Khơi động lực cho phụ nữ khởi nghiệp

20/10/2022 - 07:18

 - Khởi nghiệp, phát triển sản xuất - kinh doanh là giải pháp để phụ nữ hiện đại tự tạo việc làm, phát triển kinh tế. Với phẩm chất cần cù, tinh thần vượt khó cùng sự hỗ trợ từ nhiều chương trình, đề án, nhiều phụ nữ đã mạnh dạn đầu tư khởi nghiệp, biến những thử thách thành cơ hội và khẳng định vị trí trong gia đình, xã hội.

Sản phẩm khởi nghiệp của phụ nữ các cấp

Tại diễn đàn đối thoại “Chính sách, luật pháp liên quan đến hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và lĩnh vực hôn nhân gia đình” cho nữ thanh niên, chị Huỳnh Thị Thu Hiền (xã Phú Hiệp, huyện Phú Tân) nêu câu hỏi: “Mỗi đời người có 2 quyết định quan trọng, là chọn bạn đời và nghề nghiệp. Những người trẻ chưa có kinh nghiệm nên làm gì, noi theo tấm gương nào để được thành công, tránh những sai lầm…”.

Đó là một trong số câu hỏi khiến nhiều người tâm đắc, bởi đã nói thay trăn trở của phần lớn các nữ thanh niên hiện nay. Sống trong xã hội ngày càng phát triển, mong muốn của các chị không dừng lại ở “an phận thủ thường” mà hướng đến những mục tiêu cao hơn để được khẳng định vai trò, vị trí của mình.

Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp An Giang Nguyễn Phượng Thư thông tin, hiện nay, có rất nhiều chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, đặc biệt đối với phụ nữ, thanh niên theo đề án dành riêng cho từng đối tượng. Tuổi thanh niên dễ dàng tiếp cận xu hướng kinh doanh trên thị trường. Khi gặp rủi ro thất bại, các bạn có thời gian, sức khỏe để làm lại, thử sức lại lần 2, lần 3… Lý do nữa là hiện nay, phụ nữ đã khẳng định được vị trí, vai trò của mình trong nền kinh tế, đời sống xã hội. Minh chứng là đa phần các dự án khởi nghiệp tại Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp có khoảng 50% ý tưởng dự án của phụ nữ.

Thực tế, có nhiều tấm gương là nữ thanh niên vừa khởi nghiệp thành công, vừa xây dựng gia đình hạnh phúc. Điển hình như chị Trinh Chị (huyện Phú Tân) khởi nghiệp mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao trong nhà màng. Chị Hải Yến (huyện Tri Tôn) sản xuất tinh dầu chúc, chị Ngọc Dịu (huyện Tri Tôn) sản xuất đường thốt nốt Palmania…

Nhiều chị hiện nay còn tham gia vào hiệp hội doanh nghiệp, hội nữ doanh nhân của tỉnh. Họ là những người thật, việc thật đã đi qua thử thách, thậm chí thất bại, nhưng vẫn kiên định để chạm đến thành công, là những tấm gương để nữ thanh niên có thể noi theo học hỏi, tham khảo kinh nghiệm.

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh An Giang Lê Bích Phượng nhấn mạnh: “Phụ nữ cần được tuyên truyền, vận động, trao kiến thức để họ tự tin, tham gia vào mọi lĩnh vực cuộc sống để góp phần xây dựng và gìn giữ hạnh phúc. Gia đình là nền tảng của xã hội. Gia đình hạnh phúc thì xã hội sẽ tốt đẹp hơn. Mong muốn được gia đình bền vững hạnh phúc thì một trong những yếu tố quan trọng là kinh tế gia đình phải ổn định. Không ai khác, chị em phụ nữ cùng chung tay với các thành viên trong gia đình để có thu nhập kinh tế bền vững hơn”.

Từ năm 2017, Hội LHPN tỉnh An Giang thực hiện Đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025 theo Quyết định 939/QĐ-TTg, ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, tập trung công tác tập huấn, nâng cao kỹ năng, nhận thức, phương pháp cho hộ phụ nữ phát triển kinh doanh.

Hội LHPN tỉnh An Giang còn nâng cao nhận thức về việc làm, khởi sự, khởi nghiệp kinh doanh, đặc biệt phối hợp vận động hỗ trợ thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác liên kết sản xuất cùng nhau. Càng ngày phụ nữ càng tự tin hơn để khởi nghiệp. Những tâm tư, nguyện vọng của chị em luôn được lắng nghe, nắm bắt để qua từng giai đoạn, Hội LHPN tỉnh An Giang rút kinh nghiệm, đưa ra giải pháp căn cơ và sát thực tế hơn.

5 năm qua, hàng năm, Hội LHPN tỉnh An Giang thông qua Ban Chỉ đạo đề án 939 tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai những hoạt động cụ thể. Trên cơ sở những nhu cầu dạy nghề, giới thiệu việc làm, vốn để phát triển sản xuất… đã hỗ trợ cho 801/165 chị khởi nghiệp, vượt so chỉ tiêu đề án đề ra. Toàn tỉnh đã hỗ trợ tổng số tiền 15 tỷ 971 triệu đồng.

Ngoài ra, Hội LHPN tỉnh An Giang còn khai thác các nguồn lực khác giúp đỡ về vốn cho phụ nữ khởi nghiệp từ Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh An Giang, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các ngân hàng, tổ chức tín dụng khác. Điển hình, vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh An Giang đã hỗ trợ vay 1.012 tỷ đồng (tính đến 30/11/2021), giúp trên 44.000 hộ vay vốn.

Bà Lê Bích Phượng cho biết, Hội LHPN tỉnh An Giang còn có nguồn quỹ hỗ trợ hội viên phát triển ý tưởng làm kinh tế, với tổng vốn gần 3 tỷ đồng. Những năm qua, đã “tiếp sức” nhiều mô hình, ý tưởng thành công. Thông qua ủng hộ tin nhắn 1409 của Chương trình đồng hành cùng phụ nữ biên cương, Hội LHPN tỉnh đã hỗ trợ sinh kế cho hội viên ở huyện Tri Tôn, Tịnh Biên gần 100 triệu đồng. “Tuy số vốn của nguồn quỹ chưa phong phú, nhưng chúng tôi muốn hỗ trợ cho các chị em khởi nghiệp, tạo điều kiện tốt nhất cho giai đoạn khởi nghiệp.

Trong đó, tiêu biểu có huyện Chợ Mới tiếp cận nguồn vốn này khá tốt. Chị em hãy tự tin, mạnh dạn trong hoạch định, kế hoạch khởi sự, khởi nghiệp kinh doanh. Khi cần đến vốn trợ sức thì hệ thống hội sẵn sàng hỗ trợ, tạo điều kiện giúp các chị được tiếp cận” - bà Lê Bích Phượng chia sẻ.

Để tiếp tục khơi nguồn sáng tạo cho phụ nữ khởi nghiệp, kinh doanh, bên cạnh sự tiếp sức của các cấp Hội LHPN, Đoàn thanh niên, mỗi phụ nữ cần chủ động tích cực học hỏi, mạnh dạn để có thể tự mình thay đổi cuộc sống, trở thành tấm gương phụ nữ “Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang” trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

MỸ HẠNH

 

Liên kết hữu ích