Tạo sinh kế cho người dân vùng lũ

01/12/2021 - 06:06

 - Thay vì canh tác 2 vụ lúa rồi để ruộng ngập không, người dân có thể chuyển sang canh tác "1 vụ lúa kết hợp 1 vụ sen", cho nước lũ vào ruộng tự nhiên, dẫn dụ cá vào sinh trưởng. Với cách làm này, người dân vừa khai thác được giá trị của sen, vừa thu hoạch cá đồng mà vẫn tạo được phù sa cho đất, rửa sạch đồng ruộng, giảm chi phí phân bón, thuốc trừ sâu cho vụ lúa đông xuân tiếp theo.

Thích ứng hài hòa với thiên nhiên

Từ dự án của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế tại Việt Nam (IUCN Việt Nam), Coca Cola Việt Nam đã đồng hành tài trợ mô hình dự án sinh kế mùa nước nổi. Mô hình triển khai từ năm 2018 tại 3 tỉnh: An Giang, Đồng Tháp và Long An, được đánh giá là mang lại hiệu quả thiết thực khi phát triển được những mô trồng sen kết hợp trữ lũ, dẫn dụ cá vào vùng sen. Nhiều sản phẩm giá trị gia tăng từ sen đã được phát triển, như: Trà sen, sữa sen, sen sấy, kéo sợi sen để dệt vải, dệt thủ công mỹ nghệ… Đồng thời, phát triển được các mô hình du lịch (DL) sinh thái từ sen và vùng ngập nước. Mô hình giúp tăng thu nhập cho nông dân vùng lũ, tạo việc làm cho lao động tại chỗ, bảo vệ môi trường sinh thái, khơi gợi tiềm năng phát triển nông nghiệp tuần hoàn.

Tại An Giang, mô hình dự án sinh kế mùa nước nổi được triển khai tại vùng ngập lũ của huyện Tri Tôn và Tịnh Biên. Sau 3 năm (2018-2020), mô hình được triển khai 150ha với 43 hộ dân tham gia. Ông Trần Chế Linh (điều phối viên Ban Quản lý Dự án quản lý nước, thích ứng biến đổi khí hậu tỉnh An Giang) cho biết, mùa lũ 2018, có 23 hộ tham gia với diện tích 60ha (huyện Tri Tôn 15 hộ, 40ha; huyện Tịnh Biên 8 hộ, 20ha). Mùa lũ 2019, có 9 hộ là thành viên Hợp tác xã Tân Thạnh (xã Tà Đảnh, huyện Tri Tôn) tham gia với diện tích 60ha. Từ tháng 7 đến tháng 12-2020, có 11 hộ ở huyện Tịnh Biên tham gia diện tích 30ha. Người dân được nhận hỗ trợ trực tiếp từ dự án gần 1,35 tỷ đồng. “Sau khi kết thúc trồng lúa vụ đông xuân, nông dân trồng sen, trữ lũ vào đồng ruộng, kết hợp thu cá tự nhiên và phát triển  DL dựa vào mùa nước nổi. Mô hình vừa giúp cải thiện thu nhập cho người dân, vừa tăng cường trữ nước thích ứng với biến đổi khí hậu, hạn hán và xâm nhập mặn” - ông Linh đánh giá.

Tập huấn cho lao động nông thôn về kỹ thuật sơ chế sen

Qua triển khai cho thấy, khi chuyển từ 2 vụ lúa sang "1 vụ lúa + 1 vụ sen" kết hợp trữ lũ, dẫn dụ cá vào vùng sen mang lại lợi luận khoảng 55 triệu đồng/ha, cao hơn 39 triệu đồng/ha so với chỉ canh tác 2 vụ lúa. Chưa kể, nhờ trồng sen kết hợp trữ lũ giúp cải tạo đất, tăng lượng phù sa, màu mỡ cho đất, giảm được chi phí phân bón, thuốc trừ sâu, giảm dịch hại vụ lúa đông xuân kế tiếp, tạo được sản phẩm lúa sạch hơn, an toàn hơn.

