Phú Lộc tập trung phát huy thế mạnh địa phương

23/02/2022 - 06:01

 - Xác định nông nghiệp có vai trò quan trọng, là “trụ đỡ” của nền kinh tế địa phương, những năm qua, Đảng bộ xã Phú Lộc (TX. Tân Châu, tỉnh An Giang) đã tập trung vận động nhân dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, từ đó đời sống nông hộ đã có những chuyển biến rõ rệt.

Từ trồng trọt…

Cụ thể, xã có diện tích đất sản xuất nông nghiệp là 3.000ha, địa phương đã quy hoạch 2.400ha trồng lúa, 600ha trồng màu… Đối với cây lúa, hầu hết diện tích đất đều trồng lúa chất lượng cao để xuất khẩu, trong đó các giống lúa được trồng phổ biến là Đài Thơm 8, OM4218, IR50404 (giống mới). Đối với cây màu, ngoài diện tích trồng các loại rau, màu phục vụ thị trường nội địa, nông dân trong xã đã liên kết với thương lái trồng các loại xoài xuất khẩu như xoài keo, xoài cát Hòa Lộc, cát chu.

“Để nâng cao hiệu quả trong sản xuất, thời gian qua, địa phương đã vận động nông dân đi vào con đường làm ăn hợp tác, hình thành các tổ sản xuất để chủ động tất cả các khâu, từ giống, vật tư đến đầu ra cho sản phẩm. Đến nay, xã đã thành lập được 6 tổ hợp tác, 1 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp (thuộc tiểu vùng Vĩnh Xương - Phú Lộc). HTX này làm dịch vụ tưới, tiêu, vật tư nông nghiệp, đầu ra. Hoạt động của HTX khá hiệu quả, khẳng định được vai trò của kinh tế hợp tác ở địa bàn nông thôn” - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Phú Lộc Nguyễn Minh Tài chia sẻ.

Hội Nông dân xã tìm hiểu và định hướng cho hộ chăn nuôi dê về đầu ra sản phẩm

Đi đầu trong mô hình liên kết sản xuất trên địa bàn, trước hết phải kể đến Tổ nhân giống lúa xác nhận. Tổ này có rất đông nông dân ở các ấp tham gia. Nhiệm vụ của tổ là tìm, chọn các giống lúa phù hợp với thổ nhưỡng ở địa phương (nhân từ giống nguyên chủng ra giống xác nhận) để phổ biến cho nông dân ở 3 ấp Phú Bình, Phú Quí và Phú Yên trồng. Gần 10 năm hình thành và phát triển, đời sống của những người tham gia làm giống rất ổn định. Nhờ đó, địa phương đã chủ động được nguồn giống lúa để phục vụ trồng trên diện tích 2.400ha.

“Những năm gần đây, do vấn đề bản quyền, hộ sản xuất giống lúa gặp nhiều khó khăn. Những ai liên kết được với các công ty lớn để chia sẻ các giống lúa nguyên chủng về trồng, nhân ra giống xác nhận thì mới có thể tiếp tục được với nghề mình yêu thích, những ai không liên kết được thì tìm hướng chuyển sang làm nghề khác, vì nếu không khéo sẽ rất dễ vi phạm vấn đề bản quyền” – ông Nguyễn Minh Tâm, hộ sản xuất lúa giống ấp Phú Yên (xã Phú Lộc) chia sẻ.

…đến chăn nuôi

Ngoài cây lúa, những năm gần đây, nông dân trên địa bàn xã đã đẩy mạnh trồng xoài, sen. Nhờ thay đổi quan niệm “bán cái thị trường cần chứ không bán cái mình có”, nông dân trên địa bàn từng bước thích ứng với các mô hình sản xuất mà ở đó, đầu ra cho sản phẩm khá ổn định. “Giờ thì dịch bệnh đã qua, thương lái bắt đầu tìm mua xoài các loại để xuất sang Trung Quốc. Ngoài xoài keo, xoài cát Hòa Lộc, cát chu luôn được ưa chuộng. Chúng tôi cảm thấy rất yên tâm về đầu ra” - bà Võ Huỳnh Như (nông dân xã Phú Lộc) phấn khởi.

Trên lĩnh vực chăn nuôi, Hội Nông dân xã Phú Lộc đã kết hợp với Hội Nông dân các địa phương trên địa bàn, tổ chức cho nông dân đi tham quan, học tập mô hình sản xuất, trong đó có mô hình sản xuất dê thịt, dê sinh sản. Đến nay, trên địa bàn xã đã hình thành được 2 tổ chăn nuôi dê, đời sống của những hộ làm nghề này rất ổn định.

“Thịt heo, thịt gà bây giờ người ta ăn nhiều cũng ngán, chuyển sang ăn thịt dê, nhờ đó mà dê thịt bán rất chạy. Giá dê hơi bình quân trong những tháng gần đây từ 160.000-182.000 đồng/kg, giúp người nuôi dê có đời sống rất ổn định” – anh Trần Văn Hiền (hộ nuôi dê) nhấn mạnh.

Phát huy thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp, từ trồng trọt đến chăn nuôi, đội ngũ kỹ thuật viên nông nghiệp trên địa bàn xã Phú Lộc luôn hướng dẫn nông dân triệt để áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Cụ thể, trong sản xuất lúa chất lượng cao, từ khâu giống đến bón phân, tưới nước đều áp dụng theo quy trình “1 phải, 5 giảm” (đạt trên 90% diện tích). Đối với các trang trại trồng xoài xuất khẩu, ngoài quy trình cánh tác VietGAP, nông dân trong xã đang cùng với đội ngũ kỹ thuật viên, các đơn vị thu mua xoài từng bước nâng dần chất lượng sản phẩm theo hướng truy xuất nguồn gốc để đầu ra được thuận lợi hơn.

“Đi cùng với phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chúng tôi khuyến khích lao động tại địa phương, những ai có điều kiện thì nên tham gia chương trình xuất khẩu lao động. Xuất khẩu lao động vừa có thu nhập cao, vừa được tham quan, nghiên cứu, học cách làm giàu để khi trở về quê hương, có thể áp dụng kinh nghiệm đó vào thực tiễn cuộc sống” - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Phú Lộc Nguyễn Minh Tài phân tích

 

Bài, ảnh: MINH HIỂN