Đấu tranh, phản bác các luận điệu xuyên tạc cuộc chiến chống “giặc nội xâm”

29/03/2024 - 06:50

Phòng, chống tham nhũng đang là vấn đề nóng, được xác định là nhiệm vụ thường xuyên, vừa cấp bách, vừa lâu dài, khó khăn, phức tạp, đòi hỏi sự vào cuộc của toàn Đảng, toàn dân, “kiên quyết, kiên trì” đấu tranh phòng chống. Thực tế, hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, bên cạnh những thành tựu đạt được, đất nước ta phải đối mặt với nhiều nguy cơ, trong đó tham nhũng là một trong những nguy cơ lớn đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta.

Luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch

Công tác phòng, chống tham nhũng trong bất cứ thời đại nào cũng được nhà cầm quyền quan tâm nhằm đảm bảo sự tồn vong của chế độ, giữ ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của quần chúng nhân dân đối với giai cấp cầm quyền. Thời gian qua, với sự nỗ lực, quyết tâm rất lớn của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, Việt Nam đã đạt những kết quả quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo đúng tinh thần “Không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.

Tuy nhiên, các thế lực thù địch từ trước đến nay luôn muốn chống phá đất nước nhằm hạ thấp uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước; chúng ra sức tuyên truyền, xuyên tạc về công tác phòng, chống tham nhũng. Không chỉ xảo ngôn, như: Chống tham nhũng ở Việt Nam không có vùng cấm: “Một cuộc “thanh trừng” trong Đảng ở Việt Nam”; “Không cần phải thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng”; không cần gán ghép “tham nhũng” với “tiêu cực”; không cần đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng; không cần “chống” làm gì cho mệt sức, tốn công, tốn kém tiền thuế của dân; để công sức, tiền của làm việc khác… vì tham nhũng là tất yếu của cuộc sống, khuyết tật bẩm sinh của quyền lực…

Thâm độc hơn, các thế lực thù địch tận dụng triệt để Internet, mạng xã hội tập trung gieo rắc các tư tưởng, quan điểm sai trái, xuyên tạc, bóp méo; thổi phồng các vụ việc tham nhũng, suy thoái, biến chất của một bộ phận cán bộ, đảng viên trong thời gian gần đây; tung hô những luận điệu đả kích, xuyên tạc, chống phá chủ trương, quyết sách đúng đắn của Đảng về công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Chúng đưa ra các luận điệu xuyên tạc, như: Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, xử lý cán bộ, đảng viên sai phạm chỉ là “trò đánh trống, khua chiêng nhằm che mắt thế gian”, “đấu đá nội bộ”, “tranh giành quyền lực”, “thanh trừng phe cánh”, là chính “ta đánh ta”… cần phải xét lại, “phải thay đổi thể chế chính trị”… Đến đây, hẳn ai cũng dễ dàng nhận ra ngay ý đồ thâm hiểm mà các thế lực xấu muốn hướng đến: Quy chụp cho tham nhũng, lãng phí là bản chất của chế độ, kết quả tất yếu của việc Đảng là lực lượng duy nhất lãnh đạo xã hội, để từ đó suy ra muốn chống tham nhũng triệt để thì phải đa nguyên, đa đảng, phải thay đổi chế độ!

Thực tiễn đã cho thấy, các đối tượng thù địch, phản động cố tình quy chụp, suy diễn vô căn cứ, bởi tham nhũng tồn tại ở nhiều quốc gia theo thể chế đa đảng. Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI) đã công bố chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) năm 2022 của 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó đại đa số các quốc gia có thể chế đa đảng đều có tham nhũng. Theo xếp hạng các nước ít tham nhũng nhất (điểm cao là ít tham nhũng) là Đan Mạch (88 điểm), Phần Lan (87 điểm) và New Zealand (83 điểm); đứng cuối danh sách là Somalia (12 điểm), Syria (13 điểm) và Nam Sudan (13 điểm). Không chỉ ở các số liệu đo lường đó, tham nhũng đã là vấn đề nghiêm trọng ở một số quốc gia khi một số nguyên thủ cũng phạm tội “tham nhũng”. Do đó, tham nhũng là một vấn nạn mang tính toàn cầu, chứ không phải là sản phẩm riêng, là “con đẻ” của thể chế chính trị ở Việt Nam hay của một quốc gia nào.

Thực tế đã minh chứng, công cuộc phòng, chống tham nhũng của nước ta hiện nay đạt những thành tựu to lớn. Qua đó, từng bước kiềm chế, ngăn chặn vấn nạn này, góp phần quan trọng vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, giữ vững ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội. Chống tham nhũng góp phần khắc phục tình trạng thất thoát và thu hồi tài sản, củng cố và tăng cường niềm tin tưởng của Nhân dân, làm trong sạch môi trường đầu tư, tạo ra động lực cho sự phát triển đất nước. Những kết quả đạt được trong công cuộc phòng, chống tham nhũng thời gian qua được dư luận trong nước đồng tình, ủng hộ, được quốc tế ca ngợi… là minh chứng cho chủ trương đúng đắn, kiên quyết, kiên trì của Đảng trong cuộc chiến chống “giặc nội xâm” này. Đồng thời, phản bác đanh thép trước các luận điệu xuyên tạc, quan điểm sai trái của các thế lực thù địch cho rằng “tham nhũng ở Việt Nam là do thể chế chính trị”.

Cán bộ, đảng viên và Nhân dân cần tỉnh táo nhận diện và phản bác các luận điệu sai trái về công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng ta, kiên quyết, kiên trì ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm tham nhũng và những phần tử chống phá, cản trở công cuộc đấu tranh chống tham nhũng; góp phần nâng cao sức chiến đấu, bảo vệ vững chắc Đảng ta trong tình hình mới. Nhất là nâng cao năng lực lãnh đạo, lan tỏa sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, phát huy vai trò nêu gương và trách nhiệm chính trị của mỗi cán bộ, đảng viên nhằm đấu tranh triệt bỏ mọi biểu hiện suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống; biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, xây dựng văn hóa liêm chính, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân.

Tiếp tục thực hiện nguyên tắc không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có đặc quyền, bất kể người đó là ai và không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào… và với tinh thần chỉ đạo: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ hơn và hiệu quả hơn” của toàn Đảng, toàn dân ta nhằm phát huy hiệu lực, lan tỏa quyết tâm của Đảng trong thực hiện cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng “góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, tăng cường quốc phòng - an ninh và đối ngoại.

M.T