Nấm mối Nàng Nương
“Nấm ăn là thực phẩm quý. Ngày xưa chỉ dành cho vua chúa hay các bậc trưởng giả, quý tộc mới có thể dùng, do nấm được thu hái ngoài thiên nhiên nên sản lượng ít, giá cao. Ngày nay, nhờ vào sự phát triển của công nghệ, chúng ta có thể ăn nấm hàng ngày. Nấm là món ăn lý tưởng trong thời buổi khan hiếm thực phẩm sạch” - chị Châu Thị Nương mở đầu câu chuyện về ý tưởng tạo ra sản phẩm nấm mối Nàng Nương của mình.
Theo chị Nương, nấm mối là loài nấm có giá trị khá cao so các loại nấm trồng khác, nhờ vào giá trị dinh dưỡng cao, chứa nhiều đạm hữu cơ, nhiều vitamin, acid amin không thay thế và nhiều khoáng chất. “Nấm mối Nàng Nương được chúng tôi nuôi trồng theo quy trình khép kín, hoàn toàn không sử dụng phân bón hay thuốc trừ sâu. Vì thế, sản phẩm nấm mối không những không bị mùi hôi như một số sản phẩm nấm khác trên thị trường, mà còn thơm ngon, với vị ngọt, giòn rất hấp dẫn” - chị Nương thông tin.
Nông trại “Nương Farm”
Đặc biệt, nấm mối Nàng Nương là loài nấm ngọt có thể thay thế (không dùng) bột ngọt trong chế biến món ăn hàng ngày; dùng chế biến các món cháo, lẩu, chiên bột, kho tiêu, xào, nướng... đều có hương vị thơm ngon riêng biệt.
Tiếp sức khởi nghiệp
Chị Châu Thị Nương cho biết, từ khi thành lập Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Tà Đảnh và nông trại “Nương Farm”, hoạt động khởi nghiệp luôn nhận được sự ủng hộ, quan tâm, hỗ trợ của các sở, ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến huyện, xã, giúp HTX sản xuất - kinh doanh đạt hiệu quả và thành công bước đầu.
Cụ thể, HTX Nông nghiệp Tà Đảnh đã đạt giải nhất cuộc thi “Tìm kiếm sáng kiến tăng quyền năng kinh tế phụ nữ trong chuỗi lúa gạo”, do Dự án “Tăng cường bình đẳng giới và đầu tư kinh doanh nông nghiệp có trách nhiệm tại Đông Nam Á - giai đoạn 2” (GRAISEA 2) tổ chức. HTX cũng là doanh nghiệp lọt vào “tốp 10” sáng kiến ESG xuất sắc toàn quốc năm 2023, dành cho doanh nghiệp ứng dụng mô hình kinh doanh bền vững và thực hành khung đánh giá ESG (môi trường, xã hội và và quản trị).
Sản phẩm của Hợp tác xã Nông nghiệp Tà Đảnh
“Năm 2023, HTX đã cung cấp lượng lớn phôi nấm mối đen ra thị trường, sản xuất nhiều sản phẩm, như: Nấm mối đen, nấm linh chi tai to và nấm đông trùng hạ thảo đến người tiêu dùng. Chúng tôi đang làm đề tài nghiên cứu loài nấm mới có tên CHAGA chữa được bệnh ung thư cho con người. HTX Nông nghiệp Tà Đảnh còn tạo được nhiều việc làm cho lao động địa phương, nhất là phụ nữ, trong đó 90% lao động của HTX là đồng bào dân tộc thiểu số Khmer ở huyện Tri Tôn và TX. Tịnh Biên, xây dựng cộng đồng cùng tham gia vào chuỗi giá trị kinh doanh nông nghiệp tuần hoàn bền vững” - chị Nương nhấn mạnh.
Theo đuổi đam mê
Chị Châu Thị Nương cho biết, trong quá trình sản xuất - kinh doanh, HTX Nông nghiệp Tà Đảnh đã trải qua không ít khó khăn. Ban đầu, HTX thiếu trang thiết bị chuyên dụng để sản xuất giống nấm, phôi nấm; gặp khó trong kết nối thị trường, thuyết phục khách hàng mới về công dụng, chất lượng sản phẩm. “Nhưng nhờ có sự hỗ trợ từ các ban, ngành, lãnh đạo địa phương, HTX dần tháo gỡ khó khăn, từng bước phát triển. Lãnh đạo tỉnh đã có những chủ trương, chính sách để cùng với cộng đồng doanh nghiệp xác định được hướng đi đúng đắn, đảm bảo phù hợp và ổn định với nền kinh tế mới” - chị Nương đánh giá.
Theo chị Nương, HTX tiếp tục tập trung sản xuất và nuôi trồng các loại nấm hữu cơ dưới mái năng lượng mặt trời. Nguyên liệu trồng nấm được làm từ phế thải nông nghiệp: Rơm rạ, thân cây rau màu, cám gạo, cám bắp... “Nhờ sản xuất theo quy trình nông nghiệp tuần hoàn khép kín, tận dụng xử lý phế thải nông nghiệp, nên tạo ra những sản phẩm có giá trị dinh dưỡng và dược liệu cao, cùng vòng tuần hoàn sinh học giúp xử lý chất thải, tiết kiệm nước, năng lượng, góp phần bảo vệ môi trường” - chị Nương chia sẻ.
Bên cạnh bán hàng trực tiếp, các sản phẩm nấm mối Nàng Nương, linh chi sơn dược, bào tử linh chi sơn dược, rượu linh chi sơn dược, nấm đông trùng hạ thảo sơn dược, rượu đông trùng hạ thảo, rượu nho rừng sơn dược, mật ong trùng thảo... còn được giao dịch trên sàn thương mại điện tử, đưa sản phẩm đi khắp cả nước.
|
NGÔ CHUẨN