất lượng sản phẩm sụt giảm, gây mất ổn định ngành hàng. Trong khi đó, với việc theo đuổi chính sách “Zero COVID”, chính sách nhập khẩu hàng hóa của thị trường Trung Quốc không ổn định, ảnh hưởng đến việc xuất khẩu nông sản qua các cửa khẩu.

Thời gian gần đây, giá xăng dầu tăng cao kéo theo giá chi phí sản xuất, vận tải, logistics tăng mạnh, khiến giá các mặt hàng đều tăng, chi phí đầu tư xây dựng công trình cũng tăng, gây nguy cơ lạm phát, ảnh hưởng tình hình SXKD của DN và đời sống của người dân. Khi An Giang bước vào thời kỳ chuyển mùa và bắt đầu mùa mưa, nhiều hiện tượng thời tiết nguy hiểm đã xuất hiện, ảnh hưởng đến sinh hoạt, đời sống, sản xuất của người dân.

Trước thời cơ và khó khăn, thách thức đang xen, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình đề nghị các ngành, các cấp tiếp tục thực hiện tốt “mục tiêu kép”, vừa kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19, vừa phục hồi và phát triển KTXH trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch 134/KH-UBND, ngày 14/3/2022 của UBND tỉnh về việc thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP, ngày 30/1/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển KTXH; triển khai Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình này. UBND tỉnh yêu cầu khẩn trương thực hiện các dự án được bố trí vốn từ nguồn chương trình phục hồi và phát triển KTXH.

Các sở, ngành, địa phương và cả hệ thống chính trị, DN và nhân dân cần nỗ lực, quyết tâm cao hơn nữa trong các hoạt động chỉ đạo, điều hành cũng như trong hoạt động SXKD, phát triển đời sống xã hội để sớm khắc phục những khó khăn, thách thức, tranh thủ thời cơ để đẩy nhanh quá trình phục hồi và phát triển KTXH của tỉnh, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao trong 6 tháng cuối năm 2022, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển KTXH năm 2022 đã đề ra.

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang yêu cầu các lực lượng, ngành chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng, lợi dụng diễn biến giá xăng dầu để tăng giá hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý. Đồng thời, chủ động triển khai nhiều giải pháp nhằm đảm bảo nguồn cung, kiểm soát giá cả, bình ổn thị trường; tăng cường kiểm tra, kiểm soát, chống buôn lậu xăng dầu qua biên giới.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác giải ngân vốn đầu tư công đã giao từ đầu năm. Tỉnh tranh thủ làm việc với Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, phấn đấu đoạn đi qua tỉnh An Giang được thực hiện trong giai đoạn 2021-2025…

Các ngành chức năng đang khẩn trương hoàn chỉnh Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo góp ý của các bộ, ngành Trung ương, kịp thời công bố tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh An Giang năm 2022 (dự kiến tổ chức đầu tháng 11/2022). Việc tổ chức thành công sự kiện quan trọng này nhân kỷ niệm 190 năm thành lập tỉnh An Giang (1832-2022) được xem là động lực để An Giang bứt phá phát triển thời gian tới.

NGÔ CHUẨN