Đưa hương vị mắm Châu Đốc vang xa

04/04/2022 - 06:45

 - Thông qua Ngày hội mắm Châu Đốc, An Giang - Đặc sản các vùng miền năm 2022, tỉnh muốn quảng bá, giới thiệu sản phẩm đặc trưng, ẩm thực đa dạng, phong phú của vùng đất An Giang. Đồng thời, giới thiệu, khẳng định thương hiệu “Mắm Châu Đốc” của vùng sông nước miền Tây, đưa hương vị đặc biệt này đến với du khách trong và ngoài nước.

Thúc đẩy phục hồi kinh tế

Tháng 4/2021, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn còn tác động, tại thành phố du lịch (DL) Châu Đốc, UBND tỉnh An Giang vẫn tổ chức thành công Ngày hội sản phẩm OCOP và hàng hóa đặc trưng các tỉnh thành năm 2021. Đây là cơ sở để tỉnh tiếp tục tổ chức Ngày hội mắm Châu Đốc, An Giang - Đặc sản các vùng miền năm 2022 (gọi tắt là Ngày hội mắm Châu Đốc, diễn ra từ ngày 20 đến 24/4/2022), gần thời điểm Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam - lễ hội cấp quốc gia thu hút rất đông du khách.

Trên tinh thần thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh COVID-19, Ngày hội mắm Châu Đốc có quy mô 150 - 180 gian hàng, chia làm 3 khu vực: Khu trưng bày giới thiệu sản phẩm đặc sản An Giang; khu triển lãm các tỉnh, thành phố; khu không gian văn hóa ẩm thực và giao lưu văn hóa cộng đồng.

Đối với khu trưng bày giới thiệu sản phẩm đặc sản An Giang, dự kiến có 80 gian hàng, thực hiện triển lãm theo 4 chuyên đề chính là mắm - lúa gạo - thủy sản - khô. Trong đó, khu vực triển lãm tôn vinh ngành mắm An Giang sẽ tập trung giới thiệu quá trình hình thành, phát triển làm nên thương hiệu của nghề làm mắm Châu Đốc - An Giang; thực hiện các tiểu cảnh tôn vinh nghề mắm An Giang.

Đối với khu vực triển lãm theo 3 chuyên đề lúa gạo, thủy sản và khô, tỉnh mời đại diện 2-3 doanh nghiệp (DN) lớn của tỉnh (Lộc Trời, Angimex, Nam Việt) và huyện An Phú tham gia gian hàng. Riêng đối với gian hàng huyện An Phú, sẽ tái hiện làng nghề làm khô truyền thống của người dân An Giang xưa và nay.

Khu trung tâm còn có ngôi nhà chung triển lãm “An Giang - tiềm năng - cơ hội đầu tư”, tập trung trưng bày, giới thiệu sản phẩm của tỉnh An Giang, như: Sản phẩm đặc trưng của tỉnh, sản phẩm đạt OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm), sản phẩm làng nghề, thủ công mỹ nghệ, sản phẩm khởi nghiệp, dịch vụ, DL, ấn phẩm thương mại - đầu tư - DL… Tỉnh còn thực hiện 4 gian nhà truyền thống kết hợp tái hiện đời sống sinh hoạt hàng ngày, hoạt động văn hóa - văn nghệ, đặc trưng ẩm thực của 4 dân tộc anh em Kinh - Khmer - Chăm - Hoa đang sinh sống trên địa bàn tỉnh An Giang.

Kết nối để lan tỏa

Bên cạnh giới thiệu, quảng bá đặc sản An Giang, Ngày hội mắm Châu Đốc còn có khu vực triển lãm các tỉnh, thành phố, dự kiến có 63 gian hàng dành cho TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh (bố trí trên đường Chi Lăng); các tỉnh Sơn La, Ninh Thuận, Bình Thuận, Tây Ninh, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Bến Tre, Bạc Liêu, TP. Cần Thơ… (bố trí trên đường Bạch Đằng).

Trong không gian dành cho các địa phương bạn, có gian hàng tái hiện đời sống văn hóa - ẩm thực của đồng bào dân tộc thiểu số Chăm (tỉnh Ninh Thuận), Khmer (tỉnh Sóc Trăng), các dân tộc Tây Nguyên (tỉnh Lâm Đồng, Đắk Lắk), Tây Bắc (tỉnh Sơn La).

Tại đây, sẽ trưng bày, giới thiệu các món ăn đặc trưng của đồng bào các dân tộc; giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản của các tỉnh, kết hợp biểu diễn văn nghệ cộng đồng của đồng bào các dân tộc thiểu số Chăm, Khmer, Tây Nguyên, Tây Bắc và biểu diễn đờn ca tài tử tại khu vực gian hàng của các tỉnh: Ninh Thuận, Sóc Trăng, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Sơn La, Bạc Liêu. Bên cạnh đó, còn có gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản của TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, TP. Cần Thơ và các tỉnh: Bình Thuận, Tây Ninh, Đồng Tháp, Bến Tre…

Thêm cơ hội để quảng bá đặc sản An Giang

Một địa điểm rất hấp dẫn khách tham quan là khu không gian văn hóa ẩm thực và giao lưu văn hóa cộng đồng, được bố trí khoảng 15 gian hàng chuẩn, tương đương 40 gian hàng thương mại. Tại đây, du khách sẽ được thưởng thức các món ăn địa phương chế biến từ mắm hoặc sử dụng cùng nước chấm mắm; trải nghiệm ẩm thực đặc trưng của đồng bào các dân tộc Kinh, Khmer, Chăm, Hoa… Với ẩm thực “Gánh hàng rong”, các đầu bếp địa phương sẽ chế biến một số món ăn đặc trưng của An Giang, như: Bánh canh Vĩnh Trung, cháo bò Tri Tôn, bánh bò thốt nốt…

Trong không gian Ngày hội mắm Châu Đốc, khu vực sân khấu biểu diễn cộng đồng sẽ là nơi để du khách trong và ngoài nước thưởng thức, giao lưu, trải nghiệm các loại hình văn nghệ phong phú, đa dạng của các dân tộc anh em.

Để chuẩn bị tốt và tạo sức hút cho Ngày hội mắm Châu Đốc, lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ngành tổ chức đoàn công tác đi vận động các DN tại một số tỉnh, thành phố (TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, TP. Cần Thơ, các tỉnh Sơn La, Tây Ninh, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Đồng Tháp, Bến Tre).

Trong khi đó, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư chủ trì, phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cùng các đơn vị liên quan tổ chức đoàn vận động DN của huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh thực hiện gian triển lãm của các địa phương.

Ngày hội mắm Châu Đốc, An Giang - Đặc sản các vùng miền năm 2022 diễn ra từ ngày 20 đến 24/4 tại khu vực quảng trường phường Châu Phú A và các tuyến đường Thủ Khoa Nghĩa, Chi Lăng, Bạch Đằng (phường Châu Phú A, TP. Châu Đốc). Đến với ngày hội, ngoài tham quan, mua sắm sản phẩm đặc trưng của An Giang và các tỉnh, thành phố, du khách còn được tham gia các hoạt động vui chơi giải trí, biểu diễn cộng đồng, “check-in” tiểu cảnh tôn vinh ngành mắm An Giang. Đối với các DN, được tạo điều kiện giao thương, kết nối; ký kết biên bản hợp tác, hỗ trợ DN giữa các địa phương.

NGÔ CHUẨN