Gửi gắm ước vọng “Quốc thái dân an”

03/11/2021 - 04:34

 - Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV diễn ra trong thời điểm đặc biệt, khi cả nước cơ bản trở lại trạng thái bình thường mới sau hơn 4 tháng phải “căng mình” chống dịch. Sau 11 ngày làm việc trách nhiệm, trí tuệ, với tinh thần tích cực, khẩn trương (làm việc kể cả thứ 7, chủ nhật), đợt họp trực tuyến đầu tiên của kỳ họp kết thúc tốt đẹp.

Trước khi kỳ họp diễn ra, dù không tiến hành tiếp xúc cử tri, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh An Giang thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống MTTQ và đoàn thể, tiếp xúc trực tiếp với các cơ quan, đơn vị có liên quan. Qua đó, tiếp thu và ghi nhận nhiều ý kiến của cử tri trong tỉnh. Đây là những nội dung rất đáng trân trọng, thể hiện trách nhiệm, tâm tư, tình cảm, bà con cử tri trong tỉnh băn khoăn, trăn trở trước những vấn đề đặt ra của cả nước, trong tỉnh, nhất là tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Khi kỳ họp diễn ra, trong đợt 1 (từ ngày 20 đến 30-10), Quốc hội tiến hành thảo luận ở tổ và trực tuyến tại hội trường về 7 dự án luật, 5 dự thảo nghị quyết; các báo cáo về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, công tác phòng, chống dịch COVID-19... Không khí thảo luận trực tuyến tại tổ và hội trường sôi nổi, ý kiến toàn diện, sâu sắc nhiều chiều.

Đoàn ĐBQH tỉnh đã ghi nhận, đề xuất trên 40 vấn đề đến các cơ quan thẩm quyền của Trung ương, địa phương. Trong kỳ họp, đoàn tích cực phát biểu, tham gia đóng góp trên 30 ý kiến; 2 lần “đăng đàn” phát biểu trước hội trường Quốc hội. Đó là những trăn trở về tái cơ cấu kinh tế, nông nghiệp; về đời sống nông dân trong bối cảnh thiên tai, dịch bệnh, chi phí sản xuất tăng vọt; giải pháp phòng, chống dịch bệnh đi đôi với phục hồi phát triển kinh tế - xã hội… Mỗi ý kiến phát biểu đều gửi gắm tâm tư, ước vọng về “Quốc thái dân an”.

Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang Trình Lam Sinh phát biểu thảo luận trực tuyến tại hội trường Quốc hội

ĐBQH Võ Thị Ánh Xuân (Phó Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, thành viên Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang) bày tỏ ý kiến tại một buổi thảo luận tổ: “Chúng ta cần niềm tin, động lực để tiếp tục vượt qua mọi khó khăn, quyết tâm có giải pháp trong giai đoạn tiếp theo, vừa kiểm soát tốt dịch bệnh, vừa phục hồi kinh tế. Tôi mong trong quá trình điều hành, Chính phủ suy nghĩ thêm phương pháp hợp lý hơn: phân cấp quản lý có nguyên tắc, tiêu chí, có khung rõ ràng; hài hòa giữa người quản lý, người dân và xã hội để tăng sự đồng thuận chủ trương, quyết sách.

Về phân bổ nguồn lực phòng, chống dịch COVID-19, phục hồi kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội… Quốc hội, Chính phủ cần tính toán các gói hỗ trợ sát sao hơn, để tiết kiệm cao nhất, thiết thực, hiệu quả, có tiêu chí rõ để đảm bảo minh bạch, công bằng. Chính phủ cần chuyển hướng phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn mới, nhanh hơn theo kịp xu hướng chung của thế giới. Cần có chính sách hết sức cụ thể, nhằm giải quyết vấn đề trước mắt và lâu dài, khi nguồn lao động có nguy cơ đứt gãy ở các trung tâm kinh tế lớn phía Nam”.

ĐBQH Lương Quốc Đoàn (Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, thành viên Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang) đề xuất: “Năm 2022, chúng ta cần có chính sách mạnh hơn để phát triển thị trường trong nước 100 triệu dân, điều mà chưa được quan tâm đúng mức. Cần có chính sách để lao động ở nông thôn chuyển sang làm việc ở khu công nghiệp, yên tâm trở thành “cư dân” của các khu công nghiệp đó, khi họ đã cống hiến cả quãng thời gian trẻ nhất.

Tương tự, lao động tự do góp phần đóng góp vận hành đô thị lớn, cần phải hết sức quan tâm đến họ. Khi xảy ra biến cố như dịch bệnh vừa qua, áp lực mọi mặt đời sống sẽ đè nặng từ thành phố đến nông thôn, nếu như không có giải pháp phù hợp ngay từ bây giờ. Bên cạnh đó, cần có chính sách rõ ràng hơn để phát triển kinh tế nông thôn. Nếu định vị trọng tâm của việc phát triển này là kinh tế hợp tác, hợp tác xã, thì cần triển khai mạnh mẽ hơn nữa để mang lại hiệu quả thật sự”.

Đợt 2 của kỳ họp diễn ra từ ngày 8 đến 13-11-2021, bằng hình thức tập trung tại Nhà Quốc hội (Hà Nội). “Hiểu được trọng trách do cử tri trong tỉnh tin tưởng gửi gắm, chúng tôi sẽ tích cực hơn nữa trong nghiên cứu thực tiễn và chính sách, tiếp tục đề xuất, kiến nghị với các bộ, ngành Trung ương, Chính phủ, Quốc hội, góp phần giải quyết tốt hơn, hiệu quả, chất lượng hơn những nội dung bà con cử tri đặt ra.

Đồng thời, từng vị ĐBQH sẽ nâng cao tinh thần trách nhiệm, biểu quyết quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước. Cám ơn bà con cử tri trong tỉnh, các cơ quan, ban, ngành tỉnh, đặc biệt là cơ quan báo chí đã luôn đồng hành với Đoàn ĐBQH thời gian qua. Chúng tôi mong sẽ tiếp tục nhận được ý kiến, góp ý, tình cảm, kỳ vọng của mọi người trong các giai đoạn tiếp theo” - Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy An Giang Trần Thị Thanh Hương chia sẻ.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường khẳng định, công tác thông tin tuyên truyền kỳ họp được triển khai bài bản, chặt chẽ, góp phần tuyên truyền rộng rãi tới đông đảo cử tri, nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế về những vấn đề được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp cũng như cách thức tổ chức kỳ họp; kiến nghị của cử tri gửi tới kỳ họp... Cơ quan báo chí Trung ương và địa phương dành nhiều thời lượng và vị trí trang trọng để đăng tải tin, bài, hình ảnh nhằm phản ánh toàn diện, đậm nét và sâu rộng về chương trình nghị sự kỳ họp.

 

 GIA KHÁNH