Tạo đà cho ĐBSCL phát triển từ một nghị quyết

08/03/2023 - 06:19

 - Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, vùng ĐBSCL hiện đang nắm giữ nhiều lợi thế để bứt phá, phát triển, bởi tài nguyên thiên nhiên ưu đãi, nguồn lực lao động dồi dào; đất đai, khí hậu, nguồn nước đa dạng, phong phú… Song, các tỉnh trong vùng đang gặp tình trạng đầu tư phân tán, quy mô nhỏ lẻ, giá trị thấp, chủ yếu phụ thuộc vào khai thác tài nguyên thiên nhiên để phát triển.

Nghị quyết vì dân

Để vực dậy sự phát triển của ĐBSCL, ngày 2/4/2022, Bộ Chính trị (khóa XIII) ban hành Nghị quyết 13-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Vùng ĐBSCL được xem là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh và đối ngoại của cả nước, là cửa ngõ phía Tây Nam của Tổ quốc nên có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng.

Lãnh đạo tỉnh An Giang (Việt Nam) và tỉnh Kandal (Campuchia) thực hiện nghi thức cắt băng công bố khai trương mở mới Cửa khẩu quốc tế đường bộ, đường sông Vĩnh Xương

Vùng ĐBSCL có tổng diện tích khoảng 40.600km2; dân số vùng khoảng 17,5 triệu người, chiếm gần 18% dân số cả nước. “Qua nghiên cứu nghị quyết, chúng ta có thể khẳng định rằng, đây là nghị quyết thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, nhà nước đối với vùng ĐBSCL. Nghị quyết đáp ứng được nguyện vọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong vùng, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa như hiện nay.

Đây là cơ sở chính trị quan trọng cho sự ra đời các cơ chế, chính sách mới để khai thác và phát huy ở mức cao nhất các tiềm năng, lợi thế mà vùng ĐBSCL đang có, phục vụ cho sự phát triển nhanh và bền vững của toàn vùng trong thời gian tới…” - ThS Lê Phát (nguyên Trưởng khoa Lý luận Cơ sở, Trường Chính trị Tôn Đức Thắng) khẳng định.

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình thị sát công trình tuyến đường liên kết vùng

Nghị quyết xác định các khâu đột phá trong chiến lược phát triển vùng là phát triển kết cấu hạ tầng KTXH, nhất là hạ tầng giao thông gắn với các hành lang kinh tế; phát triển các trung tâm đầu mối về nguyên liệu trong nông nghiệp với các đô thị, trung tâm dịch vụ logistics; đi đôi với đó là phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao để phục vụ kịp thời cho nhu cầu của toàn vùng.

Hiện thực hóa

Nghị quyết 13-NQ/TW đề ra một số chỉ tiêu cụ thể, như: Đến năm 2030, tăng trưởng bình quân (giai đoạn 2021 - 2030) của vùng phải đạt khoảng 6,5 - 7%/năm. Quy mô nền kinh tế tăng gấp 2 - 2,5 lần so năm 2021. Tỷ trọng nông, lâm, ngư nghiệp trong tổng thu nhập vùng (GRDP) khoảng 20%. GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 146 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ đô thị hóa đạt 42 - 48%... Để đạt được chỉ tiêu này, Chính phủ đề ra chương trình hành động, trong đó ngoài quy hoạch TP. Cần Thơ là trung tâm của vùng thì Chính phủ còn quy hoạch mạng lưới đường bộ (thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050) với 6 tuyến cao tốc, tổng chiều dài 1.166km. Trong đó có 3 tuyến cao tốc trục dọc (chiều dài 575km), 3 tuyến cao tốc trục ngang (chiều dài 591km).

Đường bộ và đường thủy đều phát triển. Ảnh: ĐĂNG LÂN - MINH HIỂN

“Việc đầu tư các tuyến cao tốc sẽ giúp ĐBSCL khơi thông điểm nghẽn về hạ tầng giao thông, tạo liên kết, kết nối với các trục giao thông khác trong vùng, giúp vận chuyển hàng hóa thuận tiện, gắn kết, thúc đẩy KTXH của vùng ĐBSCL với TP. Hồ Chí Minh và các vùng kinh tế trọng điểm khác trong cả nước…” - ThS Lê Phát khẳng định.

Ông Trần Văn Trí (cán bộ hưu trí, ngụ phường Long Thạnh, TX. Tân Châu) cho biết: “Thời gian qua, tôi thường xuyên theo dõi báo chí để nắm bắt tiến độ triển khai các dự án mang tính trọng điểm của vùng; nhiều cán bộ hưu trí rất vui mừng khi vùng ĐBSCL được Đảng, nhà nước quan tâm đầu tư, phục vụ cho sự phát triển của địa phương.

Ở TX. Tân Châu, thừa hưởng từ quy hoạch này, các công trình mang tính trọng điểm của thị xã được triển khai, như: Dự án cầu Tân An, tuyến đường liên kết vùng đoạn từ TX. Tân Châu đến TP. Châu Đốc, kết nối với tỉnh Kiên Giang, Đồng Tháp, Long An; việc công bố mở mới Cửa khẩu quốc tế đường bộ, đường sông Vĩnh Xương… mở ra cho TX. Tân Châu giai đoạn phát triển mới”.

“Chúng tôi rất vui mừng khi các công trình được triển khai, thực hiện thời gian qua. Trong quá trình giải phóng mặt bằng các dự án, tôi vận động gia đình, người thân hợp tác với các cơ quan chức năng, sớm bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công, tránh việc kèn cựa về giải phóng mặt bằng, làm chậm trễ tiến độ thi công. Có thể khẳng định, Nghị quyết 13-NQ/TW của Bộ Chính trị là nghị quyết vì dân, vì một ĐBSCL trù phú, có trầm tích văn hóa từ lâu đời để đồng bằng phát triển nhanh, bền vững trong thời gian tới…” - ông Trí bày tỏ.

Hiện nay, các địa phương trong vùng ĐBSCL nói chung, An Giang nói riêng đang hiện thực hóa chủ trương này để trong tương lai không xa, ĐBSCL không còn là “vùng trũng” về giáo dục, giao thông, hạ tầng kỹ thuật mà trở thành vùng sinh thái, văn minh và bền vững, mang đậm bản sắc văn hóa sông nước, đáp ứng yêu cầu của Đảng, nhà nước đặt ra.

“Nghị quyết 13-NQ/TW xác định, vùng ĐBSCL là vùng sinh thái, văn minh và bền vững, mang đậm bản sắc văn hóa sông nước; là trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững, năng động và hiệu quả cao của quốc gia, khu vực và thế giới - trên cơ sở phát triển hệ thống các trung tâm đầu mối về nông nghiệp, các hành lang kinh tế và các đô thị động lực, tập trung các dịch vụ và công nghiệp đa dạng với hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển kinh tế biển; kinh tế du lịch…” - ThS Lê Phát (nguyên Trưởng khoa Lý luận Cơ sở, Trường Chính trị Tôn Đức Thắng) phân tích.

MINH HIỂN