Băn khoăn tình trạng nợ đóng bảo hiểm ở An Giang

23/12/2022 - 04:05

 - 70,4% doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất - kinh doanh trong tỉnh nợ bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm y tế (BHYT). Đó là thực trạng cần lưu tâm. Nhưng có lẽ, việc giải quyết không thể một sớm một chiều, mà cần giải pháp căn cơ, hiệu quả.

Nợ kéo dài, khó đòi

Theo BHXH tỉnh, toàn tỉnh An Giang có 1.907 DN, cơ sở sản xuất - kinh doanh, thì có đến 1.343 đơn vị nợ các loại bảo hiểm, tổng số tiền nợ hơn 151 tỷ đồng. Đơn vị nợ nhiều nhất lên đến 33,4 tỷ đồng. Trong số đó, 125 đơn vị nợ từ 3-6 tháng (hơn 6 tỷ đồng); 41 đơn vị “chây ỳ”, khó đòi (gần 3,2 tỷ đồng); 277 đơn vị không còn lao động, không liên hệ, giải thể, “mất tích” (hơn 57 tỷ đồng).

Đến lúc này, không còn là chuyện riêng của DN nữa. Tình trạng nợ BHXH kéo dài gây khó khăn cho việc thực hiện chính sách an sinh xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động (NLĐ) khi đi khám, chữa bệnh BHYT, giải quyết chế độ ốm đau, thai sản, trợ cấp thất nghiệp, hưu trí, tử tuất hàng tháng…

Trách DN cũng tội cho DN, khi nguyên nhân khách quan nằm ở chỗ, tình hình bất ổn của thế giới khiến hợp đồng bị giảm sút; giá nguyên vật liệu tăng cao; ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19… “Trăm dâu đổ đầu tằm”, DN điêu đứng nhiều tháng trời, phải hoạt động cầm chừng; việc làm và thu nhập của NLĐ không ổn định, lấy đâu ra tiền đóng BHXH đúng hạn!

Nhưng về chủ quan, thực tế cho thấy, ý thức chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN của một bộ phận chủ sử dụng lao động, NLĐ vẫn còn hạn chế. Việc chậm đóng, trốn đóng, đóng không đúng quy định cho NLĐ diễn ra khá phổ biến. Mặt khác, có sự chênh lệch lớn số lượng lao động đang quản lý giữa cơ quan thuế và ngành BHXH.

Công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật về lĩnh vực này dù được tăng cường, nhưng chưa bao phủ sâu rộng, chưa tiếp cận đến từng người dân, lao động, DN. Chính vì thế, một số nơi chưa quan tâm, chưa hiểu rõ trách nhiệm, quyền lợi của việc tham gia BHXH, BHTN, BHYT.

“Cũng cần nhìn nhận rằng, mức xử phạt vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền của giám đốc BHXH tỉnh về nợ đóng bảo hiểm còn thấp, chưa mang tính răn đe đối với tổ chức, cá nhân vi phạm. Thủ tục, hồ sơ khởi tố hành vi vi phạm theo Điều 214, 215, 216 Bộ luật Hình sự khá vướng mắc, chưa thống nhất giữa các ngành liên quan (BHXH, công an, viện kiểm sát nhân dân, tòa án nhân dân)” - Giám đốc BHXH tỉnh An Giang Đặng Hồng Tuấn chia sẻ.

Trách nhiệm không của riêng ai

Theo Điều 23 Luật BHXH năm 2014, cơ quan BHXH phải phối hợp chặt chẽ với nhiều đơn vị, phương tiện thông tin đại chúng tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về các loại bảo hiểm bắt buộc. Đồng thời, tham mưu UBND cấp tỉnh kiện toàn thành viên tổ thu hồi nợ BHXH, BHTN, BHYT. Trong đó, tổ trưởng là giám đốc BHXH tỉnh, thành viên là đại diện ngành lao động - thương binh và xã hội, y tế, công an, liên đoàn lao động, ban quản lý khu kinh tế.

Tại kỳ họp 11 HĐND tỉnh An Giang vừa qua, nội dung này được đưa vào chương trình chất vấn, chứng tỏ cử tri, Thường trực HĐND tỉnh và các đại biểu HĐND tỉnh đặc biệt quan tâm, mong muốn tìm cách tháo gỡ. Trả lời chất vấn, ông Đặng Hồng Tuấn cho biết, đối với 277 đơn vị nợ không còn lao động, liên lạc không được, giải thể… cùng số nợ hơn 57 tỷ đồng, đồng nghĩa với việc sổ BHXH không chốt được, không giải quyết chế độ cho NLĐ theo quy định. Trước mắt, BHXH tỉnh hướng dẫn các DN tách đóng đủ BHXH, BHTN, BHYT cho lao động nghỉ việc, để chốt sổ BHXH, giải quyết chế độ BHTN kịp thời, nhằm giảm khó khăn cho NLĐ khi mất việc làm.

Về lâu dài, đơn vị tăng cường đối thoại với NLĐ, DN nợ BHXH, BHTN, BHYT; thường xuyên công khai rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng “tên tuổi” những DN này. Đồng thời, tăng cường thanh tra chuyên ngành, kiểm tra; phối hợp sở, ngành liên quan thanh, kiểm tra về đóng BHXH, BHTN, BHYT; xử lý hoặc kiến nghị cơ quan thẩm quyền xử lý nghiêm hành vi vi phạm, góp phần đảm bảo quyền lợi cho NLĐ.

“Ngoài ra, chúng tôi tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo, yêu cầu sở, ban, ngành liên quan phối hợp xử lý nợ BHXH, BHTN, BHYT đối với DN giải thể, phá sản có mua bán, thanh lý tài sản. Đơn vị phối hợp Công an tỉnh ký kế hoạch thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực này (theo quy chế phối hợp giữa Bộ Công an và BHXH Việt Nam). Trong đó, đã xây dựng quy trình cụ thể xử lý hành vi trốn đóng, chậm đóng BHXH, BHTN, BHYT theo hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao” - Giám đốc BHXH tỉnh An Giang Đặng Hồng Tuấn khẳng định.

Theo Điều 85 Luật BHXH, hàng tháng, NLĐ và người sử dụng lao động đều phải trích một phần tiền lương và quỹ lương để đóng các loại bảo hiểm bắt buộc. Toàn bộ tiền đóng bảo hiểm sẽ được nộp cho cơ quan BHXH cấp huyện nơi DN đặt trụ sở.

 

AN KHANG

 

Liên kết hữu ích