Chủ tịch Quốc hội đề nghị kiểm tra việc thực hiện kiểm toán tài chính bệnh viện

10/11/2021 - 14:20

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 10-11, nhiều đại biểu đã đặt câu hỏi đối với Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long về các giải pháp khắc phục hạn chế trong khám, sàng lọc, phát hiện sớm bệnh tật; gỡ vướng mắc về cơ chế tài chính cho mô hình Trung tâm Y tế huyện đa chức năng; việc chuyển giao các Bệnh viện quận, huyện và Trung tâm Y tế cho Sở Y tế quản lý dẫn đến nhiều khó khăn, bất cập, nhất là khi dịch bệnh bùng phát.

Mỗi người dân mỗi năm có thể khám, sàng lọc sức khỏe ít nhất một lần

Cho rằng, hiện nay việc thực hiện khám, sàng lọc, phát hiện sớm bệnh tật còn nhiều hạn chế, mà đây lại là công đoạn rất quan trọng trong điều trị bệnh cho người dân, đại biểu Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang) chất vấn Bộ trưởng Y tế về giải pháp khắc phục trong thời gian tới. Đồng thời, đại biểu nêu câu hỏi về giải pháp tháo gỡ vướng mắc về cơ chế tài chính cho mô hình Trung tâm Y tế huyện đa chức năng.

Chú thích ảnh

Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang Nguyễn Minh Sơn đặt câu hỏi chất vấn. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, theo Luật Bảo hiểm y tế, hiện nay chưa được sử dụng ngân sách của bảo hiểm y tế cho khám, sàng lọc, phát hiện sớm bệnh tật ở cộng đồng đối với người dân để thực hiện việc chăm sóc, điều trị một cách tốt hơn. Bộ Y tế sẽ xây dựng gói dịch vụ y tế cơ bản, trong đó đảm bảo mỗi người dân mỗi năm có thể khám, sàng lọc sức khỏe ít nhất một lần.

Thời gian tới, Bộ sẽ trình sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế, trong đó sẽ quy định việc sử dụng ngân sách của bảo hiểm y tế để khám, sàng lọc sức khỏe đối với người dân, nhằm quản lý, chăm sóc một cách sớm nhất, tốt nhất, nhất là đối với một số bệnh truyền nhiễm. Đồng thời, quy định sử dụng ngân sách của Nhà nước cho vấn đề này.
 
Đề nghị các địa phương sử dụng ngân sách địa phương cho chương trình khám sàng lọc sức khỏe đối với người dân, Bộ trưởng cho biết, thời gian qua, các tổ chức, hiệp hội, các hội của ngành Y đã phối hợp với một số đơn vị, địa phương triển khai các hoạt động khám, sàng lọc đối với người dân rất hiệu quả.

“Khi Luật Bảo hiểm y tế được thông qua, trân trọng đề nghị đại biểu Quốc hội ủng hộ quan điểm đưa những vấn đề về chi tiêu cho y tế dự phòng, chi tiêu cho khám, sàng lọc sức khỏe trong bảo hiểm y tế, để tạo tính bền vững và liên tục trong quản lý sức khỏe đối với người dân theo đúng Nghị quyết 20 của Ban Chấp hành Trung ương”, Bộ trưởng bày tỏ.

Nhận trách nhiệm về những vướng mắc ở mô hình Trung tâm Y tế, nhất là vấn đề trong thanh toán, quyết toán, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long thông tin, việc chi tiêu đối với Trung tâm Y tế, ở tuyến xã ở mức độ rất thấp, 75% lượng khám bệnh, chữa bệnh được thực hiện tại bệnh viện tuyến huyện và tuyến xã, nhưng tổng mức chi tiêu chỉ khoảng 34%, đối với tuyến xã chỉ có 2%. Vì vậy, việc cải cách cơ chế tài chính đối với y tế tuyến huyện đã được Bộ đặt ra và đang tiến hành rà soát, đánh giá tổng thể, trên cơ sở đó đề xuất giải pháp để đổi mới cơ chế tài chính cho tuyến huyện.

Trung tâm Y tế đang thực hiện hai chức năng: khám bệnh, chữa bệnh và chức năng về mặt dự phòng. Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Bộ Y tế sẽ tiếp tục đẩy nhanh cải cách về mặt tài chính đối với y tế tuyến huyện, để đảm bảo cho y tế cơ sở phát triển.

Tăng cường phân cấp quản lý

Chú thích ảnh

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực y tế. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Đại biểu Dương Ngọc Hải (Thành phố Hồ Chí Minh) nêu lên thực tế việc chuyển giao các Bệnh viện quận, huyện và Trung tâm Y tế cho Sở Y tế quản lý dẫn đến nhiều khó khăn, bất cập, nhất là khi dịch bệnh bùng phát. UBND các quận, huyện rất khó khăn trong việc tập trung chỉ đạo, điều hành, điều phối hoạt động của các Bệnh viện quận, huyện và Trung tâm Y tế, trong khi Bệnh viện và Trung tâm Y tế đóng vai trò quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe, khám bệnh và thực hiện tổ chức xét nghiệm, tiêm chủng, điều trị, chăm sóc bệnh tại nhà với quy mô lớn khi xảy ra dịch bệnh và cần có sự tập trung chỉ đạo, điều phối của UBND cấp quận, huyện. Sở Y tế chỉ nên quản lý các bệnh viện chuyên khoa, bệnh viện đa khoa lớn và chỉ đạo, hướng dẫn về công tác chuyên môn. Từ các vấn đề trên, đại biểu đặt câu hỏi: Bộ Y tế có giải pháp gì trong việc phân cấp quản lý để phát huy vai trò của Bệnh viện quận, huyện và Trung tâm Y tế.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, đây là vấn đề ngành đang đặt ra để đổi mới tổ chức hệ thống y tế. Theo quy định, các Trung tâm Y tế, Bệnh viện thuộc Sở Y tế quản lý. Tuy nhiên, năng lực quản lý, nguồn lực đầu tư, con người, cơ sở vật chất…, một số Sở Y tế chưa quản lý được hết và chưa có đầu tư. Vì vậy, khi làm việc với Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ ủng hộ phương án trao việc quản lý các Trung tâm Y tế cho quận, huyện, vì tiềm lực của các quận, huyện của Thành phố rất lớn, nên việc phân cấp, phân quyền, tăng cường đầu tư và tăng cường trách nhiệm của chính quyền địa phương đối với hoạt động y tế trên địa bàn là phù hợp.

