Mở rộng không gian phát triển kinh tế

01/11/2021 - 14:47

Cơ cấu lại nền kinh tế đất nước là một trong những nhiệm vụ quan trọng và cấp bách nhất hiện nay. Trước bối cảnh thế giới thay đổi nhanh chóng và bất định, làm sao để hiện thực hóa những mục tiêu, khát vọng lớn, nâng cao năng lực tự chủ, tính thích ứng và chống chịu của nền kinh tế, là trăn trở của nhiều đại biểu tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV.

Trong các phiên thảo luận về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 cũng như trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, nhiều đại biểu đánh giá: Thời gian qua, Chính phủ đã nỗ lực triển khai các giải pháp thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế giúp chất lượng tăng trưởng nâng lên, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, năng suất lao động được cải thiện, huy động vốn đầu tư phát triển tăng; quản lý nợ xấu, nợ công có nhiều tiến bộ, hiệu quả sử dụng vốn được cải thiện; thể chế luật pháp, kinh tế, môi trường đầu tư, kinh doanh, xếp hạng năng lực cạnh tranh được cải thiện đáng kể. Quy mô, tiềm lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế được tăng lên rõ rệt, từ đó tạo tiền đề thuận lợi cho những đổi mới và đột phá trong tăng trưởng kinh tế ở giai đoạn tiếp theo.

Phiên họp của Quốc hội ngày 29-10. Ảnh: TTXVN

Tuy nhiên, quá trình cơ cấu lại nền kinh tế thực chất là phân bổ lại nguồn lực cho phát triển trên phạm vi ở tầm quốc gia để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, từ đó nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Về bản chất, đây là quá trình thay đổi hệ thống thể chế, chính sách để phù hợp với tình hình mới. Nhìn nhận thẳng thắn thì nhiều mục tiêu quan trọng trong việc cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn vừa qua không hoàn thành. Trong khi đó, dự thảo Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 được Chính phủ trình bày trước Quốc hội khóa XV tại kỳ họp thứ hai chưa cho thấy nhiều việc đổi mới tư duy trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, khắc phục hạn chế, phát huy bài học kinh nghiệm để trong giai đoạn mới hình thành được cơ cấu kinh tế hợp lý hơn, hiệu quả hơn. Trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 tác động sâu sắc đến nền kinh tế thế giới, tạo ra những thay đổi khó lường, nếu các giải pháp đề ra không sát tình hình thực tế, sẽ khiến nền kinh tế đất nước có nguy cơ lỡ nhịp.

Nhiều ý kiến nhận định, trong giai đoạn mới, yêu cầu khách quan của việc cơ cấu lại không gian kinh tế không chỉ tập trung vào cơ cấu lại các ngành, các thành phần kinh tế mà còn phải quan tâm những lĩnh vực quan trọng, có tiềm năng, lợi thế để biến đó thành những dư địa mới, cơ hội mới mang tính lan tỏa, dẫn dắt, đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế. Không chỉ bao hàm nội dung về phát triển các mô hình kinh tế mà cần tính đến các yếu tố lợi thế đặc thù, mở rộng không gian phát triển kinh tế theo vùng, phát huy lợi thế kết nối đa chiều, thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù, xây dựng các mô hình mới để tạo đột phá. Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) cho biết: Thời gian qua, vẫn tồn tại tình trạng mỗi tỉnh, thành phố đều muốn được đầu tư đa ngành, đa lĩnh vực, cho nên nguồn lực đầu tư dàn trải, trùng lắp, dẫn đến nhiều công trình đầu tư công kém hiệu quả. Để đẩy nhanh quá trình liên kết vùng, Chính phủ cần xây dựng các chính sách ưu tiên đầu tư cho các địa phương có liên kết vùng với nhau. Thí dụ, trong một vùng, địa phương có lợi thế về sân bay và liên kết được các địa phương khác sử dụng sân bay của mình, thì Trung ương cần ưu tiên đầu tư công trình giao thông kết nối các địa phương đến sân bay. Địa phương nào đầu tư được khu chế biến, sản xuất mang giá trị cao và liên kết được với các vùng nguyên liệu thì Trung ương đầu tư giao thông liên kết các vùng nguyên liệu đến địa phương sản xuất... Từ đó, tạo tiền đề để các địa phương phối hợp trong các lĩnh vực có lợi thế so sánh, tạo liên kết vùng, tránh đầu tư dàn trải, làm giảm hiệu quả nguồn lực.

Đất nước đang nỗ lực cải cách và đổi mới mô hình tăng trưởng, hướng tới phát triển nhanh và bền vững, vì thế, cơ cấu lại nền kinh tế là nội dung lớn, quan trọng, cấp bách, nhưng phạm vi lại rất rộng, rất khó và phức tạp. Nhiều đại biểu kiến nghị Chính phủ không nên dàn trải làm giảm hiệu quả nguồn lực mà cần ưu tiên một số giải pháp trọng tâm. Trong đó, chọn hoàn thiện thể chế, chuyển đổi số, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo làm khâu đột phá; hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế, tăng cường tính tự chủ, khả năng thích ứng của nền kinh tế trở thành trọng tâm, trọng điểm; lấy xuất nhập khẩu, đầu tư công, tiêu dùng là trụ cột tăng trưởng. Chính phủ với vai trò “nhạc trưởng”, cần thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo, phát triển mạnh doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân cả về số lượng, chất lượng, hợp lý về cơ cấu ngành, nghề, hiệu quả, bền vững, thật sự trở thành một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế. Hình thành các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội để khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đáp ứng yêu cầu thật sự là động lực chính của tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy phát triển kinh tế số ở tất cả các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế.

Định hướng đúng, chiến lược phù hợp, nhưng kết quả cơ cấu lại nền kinh tế thời gian tới phụ thuộc rất lớn vào khâu tổ chức thực hiện, nhất là ý thức, trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, đại biểu Trần Hữu Hậu (Tây Ninh) và nhiều đại biểu đề nghị Chính phủ cần quán triệt tới các cấp, các ngành, các địa phương, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu để quyết tâm thực hiện. Các bộ, ngành, địa phương không sao chép các chỉ thị, nghị quyết một cách rập khuôn máy móc mà cần sáng tạo, linh hoạt trong thực hiện với một tư duy mới, tầm nhìn mới vì lợi ích tổng thể. Tập trung xác định những nút thắt của ngành, địa phương mình, đưa ra những biện pháp cụ thể, khả thi để tạo ra những thay đổi mang tính đột phá, đó là một trong những phương thức để cơ cấu lại nền kinh tế thiết thực nhất, mạnh mẽ nhất và hiệu quả nhất 

Theo VĨNH KHANG (Báo Nhân Dân)