Vụ hè thu khả quan
Dù diễn biến mưa giông thời gian qua gây thiệt hại về nông nghiệp, nhưng chưa ảnh hưởng nhiều so diện tích xuống giống vụ hè thu 2023 của An Giang. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, ngành chuyên môn thường xuyên thăm đồng để có những dự báo sâu bệnh chính xác và kịp thời, tăng cường khuyến cáo nông dân áp dụng khoa học - kỹ thuật, tích cực chăm sóc nên cả lúa và hoa màu vào giai đoạn thu hoạch có năng suất cao hơn so cùng kỳ. Qua thu hoạch khoảng 30.000ha trong tổng diện tích 228.750ha lúa vụ hè thu 2023, năng suất trà đầu đạt 5,75 tấn/ha; ước năng suất cả vụ đạt bình quân 6,1 tấn/ha, tổng sản lượng gần 1,39 triệu tấn lúa.
Trong khi đó, chuyển đổi cơ cấu cây trồng tiếp tục được triển khai có hiệu quả, đặc biệt nhóm bắp non, đậu nành rau, rau muống lấy hạt, rau ăn lá… có doanh nghiệp (DN) liên kết tiêu thụ nên diện tích tăng, góp phần tăng trưởng lĩnh vực trồng trọt.
Đầu ra của vụ hè thu cũng khá yên tâm, khi giá lúa đang ở mức khá, 14 DN có kế hoạch liên kết sản xuất và tiêu thụ 145.540ha chiếm 63,58% diện tích xuống giống. “Sở NN&PTNT đang tích cực triển khai kế hoạch liên kết tiêu thụ lúa, rau màu và cây ăn trái vụ hè thu với các DN trên địa bàn tỉnh, nhằm đảm bảo đầu ra ổn định” - ông Nguyễn Sĩ Lâm thông tin.
Cùng với giá nông sản duy trì ở mức khá, đặc biệt là giá xoài tăng thời điểm thu hoạch rộ (tháng 3/2023), giá lúa cao hơn cùng kỳ từ 800 - 1.000 đồng/kg, thì giá một số loại phân bón từ đầu năm đến nay có chiều hướng giảm, giúp nông dân thêm yên tâm đầu tư sản xuất.
Chuẩn bị tốt vụ thu đông 2023
Theo dự báo của ngành khí tượng thủy văn, từ nay đến tháng 9/2023, tổng lượng dòng chảy từ thượng nguồn Mekong về hạ lưu qua Tân Châu và Châu Đốc có xu thế tăng dần, nhưng vẫn ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm (TBNN) từ 10 - 20%. Do vậy, khu vực đầu nguồn sông Cửu Long, mực nước cao nhất 2023 có khả năng ở mức xấp xỉ hoặc dưới báo động (BĐ) 1 khoảng 0,2m, thấp hơn cùng kỳ 2022 từ 0,3 - 0,5m.
Đối với khu vực nội đồng Tứ giác Long Xuyên, mực nước cao nhất năm có khả năng ở mức xấp xỉ và dưới BĐ1 khoảng 0,2 - 0,4m, thấp hơn cùng kỳ từ 0,2 - 0,5m. Đối với vùng hạ lưu sông, mực nước cao nhất năm 2023 tại Vàm Nao và Chợ Mới có khả năng ở mức trên BĐ1 từ 0,2 - 0,4m, thấp hơn cùng kỳ từ 0,4 - 0,6m; trên sông Hậu tại Long Xuyên ở mức xấp xỉ và trên BĐ3 từ 0,05 - 0,1m. Thời gian xuất hiện đỉnh lũ ở các trạm vào khoảng giữa tháng 10/2023.
Dù dự báo lũ nhỏ nhưng diễn biến bão, áp thấp nhiệt đới phức tạp; nền nhiệt độ trên địa bàn An Giang từ nay đến cuối năm 2023 phổ biến cao hơn TBNN từ 0,5 - 0,8oC. Trong khoảng nửa cuối tháng 8 - 10/2023 là thời kỳ cao điểm của mùa mưa, nhưng tổng lượng mưa thấp hơn TBNN từ 5 - 15%. Từ tháng 10 - 11/2023, tổng lượng mưa thấp hơn TBNN từ 10 - 20%; tháng 12/2023 phổ biến ít mưa. Mùa mưa năm 2023 có khả năng kết thúc sớm hơn TBNN từ 5 - 10 ngày, nhưng cần đề phòng xuất hiện các hiện tượng thời tiết nguy hiểm, như: Giông, sét, lốc, mưa đá và các đợt mưa lớn diện rộng.
Vụ thu đông, toàn tỉnh có kế hoạch xuống giống 163.071ha (lúa 148.133ha, màu 14.938ha). Đầu ra vụ này không quá lo, khi có 14 DN có kế hoạch liên kết tiêu thụ 106.260ha lúa, chiếm 71,73% diện tích; rau màu được sản xuất tập trung tại các vùng trọng điểm để thuận tiện liên kết tiêu thụ; nhiều DN, vựa duy trì thu mua trái cây…
“Các địa phương cần quan tâm phát triển các mô hình, vùng sản xuất lúa, nếp, rau màu, cây ăn trái gắn với tiêu thụ hàng hóa nông sản. Đồng thời, hỗ trợ nâng cao năng lực các hợp tác xã đang liên kết và hỗ trợ giới thiệu liên kết mới giữa hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất với DN để tiêu thụ sản phẩm” - Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Sĩ Lâm lưu ý.
Nếu như đầu ra tương đối yên tâm thì diễn biến thời tiết phức tạp từ nay đến cuối năm ít nhiều ảnh hưởng đến sản xuất vụ thu đông. Sở NN&PTNT An Giang đề nghị các ngành, địa phương tăng cường kiểm tra, rà soát hệ thống công trình đê bao, cống bọng; kịp thời gia cố, khắc phục, đảm bảo an toàn công trình trước lũ, sẵn sàng các phương án hộ đê khi có tình huống xảy ra. Đồng thời, rà soát các khu vực trũng, thấp, các khu vực có nguy cơ ngập do mưa lớn; tổ chức vận hành đóng, mở hệ thống cống hợp lý để bảo vệ sản xuất; kiểm tra, vận hành, sửa chữa hệ thống trạm bơm, kịp thời bơm tiêu chống úng cho lúa, rau màu, cây ăn trái trong mùa mưa lũ.
Sở NN&PTNT An Giang đã gửi dự thảo Đề án chuyển đổi Tổ phản ứng nhanh nông nghiệp cấp xã thành Tổ khuyến nông cộng đồng, đề nghị các địa phương nghiên cứu, góp ý để trình UBND tỉnh phê duyệt. Việc thành lập và củng cố Tổ khuyến nông cộng đồng, nhằm tăng cường cán bộ nông nghiệp ở cơ sở, hỗ trợ địa phương triển khai các nhiệm vụ: Khuyến nông, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng, chống lụt bão... |
NGÔ CHUẨN