Hướng đến bền vững

Ông Trần Chế Linh cho biết, trong thời gian triển khai mô hình dự án sinh kế mùa nước nổi, tỉnh đã phối hợp tổ chức được 3 hội thảo chuyên đề, 3 lớp tập huấn kỹ thuật canh tác sen; có sự đồng hành, tư vấn, hỗ trợ về chuyên môn về giống sen, kỹ thuật canh tác của TS Nguyễn Minh Chơn (Trường Đại học Cần Thơ). Tỉnh đào tạo được 23 lao động kỹ thuật sơ chế, bóc vỏ lụa sen và kỹ thuật thông tim sen, sơ chế sen, tạo việc làm cho lao động nông thôn. Theo đề xuất của UBND huyện Tịnh Biên, tỉnh đã thử nghiệm, đào tạo 15 phụ nữ Khmer kỹ thuật rút tơ sen và se thành tơ từ sen, thử nghiệm thành công mô hình kéo sợi sen dệt vải, mở ra thêm sản phẩm DL cho làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer ở xã Văn Giáo.

Theo ông Linh, dù bước đầu gặp khó khăn do người dân chưa quen, có năm lũ lên thấp, về muộn, sử dụng một giống sen canh tác liên tục nên thoái hóa, nhưng nhờ được các chuyên gia hỗ trợ về giống, kỹ thuật, mô hình phát huy được hiệu quả cả về môi trường, kinh tế, phù hợp với Nghị quyết 120/NQ-CP về chủ trương xây dựng ĐBSCL sống thuận thiên. Để mô hình phát triển bền vững, cần xây dựng hợp tác xã kiểu mới ở vùng dự án để đại diện pháp nhân ký hợp đồng tiêu thụ, xây dựng chuỗi liên kết giá trị với doanh nghiệp. Đồng thời, đa dạng các sản phẩm từ sen, như: Sen tươi, sen sấy, sữa sen, trà sen, phụ phẩm từ sen… kết hợp phát triển  DL. Bên cạnh đó, nghiên cứu giống sen mới nhằm hạn chế chết cây, thực hiện dẫn dụ cá tự nhiên hiệu quả hơn; nghiên cứu đầu tư cơ giới hóa vào khâu bóc vỏ lụa, thông tim sen, dệt sợi từ tơ sen…

“IUCN Việt Nam và Coca Cola cần tiếp tục tài trợ, mở rộng mô hình dự án sinh kế mùa nước nổi, mở rộng vùng nguyên liệu sen kết hợp trữ lũ, dẫn dụ cá đồng để xây dựng thành chuỗi giá trị lớn, phát triển DL sinh thái mùa nước nổi, góp phần tăng thu nhập, bảo tồn đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu tốt hơn” - ông Trần Chế Linh đề xuất.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư cho rằng, bài toán về trữ nước ngọt để điều tiết, sử dụng hợp lý, lâu dài là yêu cầu cấp thiết đối với vùng ĐBSCL. Nếu chuyển 5% trong 3,2 triệu ha trồng lúa ở ĐBSCL sang trữ lũ, có thể trữ 5 tỷ m3 nước/năm, đáp ứng yêu cầu điều tiết, cung cấp cho các vùng thiếu nước mùa khô, phục vụ chuyển đổi sang các loại cây trồng ít sử dụng nước hơn trồng lúa. Giải pháp trữ lũ tự nhiên trong vùng sinh thái, trữ lũ quy mô nhỏ trong vùng chuyển đổi trồng sen, trữ nước trong hồ, kênh, mương… khả thi và ít tốn kém hơn so với các công trình trữ nước quy mô lớn.

“Mô hình do IUCN Việt Nam triển khai, Coca Cola tài trợ có thể nhân rộng khi kết hợp khả năng trữ nước, tăng sinh kế người dân, xây dựng sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm), phát triển làng nghề, du lịch sinh thái…” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư đánh giá

 

NGÔ CHUẨN