Đối với mặt bằng chung trên toàn quốc, Bộ Y tế tiếp tục nghiên cứu, bởi trên thực tế, có những địa phương rất khó khăn. Bộ sẽ cân nhắc tất cả các góc độ để đảm bảo tăng cường đầu tư, tăng cường về mặt quản lý, về trách nhiệm đối với quản lý y tế cơ sở để làm tốt hơn công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

“Riêng đối với Thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi đã trao đổi với đồng chí Bí thư, ủng hộ hoàn toàn cho phương án này và mong Thành phố triển khai thí điểm càng sớm càng tốt để trên cơ sở đó Bộ có những đánh giá, rút kinh nghiệm trong vấn đề về tổ chức triển khai quản lý theo hệ thống ngành”, Bộ trưởng nhắc lại.

Chuyển đơn vị y tế cấp huyện về cho địa phương

Chú thích ảnh

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Đề cập đến nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, theo tinh thần Nghị quyết 19 về sắp xếp, đổi mới các đơn vị sự nghiệp công lập, các đơn vị sự nghiệp công lập như bệnh viện, nếu đã tự chủ hoàn toàn thì được phép tổ chức hạch toán như doanh nghiệp và kiểm toán báo cáo tài chính hàng năm.

“Chúng ta đã thực hiện nghiêm việc này chưa, hay đến khi mất bò mới lo làm chuồng”, Chủ tịch Quốc hội đặt câu hỏi.

Theo Chủ tịch Quốc hội, “vấn đề hướng dẫn, kiểm tra, giám sát của Bộ là một chuyện, nhưng vấn đề nữa là chế độ kế toán và kiểm toán đối với các đơn vị này, trong Nghị quyết 19 nói rất rõ là phải thực hiện quản lý và hạch toán như doanh nghiệp. Ví dụ như liên kết đặt máy, mua bán thuốc, vật tư, thiết bị y tế…, hàng năm, Nhà nước sẽ kiểm toán bệnh viện công, còn những đơn vị đã hạch toán như doanh nghiệp, tự chủ hoàn toàn phải kiểm toán và công khai việc này”. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ trưởng kiểm tra lại các nội dung trên.

Đối với các đơn vị y tế cấp huyện sau khi sắp xếp, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, phải chuyển về cho địa phương, ngành Y tế chỉ quản lý về mặt chuyên môn. “Bởi vì không ai khác, cấp huyện người ta rất thành thạo về vấn đề con người, về nhân sự, quản lý về đất đai, tất cả mọi thứ trên địa bàn và Chính phủ khóa trước đã có chủ trương về vấn đề này rồi”.

Tỏ thái độ không hài lòng, Chủ tịch Quốc hội tiếp tục đặt câu hỏi “Tại sao bây giờ chúng ta làm rất khác nhau? Qua đợt chống dịch, vấn đề này lại bộc lộ ra”.

Khẳng định bất cập trên không chỉ xảy ra ở Thành phố Hồ Chí Minh, chúng ta đã 4 -  5 năm làm việc này rồi, nhưng cho đến nay còn rất không thống nhất giữa các địa phương với nhau, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, đây là vấn đề rất lớn mà qua phòng, chống dịch này, vấn đề năng lực của y tế cơ sở càng bộc lộ ra.

“Chúng tôi rất mong muốn đại biểu Quốc hội đi đến thống nhất để trong lần này Nghị quyết về chất vấn, trả lời chất vấn có nội dung này, hoặc là vẫn để cho ngành Y tế thì cho ra ngành Y tế đi, hoặc là chúng ta chuyển về cho địa phương, dứt khoát là phải thống nhất trên phạm vi toàn quốc”, Chủ tịch Quốc hội nói và đề nghị Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chuẩn bị để giải trình, nói rõ quan điểm, rạch ròi vấn đề này. Song ông cũng cho rằng, “ngành Y tế chỉ quản lý về chuyên môn”.

Về vấn đề nhân lực và cơ cấu đội ngũ y tế, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ trưởng có kế hoạch để thực hiện đúng theo tinh thần Nghị quyết 19, giảm bớt đội ngũ làm công tác quản lý gián tiếp, để đảm bảo cơ cấu 65 - 35, tức là 65% trực tiếp làm công tác chuyên môn, chỉ tối đa 35% cho những cán bộ gián tiếp. Nếu sắp xếp lại một cách nghiêm theo tỷ lệ này, chúng ta có điều kiện để bổ sung thêm những cán bộ, nhân viên y tế đầu ngành chất lượng cao và có thể bổ sung thêm điều dưỡng viên.

Theo CHU THANH VÂN (Báo Tin Tức)

 

Liên kết hữu ích