Chống buôn lậu, gian lận thương mại lĩnh vực nông nghiệp

17/02/2025 - 04:58

 - Tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên lĩnh vực nông nghiệp vẫn diễn biến phức tạp, nhất là hoạt động kinh doanh trên môi trường thương mại điện tử. Từ thực tế trên, ngành nông nghiệp tỉnh tăng cường công tác quản lý, chủ động kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn, xử lý.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tiếp tục thực hiện nghiêm túc, hiệu quả chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử. Ngành nông nghiệp còn đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật để tổ chức, cá nhân nâng cao ý thức, chấp hành tốt quy định của pháp luật trong lĩnh vực nông nghiệp; tuyên truyền, phổ biến phương thức, thủ đoạn mới để Nhân dân đề cao cảnh giác, tích cực tham gia tố giác tội phạm, vi phạm pháp luật.

Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai 6 đường dây nóng, 6 hộp thư điện tử để tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh, khiếu nại tố cáo trong lĩnh vực vật tư nông nghiêp và an toàn thực phẩm. Đặc biệt, công tác thanh tra, kiểm tra luôn được ngành nông nghiệp quan tâm, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm; có sự phối hợp chặt chẽ với cơ quan liên quan.

Tăng cường thanh, kiểm tra trong lĩnh vực nông nghiệp

Trong năm 2024, đơn vị thực hiện 3 cuộc thanh tra doanh nghiệp theo kế hoạch, gồm: Việc chấp hành quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm; sản xuất - kinh doanh thuốc thú y, thủy sản và thức ăn chăn nuôi, thủy sản…; sản xuất - kinh doanh vật tư nông nghiệp. Quá trình thanh tra, đoàn công tác phát hiện, xử lý vi phạm hành chính đối với 6 tổ chức, số tiền xử phạt trên 295 triệu đồng, giá trị hàng hóa trên 169 triệu đồng. Nội dung vi phạm chủ yếu: Kinh doanh phân bón không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật, giả giá trị sử dụng công dụng, có nhãn hàng hóa ghi không đúng; sản xuất thực phẩm sử dụng chất phụ gia vượt giới hạn cho phép...

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn còn thực hiện 94 cuộc kiểm tra, với 399 đối tượng được kiểm tra (36 doanh nghiệp). Nội dung kiểm tra chủ yếu việc chấp hành quy định của pháp luật về sản xuất - kinh doanh vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm; cơ sở kinh doanh thuốc thú y và thức ăn chăn nuôi; lâm nghiệp… Qua kiểm tra, đã xác minh 96 cá nhân, tổ chức vi phạm, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tổng số tiền gần 1,7 tỷ đồng; tổng giá trị tang vật tịch thu do vắng chủ trên 41 triệu đồng.

Tuy nhiên, hành vi vi phạm giả về giá trị sử dụng, công dụng còn xảy ra. Nguyên nhân do một số người tiêu dùng chưa nhận thức tác hại của việc mua, sử dụng hàng giả; việc chủ quan, hám lợi của một số cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp. Việc hợp thức hóa hàng hóa bằng hóa đơn bán hàng không đúng thực tế còn diễn ra. Hóa đơn bán hàng ghi đủ chủng loại, số lượng, nhưng giá trị hàng hóa thường rất thấp so giá trị thực tế. Việc lưu giữ đối với tang vật vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu đối với một số mặt hàng cấm dễ gây mất an toàn; mặt hàng yêu cầu điều kiện bảo quản đặc biệt còn nhiều bất cập do chưa có địa điểm lưu giữ hàng hóa vi phạm.

Tình trạng gian lận thương mại lĩnh vực nông nghiệp vẫn diễn biến phức tạp

 Do đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị, cần tăng cường phổ biến, tuyên truyền thường xuyên để nâng cao nhận thức người tiêu dùng. Bên cạnh đó, tăng cường sự phối hợp giữa các lực lượng trong hoạt động chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; chủ động phối hợp thực hiện tốt các nội dung quy chế hợp tác đã ký kết.

Mặt khác, tăng cường nắm bắt tình hình, phát hiện, kiểm tra và xử lý, chú trọng địa bàn trọng điểm dễ phát sinh hoạt động buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả và hành vi vi phạm sở hữu trí tuệ. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, kiểm soát về an toàn thực phẩm, chống sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, giả mạo xuất xứ trong hoạt động thương mại điện tử.

MINH ĐỨC