Cảnh báo thời tiết nguy hiểm

22/02/2019 - 07:36

 - Tuy không đến nỗi quá khắc nghiệt như năm 2016 nhưng mùa khô năm 2019, dự báo tình hình nắng nóng, khô hạn, xâm nhập mặn sẽ nghiêm trọng hơn năm 2018. Nếu không có các biện pháp chủ động ứng phó, vụ đông xuân hiện nay và đặc biệt là vụ hè thu 2019 có thể bị ảnh hưởng lớn.

Khô hạn, thiếu nước cục bộ

Tại xã Tân Lập (Tịnh Biên), kênh Định Thành là khu vực cung cấp nguồn nước chính phục vụ 2 tiểu vùng sản xuất với diện tích 630ha. Phó Chủ tịch UBND huyện Tịnh Biên Nguyễn Thanh Hùng cho biết, trong quá trình thi công lắp đặt cống kiểm soát lũ trên kênh Định Thành nhằm điều tiết nước cho khu vực sản xuất 3 vụ (thuộc Dự án VnSAT), đơn vị thi công tiến hành đắp lại đầu kênh. Để đảm bảo nước cho sản xuất của nông dân, chính quyền xã Tân Lập đã nạo vét 2 tuyến kênh hậu (kênh hậu tuyến dân cư Nam Vịnh Tre và kênh hậu tuyến dân cư Tân Định) dẫn nước vào kênh Định Thành từ kênh 1-5. Tuy nhiên, sau Tết Nguyên đán, khu vực này vẫn bị thiếu nước cục bộ. Ngoài nguyên nhân nông dân đồng loạt lấy nước vào ruộng (43 máy bơm cùng lúc), còn do mực nước từ các kênh tưới chính (Vàm Xáng Vịnh Tre và Mặc Cần Dưng) thấp hơn so cùng kỳ 0,2-0,3m.

Mực nước ở nhiều tuyến kênh xuống thấp

Trước tình trạng mực nước trong kênh còn thấp (dù vẫn đảm bảo đủ cung cấp nước sản xuất cho nông dân), UBND huyện Tịnh Biên đã thống nhất triển khai nhanh việc mở rộng đường lấy nước vô ở 2 đầu kênh 1-5, phục vụ dẫn nước vào 2 tuyến kênh hậu. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thi công nạo vét kênh hậu tuyến dân cư Nam Vịnh Tre, kịp thời cung cấp nước cho nông dân sản xuất. Về lâu dài, UBND xã Tân Lập sẽ tiến hành giải phóng mặt bằng, thi công nạo vét kênh 1-5 nhằm đảm bảo nước tưới cho khu vực vùng 3 vụ.

Không riêng gì Tịnh Biên, huyện miền núi Tri Tôn đang đối mặt với tình trạng khô hạn, thiếu nước tưới mùa khô. Phó Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Đỗ Minh Trí cho biết, nhiều xã từ vùng cao đang đối diện nguy cơ hạn hán, nhất là xã Ô Lâm (2.000ha), kế đến là các xã: Châu Lăng (825ha), Lương Phi (385ha), Lê Trì và An Tức (200ha/xã). Ngay cả các xã đồng bằng cũng bị ảnh hưởng thiếu nước như: Tà Đảnh (600ha) và Tân Tuyến (120ha). Để phòng, chống hạn, Tri Tôn có kế hoạch đầu tư xây dựng 10 công trình thủy lợi, phục vụ 4.525ha sản xuất. Các công trình có tổng chiều dài 23,7km, khối lượng thực hiện 161.200m3, tổng kinh phí khoảng 6 tỷ đồng.

Ứng phó chủ động

Trước cảnh báo khô hạn nghiêm trọng hơn năm 2018, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã khảo sát ở các địa phương để có giải pháp xử lý kịp thời. Hầu hết những đề xuất của các địa phương về nạo vét kênh, mương, xây dựng các công trình thủy lợi để ứng phó khẩn cấp với hạn hán, phục vụ nước tưới cho sản xuất và sinh hoạt của người dân đều được chấp thuận. Tại huyện Phú Tân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Thư đồng ý hỗ trợ huyện nạo vét tuyến kênh Thần Nông, dài khoảng 12km (đoạn từ ranh xã Phú Hưng - Phú Xuân đến UBND xã Phú Long và đoạn từ ngã tư xã Phú Thành đến xã Phú Long). Đây là công trình cấp bách nhằm đảm bảo nguồn nước tưới phục vụ sản xuất cuối vụ đông xuân và hè thu 2019. Tại huyện Chợ Mới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Thư đề nghị địa phương triển khai các giải pháp nhằm phát huy hiệu quả hệ thống kiểm soát lũ Nam Vàm Nao cùng 4 dự án tưới công nghệ cao, gồm: hệ thống tưới phun sương trên rau màu xã Kiến An và 3 hệ thống tưới nhỏ giọt trên cây ăn trái ở cù lao Giêng (Tấn Mỹ, Mỹ Hiệp, Bình Phước Xuân). Đây là một trong những giải pháp tưới tiết kiệm nước theo công nghệ tiên tiến, đặc biệt có hiệu quả trong tình hình khô hạn.

Việc chủ động ứng phó với hạn hán là cần thiết bởi theo ghi nhận của Đài Khí tượng Thủy văn (KTTV) tỉnh, trong tháng 12-2018, nhiệt độ trung bình trên địa bàn tỉnh cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN) cùng thời kỳ đến 2,5oC. Sang tháng 1-2019, nhiệt độ vẫn cao hơn TBNN 1oC. “Từ tháng 2 đến tháng 5-2019, nhiệt độ trung bình trên khu vực An Giang ở mức cao hơn TBNN khoảng 0,5-1oC. Nắng nóng có xu hướng xuất hiện sớm, nhiệt độ cao nhất tháng 2 phổ biến từ 33-35oC, các tháng 3-5 phổ biến từ 34-36oC, có nơi trên 36oC” - Giám đốc Đài KTTV tỉnh Lưu Văn Ninh nhận định.

Ghi nhận tháng 12-2018 và tháng 1-2019, tổng lượng mưa hầu hết thiếu hụt so với cùng kỳ. Tình trạng này tiếp diễn cho đến tháng 5, Đài KTTV tỉnh cảnh báo ít mưa xảy ra từ nửa cuối tháng 2 đến tháng 4-2019. Trong khi đó, mực nước trên các sông, kênh của An Giang có xu thế xuống dần, có thể thấp hơn từ 0,1-0,3m so cùng kỳ năm 2018. Tháng 6-2019, khi tổng lượng dòng chảy trên các trạm thượng nguồn sông Mekong tăng dần (cao hơn TBNN từ 10-20%), mực nước trên các sông, kênh thuộc tỉnh An Giang mới lên dần và ở cao hơn TBNN từ 0,1-0,2m. Như vậy, từ nay đến cuối mùa khô 2019, vẫn phải tiếp tục đề phòng nắng nóng, ít mưa, mực nước thấp, ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN