Chia sẻ về ý tưởng KN, anh Tài cho biết: “Với cách làm NN truyền thống, nông dân (ND) chịu nhiều rủi ro trong canh tác, thiếu các thiết bị đo đạc và cảnh báo các yếu tố tác động đến cây trồng như: nhiệt độ, độ ẩm, sương mù, ánh sáng… để từ đó có cách ứng phó và điều chỉnh liều lượng chăm bón cho cây lúa và các loại hoa màu.
Vì vậy, nhóm chúng tôi gồm 3 người (tôi và 2 bạn Đào Tiến Khoa, Trần Kim Vũ) đã phối hợp xây dựng hệ thống giám sát và kiểm soát nông trại trên các thiết bị di động. Dự án sẽ cung cấp các phần cứng (được lắp đặt trên đồng ruộng hoặc nông trại mi-ni) và một không gian mạng cho người dùng.
Chỉ cần 1 tài khoản trên máy tính hay smartphone, người dùng dù ở bất cứ nơi đâu đều có thể kiểm soát tất cả các thiết bị, nhận dữ liệu hàng ngày qua email, nhận biết các điều kiện tự nhiên đang tác động đến cây trồng (nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, sương mù), nhận thông báo ngay lập tức khi có sự cố hoặc các điều kiện thời tiết bất lợi.
Đặc biệt, hệ thống còn có chức năng thống kê số liệu quá trình SX như quyển nhật ký nhà nông, giúp ND có thể biết được trong mỗi vụ mùa đã sử dụng lượng giống, phân bón, lượng nước tưới tiêu như thế nào, để từ đó có sự điều chỉnh, rút kinh nghiệm trong SX vụ mùa sau”.
Xây dựng phần cứng của sản phẩm
Anh Tài chia sẻ thêm, việc ứng dụng công nghệ IoT (Internet of Things), một phần của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 của thế giới, sẽ kết nối những thiết bị thông minh với nhau, mang đến những tiện ích tối ưu trong đời sống và SX.
Ở các quốc gia tiên tiến, việc ứng dụng công nghệ trong các thiết bị giám sát NN đã được thực hiện. Ở Việt Nam, các ứng dụng của công nghệ này đã có mặt rải rác trong một số mô hình NN.
Tuy nhiên, việc kết nối và tích hợp trên cùng một hệ thống nhiều tính năng, mang lại thuận tiện nhất cho người dùng là điều chưa được nhắc đến. Đó chính là động lực để nhóm nghiên cứu và phát triển dự án, như là một giải pháp công nghệ và một sản phẩm (SP) thông minh góp mặt trên thị trường. Đó chính là yếu tố độc đáo, khác biệt để KN, tạo chỗ đứng cho giới trẻ trong kinh doanh hiện đại.
Nhóm thực hiện dự án (Đức Tài bìa phải)
Là giảng viên chuyên ngành cơ - điện tử, anh Tài nhận ra rằng việc đưa ứng dụng cơ điện tử vào NN là điều hết sức cần thiết, vừa giúp giải phóng sức lao động ở cả khâu lao động vừa đỡ công quản lý, chăm sóc, góp phần giảm thiểu rủi ro trong canh tác, nâng cao chất lượng và hạ giá thành SP thì mới tăng tính cạnh tranh của các mặt hàng nông sản trên thị trường trong nước và quốc tế. Đã đến lúc ND cần phải thay đổi tư duy SX, năng động hơn trong tiếp nhận và ứng dụng công nghệ hiện đại mới có thể khai thác hết các giá trị kinh tế trong SXNN.
Không phải để ND chờ đợi lâu, nhóm nghiên cứu của anh Nguyễn Đức Tài đã tiến hành chạy 10 bản thử demo, khách hàng có thể trải nghiệm để có những đánh giá về SP. Từ đó, sẽ có sự điều chỉnh hoàn thiện hệ thống. Nếu SP được nghiên cứu thành công thì mức độ ứng dụng sẽ ngày càng rộng rãi, không chỉ trong trồng lúa mà còn trong SX nông - lâm - thủy sản, nông trại mi-ni trong đô thị, hồ thủy sinh vật cảnh…
“Theo tính toán của nhóm, với chi phí rất thấp (vài trăm ngàn đồng/năm), ND có thể tiếp cận mô hình và được hỗ trợ xuyên suốt trong quá trình sử dụng SP. Bằng việc bán SP hiện đại kèm theo dịch vụ chăm sóc khách hàng tốt chính là yếu tố hàng đầu để việc KN và kinh doanh của những người trẻ ngày càng hiệu quả và bền vững”- anh Đức Tài chia sẻ.
Bài, ảnh: NGỌC GIANG