Thích ứng với cơ chế thị trường

25/05/2018 - 06:56

 - Để thích ứng với cơ chế thị trường, nông dân (ND) đã tập trung chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; chuyển đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn trái như: xoài, bưởi, cam xoàn, quýt và chuối… từ đó, thu nhập của mỗi gia đình được nâng lên, nông sản (NS) tiêu thụ được thuận lợi.

Thu nhập tăng

Những năm qua, gia đình ông Lê Văn Mão (ngụ ở ấp 2, xã Vĩnh Xương, TX.Tân Châu) có cuộc sống khấm khá nhờ mạnh dạn chuyển đổi 2ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng xoài cát Hòa Lộc xuất khẩu (XK).

Ông Mão chia sẻ, 2 năm đầu chuyển đổi, gia đình ông rất băn khoăn, hàng loạt câu hỏi đặt ra như: khi cây xoài ra trái, giá cả sẽ như thế nào? Năng suất trái xoài ra sao? Bán cho ai, lợi nhuận từ xoài có bù đắp nổi tiền vốn vay ngân hàng?...

Để tìm đáp án cho những thắc mắc đó, ông Mão đến xã Hòa Hưng (huyện Cái Bè, Tiền Giang), nơi có đến 3.300ha đất trồng xoài cát Hòa Lộc để tìm hiểu cách thức trồng xoài.

Tại đây, ông Mão được các thành viên Hợp tác xã xoài cát Hòa Lộc chia sẻ những kinh nghiệm trong quá trình sản xuất (SX), về thị trường cùng những vấn đề khác có liên quan.Trong 1 tuần ở xã Hòa Hưng, ông Mão thấy mình tự tin hơn khi biết được rất nhiều điều xoay quanh cây xoài cát Hòa Lộc. 

“Khi biết được thông tin về thị trường tiêu thụ, tôi đã mạnh dạn vay thêm 50 triệu đồng từ ngân hàng để chăm sóc 2ha xoài. Thông thường, ND trồng xoài, chỉ 2 năm là xử lý cho cây ra hoa để hái trái, tôi thì quan niệm khác, đó là phải trồng cho cây thật khỏe rồi mới xử lý cho ra hoa. Cây xoài của tôi trồng đến năm thứ 4 mới xử lý ra hoa, nhờ vậy khi cây trưởng thành cho trái rất sai và ngon, được thương lái ưa chuộng…”- ông Mão đúc kết kinh nghiệm.

3 năm qua, có thời điểm xoài cát Hòa Lộc được thương lái tìm đến tận vườn mua với giá 52.000 đồng/kg. Nhờ có 2ha xoài, gia đình ông đã nuôi được 2 người con học đại học, cuộc sống gia đình thoải mái hơn, có đầy đủ tiện nghi.

“Năng suất xoài bình quân 16-18 tấn/ha, với giá bán 30.000 đồng/kg, mỗi ha xoài cho thu nhập trên 500 triệu đồng. Mỗi năm tôi xử lý cho xoài ra hoa 2 lần” - ông Mão cho biết.

TX. Tân Châu có mô hình trồng xoài cát Hòa Lộc, bưởi da xanh XK; Chợ Mới có mô hình trồng xoài 3 màu, cam xoàn; Tri Tôn có mô hình chuối… tất cả đều SX theo nhu cầu thị trường.

Hiện nay, ngoài việc đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong nước, các sản phẩm vừa nêu đã được XK sang các quốc gia: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Australia...

Thích ứng với cơ chế thị trường

Xoài đang được đóng vào thùng để xuất khẩu

Nông sản dễ tiêu thụ

Theo thống kê từ ngành nông nghiệp, năm 2013, diện tích trồng cây ăn trái toàn tỉnh là 8.407ha, đến hết quý I-2018, diện tích này tăng lên 13.586ha, trong đó diện tích trồng xoài là 9.043ha.

Những năm qua, nhờ áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào SX, nên năng suất cây xoài không ngừng tăng lên, đạt 18 tấn/ha. Có thời điểm, xoài cát Hòa Lộc được thương lái tìm đến vườn mua để XK với giá 52.000 đồng/kg, 1ha xoài thu nhập trên 700 triệu đồng.

“Hội nhập kinh tế quốc tế đã giúp NS của ND làm ra rất dễ tiêu thụ. Đối với NS an toàn, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, hàng hóa không đủ bán. Xoài 3 màu của ND Bình Phước Xuân (Chợ Mới) trước đây chỉ bán ở thị trường trong nước, nay XK mạnh sang nhiều quốc gia, thu nhập của người dân tăng lên đáng kể. Bình quân mỗi hộ trồng xoài 3 màu, thu nhập mỗi năm trên 100 triệu đồng” - ông Nguyễn Văn Cường (ND xã Bình Phước Xuân, Chợ Mới) chia sẻ.

10 năm trước, tại 3 xã cù lao của huyện Chợ Mới là: Bình Phước Xuân, Tấn Mỹ và Mỹ Hiệp, diện tích trồng xoài không đáng kể, nay khi có đầu ra, ND nơi đây đã mạnh dạn chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng xoài 3 màu để XK, cuộc sống người dân ở vùng đất này đã thật sự “đổi đời”.

“Toàn xã hiện có đến 14 vựa xoài, tổ chức thu mua xoài của ND, đóng vào thùng để XK trực tiếp. Nhờ trồng theo quy trình an toàn nên xoài nơi đây được thương lái ưa chuộng. Hiện nay, ND đang đi vào con đường làm ăn hợp tác, thông qua mô hình hợp tác xã kiểu mới để ND được tiêu thụ tốt hơn” - Chủ tịch Hội ND xã Bình Phước Xuân Lê Quang Diễn chia sẻ.

Thích ứng với cơ chế thị trường để tồn tại và phát triển là điều không phải dễ, bởi ở đó vấn đề lợi nhuận luôn được đặt lên hàng đầu và SX ra sản phẩm gì, bán cho ai, bán giá bao nhiêu, người ND phải tính toán cẩn thận.

Để giảm thiểu rủi ro, ND trong tỉnh nên đi vào con đường làm ăn hợp tác, cùng nhau làm giàu thông qua mô hình hợp tác xã kiểu mới để giảm chi phí SX, giá thành sản phẩm cạnh tranh, lợi nhuận tốt hơn, tránh được những rủi ro của thị trường.

“Đổi mới tư duy trong làm ăn, phát triển kinh tế nông hộ là điều rất tốt. Việc chuyển đổi từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn trái, có giá trị cao hơn, tiêu thụ dễ dàng hơn. Điều bà con cần lưu ý là việc chuyển đổi phải theo nhu cầu thị trường và quy hoạch của ngành nông nghiệp. Trong SX phải có sự liên kết từ đầu vào đến đầu ra, tuyệt đối tránh SX theo phong trào, điều này rất dễ dẫn đến rủi ro” - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Sĩ Lâm khuyến cáo.

Bài, ảnh: MINH HIỂN