Chung tay bảo vệ sản xuất trong lũ

11/10/2018 - 00:00

 - Mặc dù bị thiệt hại khoảng 1.032ha lúa thu đông do lũ nhưng việc bảo vệ thu hoạch được hơn 7.000ha lúa ngoài đê bao còn lại có thể xem là nỗ lực thành công của huyện Tri Tôn. Lũ lớn sẽ tạo điều kiện cho địa phương tổ chức lại sản xuất, vận động xây dựng hoàn thiện hệ thống đê bao an toàn, vững chãi.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Thư (bìa phải) kiểm tra vùng xung yếu xã Vĩnh Phước

Vất vả ứng phó

Vừa thu hoạch xong 120 công đất (12ha) ở tiểu vùng Nam Vĩnh Tế 7 (xã Vĩnh Phước, Tri Tôn) cách đây ít ngày, ông Huỳnh Văn Bến (ngụ ấp Ninh Phước, xã Lương An Trà) mới thở phào. “Diện tích lúa này, tôi hợp đồng sản xuất giống cho Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời nên chi phí đầu tư khá lớn. Năm nay lũ về sớm cả tháng, nước lại lên nhanh nên tuyến đê bao do người dân tự đắp liên tục bị uy hiếp. Nhờ lãnh đạo Đảng ủy, UBND xã Vĩnh Phước thường xuyên quan tâm, trực tiếp chỉ đạo gia cố, ngành nông nghiệp huyện Tri Tôn tăng cường phương tiện hỗ trợ nên mới giữ được diện tích lúa an toàn đến ngày thu hoạch” - ông Bến chia sẻ.

Cuối tuần rồi, sau khi thu hoạch xong 120ha từ Tiểu vùng Nam Vĩnh tế 5 đến Nam Vĩnh Tế 7, hàng chục nông dân trong vùng đã cùng nhau “tổ chức ăn mừng” vì… thoát nạn. Chủ tịch UBND xã Vĩnh Phước Nguyễn Văn Văn cho biết, sau khi bảo vệ thành công 120ha này, địa phương mới thật sự an tâm, bởi đây là diện tích ngoài đê bao xung yếu cuối cùng trên địa bàn xã được thu hoạch an toàn. “Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, huyện, địa phương đã cho xả lũ vào các tiểu vùng vừa thu hoạch để vệ sinh đồng ruộng, bổ sung phù sa, cắt đứt mầm bệnh. Đối với các vùng SX ngoài đê bao, địa phương sẽ tổ chức họp dân để thống nhất kế hoạch nâng cấp, gia cố đê, xây dựng thành hệ thống đê bao vững chãi để tổ chức sản xuất an toàn các năm sau” - ông Văn thông tin.

Trong khi xã Vĩnh Phước đã yên tâm thì xã Lương An Trà vẫn đang vất vả ứng phó với lũ tại các khu vực ngoài đê bao xung yếu. Đây là địa phương có diện tích xuống giống ngoài đê lớn nhất huyện Tri Tôn (3.929ha trong tổng diện tích 8.423ha lúa ngoài đê của huyện). Trong số 135 ha lúa ngoài đê bao xung yếu cần bảo vệ, đã cơ bản thu hoạch ở các tiểu vùng khu vực Cây Gòn (20ha), tiểu vùng Cà Na (48ha), khu vực kênh sườn D Phú Lâm (15ha). Riêng tiểu vùng khu vực Giồng Cát (từ U1 đến U9, trừ U3), 52ha còn khoảng 20-30 ngày nữa mới thu hoạch trong khi nước lé đé bờ đê. “Tôi đã đầu tư hệ thống bơm điện nhưng chỉ dám rút nước cầm chừng, chứ không dám bơm ra mạnh vì sợ áp lực nước tác động trở lại, bờ bao sẽ không chịu nổi do nền đất yếu. Mọi người ngày đêm chia nhau canh chừng, vừa làm vừa nơm nớp lo âu” - ông Phạm Ngọc Minh (canh tác hơn 20ha lúa ngoài đê bao ở ấp Giồng Cát) bộc bạch.

Cùng nỗ lực

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tri Tôn Trần Văn Cường cho biết, đến nay, huyện đã xuống giống 22.945,5ha lúa thu đông, gồm 22.816,5ha lúa cao sản (trong đê 14.393,5 ha, ngoài đê 8.423ha), 80ha lúa mùa nổi, 49ha lúa mùa trên. Ngoài 1.032ha bị thiệt hại, 640ha thu hoạch ép (năng suất 4,93 tấn/ha), diện tích ngoài đê bao còn lại cơ bản được bảo vệ thu hoạch. Khu vực bị thiệt hại phần lớn nằm ở bờ Bắc kênh Vĩnh Tế (Lạc Quới, Vĩnh Gia), các tiểu vùng bị sạt lở đê tạm ở Lương An Trà và Vĩnh Phước, các khu vực lúa còn nhỏ (20-50 ngày tuổi), xuống giống manh mún, nhỏ lẻ ngoài đê bao nên không thể bảo vệ.

Trong quá trình ứng phó với lũ về sớm, lên nhanh, UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Tri Tôn đã tổ chức 61 cuộc họp dân để chuẩn bị công tác bơm rút nước ra để cứu lúa, vận động dân tự đặt máy bơm chống úng và gia cố đê bao, cống bọng để bảo vệ lúa. Đồng thời, huy động 3.119 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia giúp dân gia cố các vùng xung yếu và các đê bao, cống bọng bị rò rỉ, có nguy cơ nước tràn qua. “Để bảo vệ lúa thu đông trong đê bao, ngành nông nghiệp cùng các xã tập trung rà soát các tiểu vùng về mức độ an toàn, kiên quyết xử lý các cống, bọng không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật. Hiện nay, đã xử lý được 56 cống, bọng nguy hiểm. Đồng thời, thực hiện gia cố các đê, đập còn yếu, rà soát nạo vét các mương nội đồng ở các tiểu vùng, chuẩn bị các dụng cụ bơm tưới, hệ thống điện phục vụ và phát quang cây để đảm bảo an toàn hệ thống điện” - ông Cường thông tin.

Nhằm đảm bảo công tác ứng phó với lũ, UBND huyện Tri Tôn đã đề nghị tỉnh xem xét cho tạm ứng kinh phí khoảng 5 tỷ đồng thực hiện gia cố các khu vực xung yếu, bảo vệ vụ thu đông. Đồng thời, đề nghị tỉnh xem xét hỗ trợ phần thiệt hại lúa, màu hè thu do ảnh hưởng của lũ, bão số 3 và mưa lớn gây thiệt hại, ước kinh phí khoảng 1,8 tỷ đồng.


Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN