Lập Hội đồng thẩm định Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn

15/04/2023 - 08:52

Hội đồng có nhiệm vụ tổ chức thẩm định quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược quy hoạch tổng thể quốc gia.

Mô hình trồng rau sạch. (Nguồn: TTXVN)

Ngày 14/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 390/QĐ-TTg thành lập Hội đồng thẩm định Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Hội đồng).

Theo Quyết định, Chủ tịch Hội đồng là Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Phó Chủ tịch Hội đồng là Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị.

Ủy viên Hội đồng gồm Thượng tướng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam Huỳnh Chiến Thắng; Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn; Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Danh Huy; Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam; Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn; Phó Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng.

Ủy viên Hội đồng còn có đại diện lãnh đạo: Bộ Công Thương; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Công an; Bộ Nội vụ.

Ngoài ra, Ủy viên Hội đồng còn có: Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn; Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường; Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng Lê Quang Nam; Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ Dương Tấn Hiển; Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng Nguyễn Đức Thọ; Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam Phan Đăng Sơn; Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính; Tổng Thư ký Hiệp hội các đô thị Việt Nam Ngô Trung Hải và đại diện lãnh đạo Tổng Hội Xây dựng Việt Nam.

Ủy viên phản biện là đại diện các Bộ: Giao thông vận tải; Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Kế hoạch và Đầu tư; Tài nguyên và Môi trường.

Cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định là Bộ Xây dựng.

Hội đồng thẩm định có nhiệm vụ tổ chức thẩm định quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo quy định của pháp luật về quy hoạch và pháp luật về bảo vệ môi trường.

Hội đồng hoạt động theo hình thức kiêm nhiệm; chấm dứt hoạt động và tự giải thể sau khi quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 379/QĐ-TTg thành lập Hội đồng thẩm định Quy hoạch hệ thống trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo Quyết định, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà làm Chủ tịch Hội đồng. Phó Chủ tịch Hội đồng là Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.

Thành viên Hội đồng gồm đại diện các bộ, ngành: Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Xây dựng; Nội vụ; Tư pháp; Giáo dục và Đào tạo; Lao động-Thương binh và Xã hội; Tài nguyên và Môi trường; Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Công an; Giao thông Vận tải; Công Thương; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Thông tin và Truyền thông.

Các ủy viên phản biện gồm Phó Giáo sư-Tiến sỹ Trần Trọng Hanh, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội; Phó Giáo sư-Tiến sỹ Mai Thị Liên Hương, Viện trưởng Viện Kiến trúc quốc gia; Tiến sỹ Đỗ Trần Tín, Phó Trưởng khoa quy hoạch Đại học Kiến trúc Hà Nội.

Cơ quan thường trực của Hội đồng là Bộ Quốc phòng.

Trách nhiệm và quyền hạn của Chủ tịch Hội đồng và các thành viên của Hội đồng thực hiện theo Điều 33 Nghị định số 37/2019/NĐ-CP (quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch).

Trách nhiệm và quyền hạn của Cơ quan thường trực Hội đồng thực hiện theo Điều 34 Nghị định số 37/2019/NĐ-CP.

Trách nhiệm và quyền hạn của các ủy viên phản biện thực hiện theo khoản 3 Điều 35 Nghị định số 37/2019/NĐ-CP.

Hội đồng hoạt động theo hình thức kiêm nhiệm; chấm dứt hoạt động và tự giải thể sau khi Quy hoạch hệ thống trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt./.

Theo TTXVN/Vietnam+