Theo đánh giá của UBND huyện Phú Tân, năm 2021, tổng diện tích liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa, nếp toàn huyện đạt 7.960ha. Trong đó, liên kết với Tập đoàn Lộc Trời 5.711ha, với các doanh nghiệp khác 2.249ha, tăng 5.533ha so năm 2020. Do biến động của thị trường, cơ cấu ngành nông nghiệp có sự chuyển dịch từ trồng nếp sang trồng lúa chất lượng cao, như: OM18, OM 5451, OM 9582…
Đặc biệt, trong vụ thu đông, tỷ lệ nếp giảm đáng kể, từ 99,8% giảm còn 48,1% và thay vào đó là lúa chất lượng cao. Kết quả trên có sự phối hợp chặt chẽ giữa địa phương với các ngành và sự đồng thuận của người dân trong xác định vùng quy hoạch, chỉ tiêu, số liệu kế hoạch phấn đấu theo giai đoạn, từng bước đáp ứng nhu cầu thị trường.
Nhìn lại vụ đông xuân năm 2020-2021, Tập đoàn Lộc Trời đã thực hiện liên kết theo chuỗi và đã mở rộng diện tích liên kết từ 100ha lên 2.500ha/vụ. Đơn vị còn cử lực lượng tham gia hỗ trợ nông dân trong quá trình sản xuất và liên kết “3 cùng”, tham gia góp vốn và nhân sự tại hợp tác xã Hiệp Phú Lộc và Hiệp Xuân Phú, chốt giá cao hơn bên ngoài nếu sản xuất theo chuẩn Liên minh Châu Âu (EU). Các công ty có vùng nguyên liệu ổn định, đa dạng phương thức đầu tư, từng bước thực hiện chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm lúa, nếp được hoàn chỉnh và hiệu quả hơn. Về phía nông dân, nhận thức bà con đã được nâng lên, thấy được lợi ích khi tham gia liên kết, giải quyết bài toán trong tiêu thụ…
Lực lượng kỹ thuật của Tập đoàn Lộc Trời tham gia hỗ trợ nông dân trong quá trình sản xuất và liên kết
Theo kế hoạch vụ đông xuân 2021-2022, Tập đoàn Lộc Trời sẽ triển khai mô hình sản xuất lúa, nếp rải vụ “LT123” trên tổng diện tích 10.000ha với 4 loại giống chủ lực: nếp CK92, IR4625, OM18, OM5451 tại 12 xã, thị trấn với 33 tiểu vùng. Thời gian xuống giống từ ngày 31-10-2021 đến 15-1-2022 trong vòng 50 ngày, mỗi ngày trung bình 200ha. Các hợp tác xã tham gia mô hình liên kết rất kỳ vọng kết quả tốt đẹp để những vụ tới tiếp tục mở rộng diện tích và thu hút nông dân.
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang Trương Kiến Thọ, việc triển khai canh tác theo mô hình này sẽ giúp nông dân thay đổi tập quán sản xuất theo kiểu truyền thống, hướng đến sản xuất áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật để nông sản đáp ứng đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Có như vậy mới hướng đến sản xuất nông nghiệp ổn định lâu dài, nâng cao vị thế nông dân trong tình hình mới. Do đó, cán bộ Tập đoàn Lộc Trời cần phối hợp ngành nông nghiệp tỉnh và huyện sớm triển khai đến nông dân tại các tiểu vùng quy hoạch sản xuất để khi thực hiện đạt hiệu quả cao và tạo được sự đồng thuận, hưởng ứng tích cực từ nông dân.
Giai đoạn đầu, những vướng mắc trong quá trình triển khai (giống, lợi nhuận) được lãnh đạo và các ngành huyện, xã, thị trấn cùng Tập đoàn Lộc Trời trao đổi thẳng thắn, có hướng giải quyết khẩn trương. Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Tân Nguyễn Quốc Bảo nhấn mạnh, việc liên kết sản xuất lúa, nếp giúp giải quyết bài toán đầu ra của sản phẩm, nhất là trong điều kiện giá thành, vật tư nông nghiệp bị ảnh hưởng trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19. “Huyện ủy, UBND huyện rất quan tâm và đánh giá cao nỗ lực của ngành nông nghiệp, Hội Nông dân, các xã, thị trấn và Tập đoàn Lộc Trời tham gia thực hiện mô hình này với quyết tâm cao. Vụ đông xuân này sẽ là “bản lề” để nông dân thấy được lợi ích thiết thực và tự nguyện tham gia nhiều hơn thời gian tới” - ông Bảo chia sẻ.
Theo đó, UBND huyện Phú Tân đã phân công ngành nông nghiệp với vai trò là đơn vị chủ chốt thực hiện liên kết cùng Tập đoàn Lộc Trời nắm bắt khó khăn, vận động nhân dân và tham mưu xử lý kịp thời những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện. Đồng thời, kiện toàn Tổ phản ứng nhanh với các nội dung hoạt động phù hợp tình hình mới, gắn với Tổ phản ứng nhanh của các xã, thị trấn. Từng địa phương tuyên truyền để nông dân thực hiện đúng trọng tâm, trọng điểm, sản xuất lúa, nếp đúng kế hoạch. Những nơi khó khăn, cán bộ chuyên môn phải đến tận nơi, tuyên truyền có cơ sở, dẫn chứng, tạo sự tin tưởng cho nông dân. Huyện đã đề nghị Tập đoàn Lộc Trời khẩn trương kết hợp với các xã, thị trấn, ngành chuyên môn của huyện họp dân, bố trí cán bộ “3 cùng” gắn bó với địa phương, nhất là những nơi khó khăn về thực hiện liên kết, chú trọng cách thức truyền thông, cam kết sự gắn bó để tạo sự an tâm đối với nông dân. Cùng với đó, rà soát và tính toán, đảm bảo lợi ích giữa đơn vị, người dân cũng như các điều kiện khác để hài hòa giữa các bên.
Ngoài liên kết sản xuất, tiêu thụ 10.000ha lúa, nếp với Tập đoàn Lộc Trời, huyện Phú Tân còn quan tâm phối hợp với các doanh nghiệp khác sản xuất liên kết truyền thống ở các tiểu vùng theo quy hoạch trên địa bàn. Dù còn nhiều khó khăn, huyện xác định tiếp tục duy trì ở những địa phương có thế mạnh, thực hiện tốt tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh và Thường trực Huyện ủy Phú Tân về liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa, nếp trong thời gian tới.
|
MỸ HẠNH