Sáng 24-9, tiếp tục chương trình phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9, dưới sự điều hành của Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Kế hoạch giám sát chi tiết và đề cương các báo cáo của Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Doãn Tấn
Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh, đại diện đoàn giám sát đã báo cáo một số nội dung của kế hoạch giám sát này.
Theo đó, kế hoạch sẽ đánh giá việc triển khai thực hiện hai nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông ở các tỉnh, thành phố trong giai đoạn 2014 - 2022. Cùng với đó là làm rõ các kết quả đạt được, những vướng mắc, bất cập và nguyên nhân, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, các Bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương.
Từ đó, đề xuất những giải pháp, kiến nghị hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trong giai đoạn tới.
Nội dung giám sát tập trung vào 4 nội dung chính:
- Đánh giá việc ban hành chính sách, pháp luật và công tác quản lý nhà nước về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trong giai đoạn 2014 – 2022.
- Đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13, Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, bao gồm: Khả năng hoàn thành các mục tiêu của nghị quyết và đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông; đánh giá về Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 và sách giáo khoa trên các phương diện: Mức độ đáp ứng mục tiêu giáo dục phổ thông, định hướng nghề nghiệp, mức độ phù hợp với điều kiện thực tiễn về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất kỹ thuật của nhà trường và khả năng tiếp thu của học sinh; đổi mới đánh giá chất lượng (thi, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh,…)...
- Đánh giá về hiệu quả việc triển khai thực hiện hai nghị quyết trên; xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với những tồn tại, hạn chế trong chỉ đạo, tổ chức.
- Những bài học kinh nghiệm rút ra và đề xuất giải pháp, kiến nghị triển khai thực hiện hiệu quả hai nghị quyết.
Thời gian giám sát, đánh giá: Từ tháng 11-2014 đến tháng 6-2022 (từ thời điểm Nghị quyết số 88/2014/QH13 có hiệu lực đến hết năm học 2021- 2022).
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Doãn Tấn
Qua ý kiến góp ý tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghi nhận, đánh giá cao Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã chủ động phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Quốc hội, các thành viên đoàn giám sát, tổ giúp việc chuẩn bị đầy đủ các văn bản theo quy định.
Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều thống nhất cho rằng, đây là chuyên đề tuy không rộng nhưng lại có tác động lớn, liên quan đến toàn xã hội, người dân.
Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị đoàn giám sát nghiêm túc tiếp thu đầy đủ, tối đa, trình xin ý kiến tại hội nghị triển khai chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023 vào ngày 27-9 tới đây, để kịp thời triển khai theo kế hoạch.
Cùng với đó, trong quá trình thực hiện, đoàn giám sát cần bảo đảm thận trọng, khách quan, trung thực, khoa học. Xác định rõ phạm vi, giai đoạn, đối tượng; căn cứ để đánh giá; nghiên cứu khảo sát phải chọn các điển hình, đặc thù...vùng kinh tế - xã hội khác nhau.
Đặc biệt, qua cuộc giám sát, cần làm rõ các kết quả đạt được, những vướng mắc, bất cập và nguyên nhân, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, các bộ, ngành và các địa phương.
Từ đó, đề xuất những giải pháp, kiến nghị hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trong giai đoạn tới.
Theo THẢO PHƯƠNG (Quân đội nhân dân)