Đừng để nông dân ĐBSCL mãi “trông nhiều bề”

15/11/2021 - 08:29

 - Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV đang tiếp tục với hoạt động thảo luận, chất vấn và trả lời chất vấn. Ngoài đánh giá cao nỗ lực của Quốc hội, Chính phủ và cả hệ thống chính trị trong việc kiểm soát dịch bệnh, ngăn chặn đà suy giảm kinh tế, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) bày tỏ những băn khoăn không dứt về nông nghiệp vùng ĐBSCL.

Cần có giải pháp tổng thể về nông nghiệp

Tại phiên họp tập trung ngày 8-11, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy An Giang Trần Thị Thanh Hương tiếp tục chuyển tải đến Quốc hội tâm tư, nguyện vọng của cử tri An Giang nói riêng, vùng ĐBSCL nói chung: “Tác động của đại dịch COVID-19 càng lộ rõ những hạn chế, bất cập trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn. ĐBSCL là vựa lương thực lớn nhất cả nước, giữ vai trò đặc biệt quan trọng đối với an ninh lương thực, nhưng nông dân luôn phải đối mặt với 1 nền nông nghiệp bất ổn. Để nông nghiệp vùng ĐBSCL phát triển vững chắc, bên cạnh nỗ lực của bà con nông dân, chính quyền địa phương, vẫn cần có giải pháp tổng thể liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn; cần Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương tập trung tháo gỡ”.

Nông dân thu hoạch lúa. Ảnh: T.H

Theo bà Trần Thị Thanh Hương, 5 nội dung cần được xem xét, giải quyết một cách thỏa đáng, đó là: thu hút đầu tư vào nông nghiệp, tích tụ ruộng đất chuyển từ nền sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa chất lượng cao để tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm trên thị trường; nhân rộng cách làm mới, mô hình sản xuất mới có hiệu quả kinh tế cao, góp phần tăng thu nhập cho nông dân; ban hành chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, chính sách phát triển mô hình hợp tác xã kiểu mới; xem xét tổ chức lại sản xuất một cách phù hợp, phát triển nền nông nghiệp liên kết theo chuỗi giá trị ngành hàng, gắn liên kết với vùng và hình thành vùng sản xuất lớn; quan tâm nhiều hơn đến chính sách cho vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, nhất là sau đại dịch COVID-19, nhằm tạo việc làm và chuyển đổi cơ cấu lao động nông nghiệp, đảm bảo sản xuất, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nông dân.

ĐBQH Nguyễn Thị Minh Trang (tỉnh Vĩnh Long) bày tỏ lo ngại, các tỉnh phía Nam đang đối diện với dịch bệnh tái bùng phát ở mức độ cao; cùng lúc phải xử lý, giải quyết những vấn đề khó về kinh tế, y tế, giáo dục, lao động, việc làm, tư liệu sản xuất, biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, sạt lở bờ sông ngày càng nghiêm trọng. “Đề nghị Chính phủ tiếp tục triển khai các gói hỗ trợ, tăng cường nguồn lực thực hiện nghị quyết phát triển bền vững ĐBSCL, thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong đó, ưu tiên cho việc triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ gắn với giải pháp hỗ trợ nông dân, giải bài toán khó về giá cả, chất lượng đầu vào, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, chế biến, bảo quản, nâng cao giá trị mặt hàng nông sản, thực phẩm. Triển khai sớm dự án thủy lợi, công trình cống đập, chống sạt lở bờ sông kết hợp với ngăn mặn, trữ ngọt giúp khu vực ĐBSCL phát huy được tiềm năng, lợi thế sẵn có”- ĐBQH Nguyễn Thị Minh Trang nhấn mạnh.

Nguyên liệu đầu vào tăng cao

Theo Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh An Giang Trình Lam Sinh, nông nghiệp luôn là bệ đỡ, nền tảng để nền kinh tế có điều kiện phát triển. Nhưng bản thân ngành nông nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập. Ông Lam Sinh dẫn chứng: vụ đông xuân 2020-2021, chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho 1ha khoảng 12 triệu đồng. Giá lúa dao động từ 7.000-7.400 đồng/kg, người dân chỉ cần sản xuất đạt sản lượng 2,5 tấn/ha là hòa vốn; từ 2,5 tấn/ha trở lên thì có lợi nhuận. Vụ hè thu 2021, đạt sản lượng 3,4 tấn/ha sẽ hòa vốn; trên 3,5 tấn/ha thì có lợi nhuận.

Đến vụ thu đông 2021, chi phí cho 1ha khoảng 17,5 triệu đồng; giá lúa dao động từ 5.100-5.200 đồng/kg, người dân cần 4,5 tấn/ha mới hòa vốn; trên 4,55 tấn/ha mới dám nghĩ đến lợi nhuận. Như vậy, chi phí nguyên liệu đầu vào các vụ mùa gần đây rất cao (từ 4,2 triệu đồng đến gần 5,4 triệu đồng). Trong khi đó, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao và chưa có dấu hiệu giảm. Cụ thể, phân Urê có giá từ 975.000 đồng đến 1 triệu đồng/bao (tăng khoảng 245% so với vụ đông xuân); phân DAP giá 1.150.000 đồng/bao (tăng 109%); phân kali giá 800.000 đồng/bao (tăng 143%)…

“Các con số đã nói lên sự khó khăn của người nông dân và đây chỉ mới là một phần trong sản phẩm nguyên liệu đầu vào của ngành nông nghiệp. Rất mong Chính phủ, các bộ, ngành có giải pháp bình ổn giá nguyên liệu đầu vào, như: vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi, thủy sản, chế phẩm sinh học… để giúp nông dân sản xuất, đảm bảo có lợi nhuận trong điều kiện diễn biến phức tạp của dịch COVID-19. Đồng thời, sớm có Quỹ Bình ổn giá đối với sản phẩm lúa gạo và cá tra, vì đây là một trong những sản phẩm chiến lược của quốc gia, vùng ĐBSCL nói chung và tỉnh An Giang nói riêng, nhằm giúp ngành hàng lúa gạo và cá tra tránh tác động bất lợi của thị trường, phát triển bền vững trong thời gian tới. Bên cạnh đó, có cơ chế, chính sách riêng cho các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL để ưu tiên đầu tư hạ tầng nông nghiệp, đầu tư phát triển hệ thống logistic, kho trữ lạnh để giải quyết vấn đề lưu trữ nông sản vào cao điểm thu hoạch, phục vụ tốt tái cơ cấu ngành nông nghiệp” - ông Trình Lam Sinh đề nghị.

Nhiều ĐBQH kiến nghị: Chính phủ, bộ, ngành liên quan cần có giải pháp mạnh mẽ để thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nếu đã xác định đây là bệ đỡ của kinh tế nước ta. Kỳ vọng rằng, những trăn trở ấy sẽ sớm được tháo gỡ. Bằng mọi giá, phải để nông dân làm giàu trên chính mảnh đất của mình, thay vì bất an và “trông nhiều bề”, lệ thuộc vào bên ngoài như hiện tại.

GIA KHÁNH