An Giang linh hoạt phòng, chống dịch COVID-19

09/11/2021 - 06:17

 - Dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh khi nhiều địa phương có vài chục ca nhiễm mỗi ngày. Tỉnh An Giang đang triển khai nhiều giải pháp, không để dịch bệnh vượt tầm kiểm soát.

Dịch bệnh diễn biến phức tạp

Trong 10 ngày trở lại đây, nhiều địa phương trong tỉnh đã “đổi màu” cấp độ dịch từ xanh sang vàng, từ vàng sang cam, từ cam sang đỏ khi số ca mắc COVID-19 gia tăng nhanh. Theo Thông báo 3812/TB-SYT ngày 5-11-2021 của Sở Y tế về cấp độ dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh, hiện tại An Giang đang áp dụng cấp độ 3 - nguy cơ cao (vùng cam). Trong đó, có 1 huyện đạt cấp độ 1 (Châu Thành); 6 huyện cấp độ 2 (An Phú, Châu Phú, Phú Tân, Thoại Sơn, Tịnh Biên và TX. Tân Châu); 4 huyện, thành phố cấp độ 3 (TP. Long Xuyên, TP. Châu Đốc, huyện Chợ Mới và Tri Tôn). Cấp xã, 49 đơn vị cấp độ 1, 62 đơn vị cấp độ 2, 22 đơn vị cấp độ 3 và 23 đơn vị cấp độ 4.

Đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine nhằm tạo miễn dịch trong cộng đồng. Ảnh: THU THẢO

Trong ngày 7-11, An Giang ghi nhận thêm 531 trường hợp nhiễm COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm lên 14.065 trường hợp. Nhiều địa phương trong tỉnh có số ca nhiễm cao, như: huyện Châu Phú, TP. Long Xuyên, Tri Tôn, Chợ Mới, Tịnh Biên, TP. Châu Đốc… Nguyên nhân số ca mắc tăng cao chủ yếu do người dân trở về từ các vùng có dịch; các địa phương nới lỏng giãn cách nhằm thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; lượng người dân di chuyển lớn cùng với tâm lý chủ quan.

Mặt khác, do ý thức người dân chưa cao khi nhiều người về từ vùng dịch không tuân thủ nguyên tắc hạn chế tiếp xúc trong thời gian theo quy định. Giám đốc Sở Y tế Trần Quang Hiền nhận định, tình hình dịch bệnh COVID-19 trong tỉnh hiện vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, số ca mắc tăng là do người dân từ các vùng dịch về địa phương, mầm bệnh trong cộng đồng vẫn còn. Các địa phương căn cứ vào cấp độ dịch được công bố, các huyện, thị xã, thành phố phải áp dụng ngay các biện pháp tương ứng để kiểm soát dịch trên địa bàn.

Điển hình, lãnh đạo UBND huyện Tịnh Biên vừa ký quyết định áp dụng các biện pháp tăng cường phòng, chống dịch, áp dụng cấp độ 3 dịch COVID-19 tại các xã Văn Giáo, An Hảo, thị trấn Nhà Bàng và Tịnh Biên. Cụ thể, từ 0 giờ ngày 5-11, chợ Nhà Bàng, chợ Tịnh Biên tổ chức kiểm soát người dân ra vào chợ phải có giấy xác nhận đã được tiêm vaccine ít nhất 1 mũi sau 14 ngày, hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 không quá 6 tháng và khai báo bằng mã QR tại chợ. Không tập trung quá 10 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng. Các cơ sở kinh doanh ăn uống tạm thời chuyển sang hình thức bán hàng mang đi, không phục vụ tại chỗ…

Bán thức ăn mang về. Ảnh: THANH HÙNG

Tăng cường các biện pháp để kiểm soát tốt dịch

Theo Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới dự báo tiếp tục phức tạp. Tỉnh yêu cầu các địa phương tổ chức quản lý tốt việc cách ly F1 tại nhà, dành các khu cách ly tập trung để thu dung, điều trị F0. Tỉnh An Giang thí điểm điều trị F0 tại nhà đối với những ca không có triệu chứng ở một số địa phương… Thực hiện phương châm “5K + vaccine + điều trị + công nghệ + đề cao ý thức người dân + các biện pháp cần thiết” trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh An Giang Lê Hồng Quang cho rằng, chuyển sang thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19 nhưng vẫn phải kiên trì thực hiện nguyên tắc phòng, chống dịch là ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch, điều trị sớm. Bên cạnh đó, hệ thống giám sát y tế, dịch bệnh trong cộng đồng phải nâng cao hơn một mức so với trước đây. Các giải pháp tuyên truyền, vận động người dân thực hiện phòng, chống dịch phải thống nhất, không để lúc chặt quá, khi lỏng quá. Đồng thời, ngành y tế và các địa phương cần tập trung đẩy mạnh tốc độ tiêm chủng và nâng cao tỷ lệ bao phủ vaccine, song song với khôi phục hoạt động của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh khi tỉnh đã trở lại trạng thái bình thường mới.

Công nhân được bố trí làm việc tại nơi an toàn để sản xuất

Thực tế khi các địa phương trong tỉnh chuyển sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 thì không thể không có ca nhiễm trong cộng đồng. Vì vậy, để “kéo giảm” số ca mắc COVID-19 thì hệ thống giám sát dịch bệnh phải được tăng cường thêm một mức, để sớm phát hiện, nhanh chóng xử lý ca mắc. Các địa phương phải tăng cường xét nghiệm sàng lọc tại các cơ sở y tế; phát huy vai trò của Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng để phát hiện người từ nơi khác về, người có triệu chứng để xét nghiệm, điều trị từ sớm... Đối với những doanh nghiệp, nhà máy đã tiêm vaccine cho toàn bộ công nhân, khi phát hiện ca mắc, cần có phương án khoanh vùng gọn từng phân xưởng, dây chuyền sản xuất thay vì đóng cửa toàn bộ nhà máy.

Mặt khác, các quy định của Nghị quyết 128/NQ-CP được áp dụng thống nhất trên toàn quốc, nhưng các địa phương có thể linh hoạt áp dụng các biện pháp cụ thể để bổ sung nhưng không trái với quy định của Trung ương, không gây ách tắc lưu thông hàng hóa, sản xuất - kinh doanh và đi lại, sinh hoạt của nhân dân. Có thể, tình hình dịch bệnh trên toàn tỉnh ở cấp độ 3, nhưng nhiều huyện, xã lại ở cấp độ 1, 2. Tương tự, linh hoạt đánh giá cấp độ dịch các xã, phường để có biện pháp ứng phó phù hợp, bám sát tình hình thực tế. Tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để sớm khống chế dịch COVID-19; đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19, nhất là ở các địa bàn dịch đang diễn biến phức tạp.  

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh: “Tỉnh bảo đảm thực hiện “mục tiêu kép”, nhưng đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết; đảm bảo người dân được bảo vệ tốt nhất trước dịch bệnh COVID-19”.


THU THẢO