Ứng phó dịch hại vụ đông xuân

28/02/2019 - 07:40

 - Ghi nhận từ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 đến nay, có đợt rầy nâu di trú với mật số cao. Bên cạnh việc có thêm những đợt rầy cám nở, cần đề phòng khả năng phát triển của những dịch hại khác trong điều kiện thời tiết phức tạp.

Nguy hiểm với rầy nâu

Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) An Giang Nguyễn Văn Hiền cho biết, đến nay, diện tích thu hoạch vụ lúa đông xuân 2018-2019 chiếm khoảng 12% diện tích xuống giống trên địa bàn tỉnh. Các trà lúa còn lại gồm: đẻ nhánh 17.268ha, làm đòng 70.289ha, trổ 76.630ha và chín 42.114ha. Tình hình thời tiết diễn biến bất thường, chênh lệch nhiệt độ ngày - đêm hơn 10oC (thấp nhất vào ban đêm 22-23oC, cao nhất buổi trưa 35oC), sáng sớm có sương mù dày, kéo dài, xuất hiện mưa trái mùa, là điều kiện thuận lợi cho một số đối tượng gây hại vụ đông xuân. Tính đến ngày 21-2-2019, diện tích nhiễm rầy nâu từ đầu vụ là 49.374,6ha, chủ yếu nhiễm nhẹ, riêng diện tích nhiễm trung bình đến nặng tập trung ở các địa phương: Thoại Sơn, Châu Phú, Chợ Mới, Phú Tân, Tịnh Biên, Tri Tôn, TP. Long Xuyên. Đối với bệnh đạo ôn, diện tích nhiễm 16.065,5ha, phần lớn nhiễm nhẹ. “Từ số liệu rầy nâu vào đèn tại 33 bẫy đèn trên địa bàn tỉnh cho thấy, đang có đợt rầy nâu di trú với mật số cao từ ngày 5-2-2019 (mùng 1 Tết) đến nay (từ 4.600 - 30.000 con/bẫy/đêm” - ông Hiền lưu ý.

Theo Chi cục TT&BVTV, từ ngày 25-2 đến 5-3-2019, dự báo có đợt rầy cám nở trên lúa giai đoạn làm đòng đến trổ tại hầu hết các huyện, chú ý trên các giống nhiễm, như: IR50404, Jasmine 85, lúa Nhật, nếp, OM4900, OM4218, OM5451, Đài Thơm 8, Nàng Hoa 9… “Nếu phát hiện rầy cám có màu vàng nhẹ và mật số hơn 3 con/tép thì tiến hành phun thuốc trừ rầy, tuyệt đối không phun ngừa khi mật số rầy còn thấp (dưới 3 con/tép). Khi phun thuốc, cần tuân thủ nguyên tắc “4 đúng” (đúng thuốc, đúng lúc, đúng nồng độ - liều lượng và đúng cách). Chú ý, không sử dụng thuốc trừ rầy có hoạt chất Acetamiprid giai đoạn trổ và sau trổ, cần tuân thủ thời gian cách ly” - ông Hiền nhắc nhở.

Đối với bệnh đạo ôn, thời tiết hiện nay rất thuận lợi cho bệnh tiếp tục lây nhiễm và gây hại với mức độ nhẹ đến trung bình, cục bộ nặng trên các ruộng trồng giống nhiễm, sạ dày, bón dư phân đạm. Nông dân nên thăm đồng kỹ để đưa ra biện pháp phòng trị hiệu quả, đặc biệt trên lúa ở giai đoạn đòng - trổ. Lưu ý, đối với bệnh đạo ôn lá, chỉ nên phun thuốc khi phát hiện 1 - 2 vết bệnh đạo ôn điển hình trên ruộng. Đối với bệnh đạo ôn cổ bông, nên phun ngừa trước và sau trổ 7 ngày, phun từ 1,5 - 2 bình máy 25 lít/1.000m2; tuyệt đối không bón phân, sử dụng phân bón lá và thuốc kích thích sinh trưởng khi ruộng đang bị bệnh.

Ứng phó dịch hại vụ đông xuân

Cần thăm đồng thường xuyên để phòng trừ dịch hại

Cẩn trọng với muỗi hành

Theo ông Nguyễn Văn Hiền, khi lúa ở giai đoạn cuối làm đòng đến trổ, chín, thường xuất hiện bệnh vàng lá, bệnh có thể nặng đối với lúa thơm, có bản lá to như: Jasmine 85, OM4900, OM6976, nếp… “Số liệu từ các huyện cho thấy, bệnh đang phát triển. Với thời tiết sương mù nhiều như hiện nay, bệnh có nguy cơ gây hại trung bình đến nặng” - ông Hiền lưu ý.

Đối với những diện tích xuống giống muộn tại các huyện Phú Tân, Thoại Sơn và TX. Tân Châu, cần đề phòng khả năng muỗi hành xuất hiện và gây hại. Dù muỗi hành gây hại nhẹ trên trà lúa làm đòng ít gây giảm năng suất vụ đông xuân nhưng tạo nguồn muỗi hành trưởng thành di trú, có nguy cơ lây lan gây hại vụ lúa hè thu 2019. “Khi ruộng bị muỗi hành gây hại, nông dân không nên phun thuốc phòng trị, chỉ áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác như: không bón thừa phân đạm, bón cân đối đạm - lân - kali, quản lý nước tốt” - ông Hiền khuyến cáo.

Trước tình hình diễn biến thời tiết phức tạp, các đối tượng dịch hại có nguy cơ gây hại, ảnh hưởng năng suất, Chi cục TT&BVTV An Giang lưu ý cán bộ kỹ thuật cần thăm đồng thường xuyên, kiểm tra, đánh giá tình hình dịch hại, đồng thời theo dõi bẫy đèn, dự báo kịp thời, chính xác tình hình dịch hại. Đối với nông dân, khuyến cáo thực hiện các tiến bộ kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, công nghệ sinh thái… Đặc biệt, phải áp dụng triệt để 4 nguyên tắc trong phòng trừ dịch hại tổng hợp (IPM): trồng cây khỏe, thăm đồng thường xuyên, bảo vệ thiên địch và nông dân trở thành chuyên gia. “Trạm TT&BVTV các huyện, thị xã, thành phố cần có kế hoạch phân công cụ thể, thăm đồng và bám sát địa bàn, nắm chắc tình hình dịch hại” - ông Hiền yêu cầu

Nếu nông dân gặp khó khăn, vướng mắc trong phòng trừ dịch hại, có thể liên hệ nhân viên TT&BVTV các xã, phường, thị trấn, Trạm TT&BVTV cấp huyện hoặc thông tin, trao đổi với Chi cục TT&BVTV An Giang thông qua các số điện thoại: 0296.3854698 (Phòng BVTV), 0296.3957165 (Phòng Trồng trọt và Kiểm dịch thực vật).

Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN