Làm giàu từ cây lúa

24/02/2022 - 06:13

Nhờ cần cù, chịu thương, chịu khó, từ một gia đình nghèo, ông Nguyễn Ngọc Phát (sinh năm 1959, ngụ ấp Cây Me, xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) đã vươn lên khá giả. Hơn hết, ông Phát còn là một trong những người đi đầu trong công tác xã hội - từ thiện ở địa phương.

Nhờ cần cù, siêng năng mà gia đình ông Nguyễn Ngọc Phát có được kinh tế khá giả

Quyết tâm làm giàu

Ít ai biết được rằng, để có được thành quả như ngày hôm nay là cả một quá trình vất vả. Ông Phát tâm sự: “Trước đây, gia đình tôi sinh sống tại xã Hội An (huyện Chợ Mới). Thời gian này, kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn. Hàng ngày, tôi đi mò cua, bắt ốc, làm mướn... để trang trải cuộc sống. Năm 1992, được giới thiệu, gia đình tôi quyết định chuyển đến đây để tìm kế sinh nhai. May mắn được gia đình vợ cho mượn vốn để làm ăn, tôi mạnh dạn mua 2ha đất ruộng để canh tác”.

Theo ông Phát, do đất ruộng nơi đây là lung trũng, nhiều sình lầy nên việc canh tác gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, do chưa có kinh nghiệm sản xuất; chưa tiếp thu được các tiến bộ khoa học - kỹ thuật dẫn đến năng suất lúa rất thấp, gia đình gặp nhiều khó khăn. “Canh tác trong điều kiện như vậy, vợ tôi vì lo lắng nên đã khóc rất nhiều. Thấy vậy, tôi mới động viên, an ủi để cùng vượt qua. Nhờ cố gắng nên vụ lúa đầu tiên, năng suất lúa đạt 30 giạ/công (1 giạ tương đương 20kg). Kết quả này khiến gia đình tôi phấn khởi”- ông Phát chia sẻ.

Từ năm 2009, được sự quan tâm giúp đỡ của địa phương và các tổ chức đoàn thể, đặc biệt là Hội Nông dân xã đã tạo điều kiện cho ông Phát tham quan nhiều mô hình điểm; các lớp tập huấn, hội thảo ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nên việc canh tác được cải thiện, năng suất lúa ngày càng tăng. Những năm gần đây, gia đình ông Phát còn thuê thiết bị bay không người lái (Drone) để phục vụ cho việc canh tác lúa. Nhờ vậy, đã góp phần giảm giá thành sản xuất, hiệu quả kinh tế được tăng lên.

“Ngoài sự giúp đỡ trên, bản thân tôi cố gắng lao động, tiết kiệm chi tiêu trong sản xuất, sinh hoạt. Bằng sự nỗ lực vươn lên của chính mình cùng với sự giúp đỡ của bà con lối xóm, gia đình tôi có được cuộc sống ổn định. Từ đó, gia đình tôi mua thêm được 18ha đất, nâng tổng diện tích đất canh tác lúa của gia đình lên khoảng 20ha” - ông Phát phấn khởi.

Tích cực xây dựng quê hương

Ngoài chăm lo phát triển kinh tế, ông Nguyễn Ngọc Phát còn là nông dân đi đầu trong các hoạt động xã hội tại địa phương, nhất là những đóng góp trong xây dựng tuyến đường nông thôn ấp Cây Me, với tổng chiều dài trên 5km.

Theo ông Phát, thời điểm mới đến địa phương lập nghiệp, giao thông ở đây chưa phát triển, việc đi lại của gia đình chủ yếu bằng xuồng. Khi người dân đến sinh sống ngày càng đông, ông tiếp tục vận động để xây dựng đường sá khang trang hơn. Lúc đầu, người dân chưa đồng tình hưởng ứng, nhờ tích cực vận động, người dân hiểu được ý nghĩa của việc phát triển giao thông nên nhiệt tình đóng góp. Hiện nay, mặc dù chỉ là đường đất, rải đá, nhưng giúp cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa dễ dàng, thuận tiện hơn. Cuộc sống người dân từ đó được nâng cao.

Ngoài vận động làm đường, ông Phát còn đóng góp công sức, tiền bạc để hỗ trợ địa phương xây dựng các công trình phúc lợi xã hội vài chục triệu đồng mỗi năm. Ngoài ra, ông Phát còn hướng dẫn, giúp đỡ 15 nông dân vươn lên thoát nghèo. Chủ tịch Hội Nông dân xã Châu Lăng Nguyễn Thị Mỹ Hạnh đánh giá, với vai trò Chi hội trưởng nông dân ấp Cây Me, ông Phát rất nhiệt tình trong công tác hội, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Bản thân ông là nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi nhiều năm. Ngoài ra, ông cùng gia đình đã có nhiều đóng góp cho địa phương với các hoạt động, như: Đóng góp Quỹ Hỗ trợ nông dân; Quỹ Vì người nghèo; ủng hộ ngày công và tiền mặt làm lộ nông thôn, làm cầu nông thôn...

Từ một gia đình khó khăn, nay đã trở thành một hộ có kinh tế khá ở địa phương, có được thành quả đó là nhờ vào ý chí, nghị lực và sự cố gắng không biết mệt mỏi của một nông dân luôn muốn làm giàu từ cây lúa. Bằng sức lao động và tinh thần tự lực vươn lên, ông Nguyễn Ngọc Phát xứng đáng là tấm gương điển hình trong phong trào nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi ở địa phương.

ĐỨC TOÀN