Khi đã là Chủ tịch nước, Người vẫn giữ nếp cũ vốn có của mình. Ăn những món ăn quê nhà ngày nào, mặc bộ quần áo vải như những người bình thường. Ham lao động chân tay và trí óc, việc gì tự làm được thì không muốn phiền người khác. Cái tên riêng “Ông kỹ sư trưởng” mà các đồng chí công tác tại cơ quan của Bác đặt cho quả không sai.
Chiếc xe đạp Bác Tôn sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày
Hôm đến Nhà trưng bày “Thân thế và sự nghiệp Chủ tịch Tôn Đức Thắng ở xã Mỹ Hòa Hưng (TP. Long Xuyên)”, xem qua những hình ảnh, hiện vật về cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác, tôi cảm nhận sâu sắc về tinh thần anh dũng, ý chí bất khuất, lòng trung thành với những lý tưởng cao đẹp. Tôi đứng lặng thật lâu trước chiếc xe đạp cũ Bác đã sử dụng như một phương tiện đi lại thân quen.
Hiện vật ấy đã trở thành huyền thoại, gắn liền với cuộc sống đời thường của vị lãnh đạo luôn gần gũi, gắn bó với quần chúng Nhân dân. Tuy nhiên, điều làm tôi xúc động nhất khi tận mắt nhìn thấy cái ghế con bọc nhôm đã úa màu thời gian, nằm cạnh chiếc xe đạp như muốn tôn thêm cá tính của con người sống thanh cao.
Có lẽ, Bác tận dụng từ loại đồ vật nào đó đã vứt đi để làm nên, mà thường ít người nghĩ đến. Cái ghế Bác Tôn đã từng ngồi để sửa chữa chiếc xe đạp cũ của mình, vẫn là người thợ sau khi rời phòng làm việc. Giản dị và đôn hậu biết bao, trong lịch sử kim - cổ, Đông - Tây hiếm có vị lãnh đạo cao cấp nước nào sống, sinh hoạt và sử dụng những tiện nghi bình dị rất đời thường như vậy.
Dù rất mộc mạc, nhỏ bé, nhưng cái ghế ấy thể hiện được ý tưởng lớn về mẫu mực của đạo đức: cần - kiệm - liêm - chính - chí công vô tư. Ngay cả đến lúc cuối đời, Bác cũng chẳng có của cải gì để lại cho con, cháu, ngoài di sản tinh thần quý báu vô cùng là trung với nước, hiếu với dân.
NGỌC CẦM