Chuyển dịch cây trồng, vật nuôi để tăng thu nhập

09/07/2019 - 07:51

 - Với phương châm sản xuất theo nhu cầu thị trường, nông dân TX. Tân Châu đã chủ động nắm bắt thông tin từ thị trường, từ đó lựa chọn những cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, “đầu ra” tốt để sản xuất. Vì vậy, đời sống của bà con được cải thiện đáng kể, sản phẩm làm ra tiêu thụ tốt.

Giảm lúa, tăng màu

Đi đầu trong phong trào vận động nông dân chuyển dịch nuôi trồng những cây, con có giá trị kinh tế cao, có thị trường tiêu thụ tốt, trước hết phải kể đến các xã: Long An, Phú Vĩnh, Vĩnh Hòa, Vĩnh Xương, Tân Thạnh. Ở xã Vĩnh Xương có mô hình trồng xoài Keo, xoài cát Hòa Lộc, trồng dưa lưới trong nhà màng. Ở xã Long An, ngoài diện tích trồng rau màu, địa phương này còn có thế mạnh trong phát triển thủy sản lồng bè, nuôi các loài cá chợ để tiêu thụ nội địa và xuất khẩu sang Campuchia. Xã Phú Vĩnh có mô hình sản xuất cây giống trong nhà màng, nhà lưới; trồng hoa lan, cây kiểng.

“Năm 2015 và 2016, khi thương lái Trung Quốc vào tận đây tìm mua xoài Keo, xoài cát Hòa Lộc, xoài Cát Chu, nhiều hộ nông dân đã sang Campuchia thuê đất trồng xoài rồi mang về bán cho thương lái Trung Quốc. Thời điểm đó, xoài Keo có lúc lên đến 24.000 đồng/kg. Bình quân mỗi công (xoài từ 5-7 năm tuổi), cho năng suất từ 6-7 tấn. Với mức giá trên, có những công xoài doanh thu mỗi năm hơn 100 triệu đồng. Bắt được tín hiệu này, nhiều nông dân nơi đây đã chuyển sang trồng xoài, nhờ vậy đời sống nâng lên đáng kể, có điều kiện cho các con đi học trong và ngoài nước” - ông Trần Thanh Tuấn (xã Vĩnh Xương) thông tin.

Ngoài trồng xoài, ở các xã: Vĩnh Xương, Phú Lộc, Vĩnh Hòa còn có mô hình trồng các loại cây có múi như: cam xoàn, bưởi da xanh, quýt đường, chanh bông tím, trái hạnh… Những mô hình này đã thực sự mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhà nông. “Trước đây trồng lúa, mỗi vụ lúa, 1 công lãi không được 2,5 triệu đồng, thời gian kéo dài đến 3 tháng. Những năm lúa không có giá, gia đình phải đi vay tiền nóng bên ngoài để sản xuất, chi tiêu. Từ khi chuyển sang trồng cây ăn trái, cuộc sống gia đình rất tốt, không còn đi hỏi vay bên ngoài mà tiền lời bình quân mỗi năm trên 100 triệu đồng” - chị Trương Thị Lệ (xã Vĩnh Hòa) chia sẻ.

Phát triển thủy sản

Phong trào chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn TX. Tân Châu đang phát triển rầm rộ. Đến nay đã có 860ha đất trên địa bàn được chuyển sang trồng các loại cây ăn trái, rau màu. Chỉ tính riêng vùng đất Châu Phong - Long An, diện tích trồng rau màu để xuất khẩu sang Campuchia và tiêu thụ nội địa lên đến 300ha. TX. Tân Châu đang tiếp tục vận động nông dân nhân rộng mô hình trồng các loại rau ăn lá, cải tùa sậy, cải bắp, khổ qua, dưa leo để bán cho thương lái Campuchia. “Chúng tôi không thể làm một cách tự phát như trước đây, bởi đi kèm với việc chuyển dịch sang trồng rau màu, cây ăn trái phải tính đến hệ thống thủy lợi nội đồng cho phù hợp với từng loại cây, con. Chuyển dịch theo chủ trương không sai quy hoạch tổng thể của thị xã, mặt khác có được hạ tầng tốt để phục vụ tưới tiêu” - ông Lê Công Nam (xã Châu Phong) phân tích.

Ở TX. Tân Châu ngày nay, bên cạnh cây lúa, rau màu và các loại cây ăn trái, địa phương này đang phát triển mạnh phong trào nuôi thủy sản. Sản phẩm thủy sản nơi đây, ngoài xuất khẩu sang Mỹ, Liên minh Châu Âu (EU), Trung Quốc, Mexico (đối với cá tra), các loại cá khác như: cá điêu hồng, cá mè vinh, cá he, cá lóc, cá rô, cá trê để phục vụ thị trường nội địa. “Năm nay, do bệnh dịch tả heo Châu Phi xuất hiện trên địa bàn tỉnh, vì vậy các loại cá chợ tiêu thụ rất tốt, giá cả cao. Cụ thể, cá he có giá trên 50.000 đồng/kg, cá lóc 42.000 đồng/kg, cá điêu hồng 38.000 đồng/kg, nhờ đó ngư dân có đời sống rất tốt” - chị Lê Thị Lan (xã Long An) chia sẻ.

Thời gian tới, TX. Tân Châu sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển thủy sản khu vực ven sông Tiền, sông Hậu từ 300ha lên 500ha/năm vào năm 2020. Phát triển các vùng nuôi cá theo tiêu chuẩn xuất khẩu như: VietGAP, GlobalGAP để sản phẩm của nông dân được tiêu thụ tốt trên thị trường.

“Để quá trình chuyển dịch cây trồng, vật nuôi đạt hiệu quả kinh tế cao, bên cạnh việc sản xuất theo tín hiệu của thị trường, ngành nông nghiệp TX. Tân Châu đang vận động nông dân đi vào con đường làm ăn hợp tác, thông qua mô hình hợp tác xã kiểu mới và tổ hợp tác. Đây là tiền đề quan trọng để phát triển một nền nông nghiệp bền vững”- Phó Chủ tịch UBND TX. Tân Châu Đặng Văn Nê phân tích.

 

Bài, ảnh: MINH HIỂN