Người lính trở về

20/12/2019 - 08:00

 - Sau những ngày tháng cống hiến sức trẻ trong quân ngũ, sẵn sàng chiến đấu vì Tổ quốc, ngày trở về của họ bộn bề những lo toan của cuộc sống đời thường. Tuy nhiên, những người lính ấy đã xứng đáng với phẩm chất “Bộ đội cụ Hồ”, vượt qua khó khăn để đi lên và tích cực góp bàn tay xây dựng, đổi mới quê hương.

Ấm áp tình quân - dân. Ảnh: Văn Tranh

“Tàn nhưng không phế”

Chiến đấu trong hàng ngũ bộ đội địa phương thuộc Huyện đội Tịnh Biên từ tháng 6-1973, ông Lê Văn Đấu đã đi qua những thời khắc lịch sử. Năm 1981, ông phục viên trở về quê hương với 2 bàn tay trắng. Khi ấy, cuộc đời ông trở nên không định hướng vì cha mẹ không còn, nhà cửa tan hoang, buộc phải ở đậu bạn bè. Hàng ngày, ông phải làm mướn, làm thuê để kiếm sống nhưng bữa đói, bữa no. Vốn là thương binh, những khi trái gió, trở trời là di chứng của chiến tranh hành hạ đến mức ông phải nghĩ quẩn muốn từ bỏ cuộc đời. Với sự động viên của đồng đội, bạn bè và người thân, ông Lê Văn Đấu nỗ lực vươn lên để tìm lại cuộc đời!

Bằng lập trường kiên định của người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam, Lê Văn Đấu đã phấn đấu thực hiện theo lời Bác Hồ dạy: thương binh tàn nhưng không phế! Ông bắt đầu hành trình khởi nghiệp với 2 con bò cái và tiếp tục làm thuê để kiếm sống. Từ 2 con bò cái lúc đầu, ông cho chúng sinh sản thành đàn 8 con. Năm 1987, được địa phương cấp 1ha đất nông nghiệp để sản xuất cùng với việc bán bò để mua đôi trâu, ông vừa sản xuất lúa, vừa kéo xe thuê nên cuộc sống ổn định hơn. Đến năm 2000, ông Đấu đã mua thêm 5ha đất và trang bị máy cày phục vụ sản xuất.

Sau những ngày tháng cần cù lao động, ông đã xây dựng cho mình cơ ngơi khang trang dưới chân núi Phú Cường (xã An Nông, Tịnh Biên). Người thương binh ngày ấy đã vun đắp cho các con tương lai tươi sáng và giáo dục họ về lòng yêu nước, sẵn sàng cống hiến cho quê hương, đất nước. Giờ đây, Lê Văn Đấu đã là lão nông ngoài 60 nhưng vẫn tích cực với các phong trào do địa phương phát động. Người dân An Nông luôn xem ông Đấu là tấm gương tiêu biểu cho nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế và đóng góp xây dựng quê hương.

“Nặng tình” với đặc sản quê hương

Cũng từng khoác lên mình màu xanh áo lính thời trai trẻ, ngày trở về với bộn bề những lo toan, nhưng ông Đoàn Văn Phóng đã không cam chịu đói nghèo mà nỗ lực phát huy thế mạnh đặc sản địa phương. Vùng quê An Phú (Tịnh Biên) của ông với bạt ngàn cây thốt nốt đã cho ra đời thứ “mật” thơm ngon nức tiếng. Nắm bắt được thế mạnh này, ông Phóng quyết tâm xây dựng thương hiệu đường thốt nốt đặc sản quê nhà.

Từ số vốn vay 20 triệu đồng, ông Phóng bắt đầu mua bán đường thốt nốt nhỏ lẻ cho đến năm 2000 thì xây dựng hẳn lò đường, bắt đầu sản xuất quy mô hơn. Ngoài ra, ông Phóng còn trồng cây ăn trái để tăng thu nhập cho gia đình. Năm 2002, ông chính thức đăng ký thương hiệu đường thốt nốt Lan Nhi, với niềm tin sẽ đưa loại đặc sản này vươn đến những thị trường tiềm năng trong, ngoài nước.

Ông Phóng cho biết, được địa phương và ngành chuyên môn tạo điều kiện tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, bản thân đã tích cực vận động gần 280 hộ dân tại địa phương tham gia vào Làng nghề sản xuất đường thốt nốt xã An Phú. Hiện nay, thương hiệu đường thốt nốt Lan Nhi đã có mặt ở khắp các tỉnh, thành phố trong nước và xuất khẩu sang Lào, Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Úc… Cơ sở sản xuất của ông Phóng đã tạo việc làm cho 40 lao động thường xuyên và mang đến nguồn thu cho hơn 1.000 lao động địa phương với nghề leo cây lấy nước thốt nốt.

Với 12 loại sản phẩm đường thốt nốt và nhiều mặt hàng thủ công từ loài cây đặc sản này, cơ sở sản xuất đường thốt nốt Lan Nhi của người cựu chiến binh Đoàn Văn Phóng đã góp phần cải thiện đời sống người dân địa phương, với mức thu nhập từ 3 - 6 triệu đồng/người/tháng. Qua đó, đã cho thấy tinh thần người lính không bao giờ tắt. Ngoài việc làm giàu cho bản thân, ông Phóng còn giúp các hộ dân khác ổn định đời sống và lan tỏa tinh thần nỗ lực sản xuất phát triển kinh tế từ trong gian khó.

Với lối sống giản dị, chan hòa, ông Đoàn Văn Phóng đã trở thành tấm gương cho con cháu trong gia đình và hàng xóm noi theo. Ông Phóng chia sẻ, ngày nào mình còn đủ sức khỏe thì vẫn nỗ lực đưa vị ngọt đặc trưng của vùng Bảy Núi đến với người tiêu dùng ở khắp nơi và tiếp tục đóng góp vào công cuộc xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Ông Phóng luôn tâm niệm rằng, là người lính cụ Hồ thì khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng!

THANH TIẾN