Sản xuất nông nghiệp thích ứng với giá xăng dầu tăng cao

22/02/2022 - 04:28

 - Thời gian qua, giá xăng dầu, vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất tăng, ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất và phát triển kinh tế. Việc tăng giá còn gây áp lực lên tình hình lạm phát, các hoạt động xã hội, từ sản xuất đến tiêu dùng đều gặp khó khăn.

Nguyên nhân

Hiện nay, giá xăng dầu tăng mạnh, người tiêu dùng và các cửa hàng kinh doanh xăng dầu gặp khó khăn. Theo dõi diễn biến giá xăng dầu, vật tư nông nghiệp trong gần 1 năm qua cho thấy, việc tăng giá của các mặt hàng này không chỉ làm tăng giá thành sản phẩm của các loại hàng hóa, dịch vụ mà còn trực tiếp làm tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI), ảnh hưởng lớn đến thu nhập, chi tiêu của người dân.

Nguyên nhân của vấn đề trên là do giá dầu thô trên thị trường thế giới trong hơn 1 năm qua tăng trên 60%, đạt mức 94 USD/thùng. Đây là mức cao kỷ lục trong lịch sử giá dầu thế giới. Giá dầu đạt mức 94 USD/thùng nhưng các nhà khai thác không tăng sản lượng khai thác, bán ra, từ đó khiến giá dầu luôn "neo" ở mức cao.

Ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo nông dân tăng cường áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, giảm chi phí, giá thành để thích ứng với tình trạng xăng dầu, vật tư nông nghiệp tăng giá

Một yếu tố quan trọng khác đã đẩy giá dầu “leo thang” là việc Liên minh Tổ chức các nước xuất khẩu dầu hỏa và đồng minh (OPEC+) tuyên bố giữ nguyên kế hoạch tăng sản lượng, nhằm hưởng lợi từ mức giá cao, mặc cho các nước tiêu thụ dầu lớn, như: Mỹ, Ấn Độ... kêu gọi các nhà cung cấp phải giảm giá. Trong khi đó, giá xăng dầu trong nước phụ thuộc rất lớn vào giá dầu thế giới, do nguồn cung xăng dầu trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu cho nền kinh tế. Một yếu tố khách quan khác là Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đã giảm sản lượng, từ đó làm cho nguồn cung xăng dầu trong nước yếu, tác động mạnh lên giá bán ra.

Thích ứng

Thích ứng với tình hình xăng dầu, vật tư nông nghiệp tăng giá, nông dân trong tỉnh nói chung, các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp nói riêng phải nhanh chóng tính toán lại cơ cấu sản xuất, mùa vụ, cây con theo hướng chi phí thấp, giá thành hạ, chất lượng sản phẩm ổn định; đặc biệt phải đi vào sản xuất theo tín hiệu của thị trường, tức là “bán cái thị trường cần, không bán cái mình có”.

Từ bài toán thích ứng này, các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh nhanh chóng sắp xếp sản xuất, cụ thể như ở HTX nông nghiệp Phú Thạnh (xã Phú Thạnh, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang).

Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Trần Văn Lô Ba cho biết, xăng dầu, vật tư nông nghiệp tăng giá, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh của HTX. Trước tình hình này, Ban điều hành HTX cùng các thành viên nhanh chóng điều chỉnh sản xuất để thích ứng. Cụ thể, đối với dịch vụ bơm tưới, bơm tiêu, HTX đã đầu tư các trạm bơm điện để thay thế trạm bơm dầu, điều này có ý nghĩa rất lớn đối với quá trình sản xuất - kinh doanh của HTX. Các dịch vụ khác có sử dụng phương tiện máy móc, như: Máy cày, máy xới, máy cuốc đất... thì HTX tiến hành sắp xếp lại thành các đội, nhóm, tổ theo hướng, mỗi tổ phục vụ chung một khu vực, theo sự điều hành của HTX.

Cụ thể, trong quá trình cày, xới đất, tất cả làm theo lộ trình cuốn chiếu (làm từ ngoài bờ rào đến cuối tiểu vùng quy hoạch), nhằm hạn chế di chuyển từ ruộng này đến ruộng khác (theo cách cũ). Cách làm mới giúp chi phí xăng dầu giảm, các chủ phương tiện hạ giá dịch vụ cho thành viên, nông dân trong vùng từ 5-10% (đối với chi phí làm đất).

"Nông dân chúng tôi rất vui mừng khi Ban Quản lý HTX tính toán được việc này, chi phí giảm từ 5-10% có ý nghĩa rất lớn trong bối cảnh hiện nay, qua đó giúp thành viên giảm được chi phí, giá thành sản xuất trong mùa vụ” - ông Nguyễn Văn Hơn (thành viên HTX nông nghiệp Phú Thạnh) chia sẻ.

Bên cạnh giảm chi phí các dịch vụ có sử dụng xăng dầu, HTX nông nghiệp Phú Thạnh còn kết hợp với Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời triển khai mô hình "LT123 plus" (mô hình sản xuất nông nghiệp không dấu chân). Đối với mô hình này, Tập đoàn Lộc Trời đầu tư chi phí, dịch vụ đầu vào, đồng thời cử cán bộ tham gia cùng nông dân sản xuất. Khi thu hoạch vụ đông xuân, nếu năng suất đạt 8 tấn/ha, Tập đoàn Lộc Trời sẽ trả lợi nhuận cố định là 23 triệu đồng/ha.

Đối với vụ hè thu, nếu năng suất đạt 5,5 tấn/ha, lợi nhuận mà Tập đoàn Lộc Trời trả cho nông dân 9 triệu đồng/ha. Nếu năng suất từng vụ cao hơn năng suất quy định (của công ty), nông dân sẽ được cộng thêm theo giá thị trường. Nếu năng suất thấp hơn quy định, nông dân không bị trừ lợi nhuận. Đây là mô hình mới trong liên kết nhằm thích ứng với tình hình xăng dầu, vật tư nông nghiệp đang “leo thang” như hiện nay.

“Trước tình hình giá xăng dầu, vật tư tăng cao, Hội Nông dân tỉnh kêu gọi nông dân nhanh chóng thích ứng một cách kịp thời. Cụ thể, cần tiếp tục sản xuất theo mô hình “1 phải, 5 giảm”, đi vào con đường liên doanh, liên kết để áp dụng cho được mô hình “mua chung, bán chung” nhằm giảm chi phí, giá thành để sản xuất hiệu quả hơn” - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh An Giang Nguyễn Văn Nhiên kêu gọi.

MINH HIỂN