Cải thiện điều kiện lao động cho nông dân

30/08/2023 - 07:04

 - Dự án “Thúc đẩy tiếp cận an sinh xã hội và điều kiện lao động tốt hơn cho nữ nông dân và lao động thời vụ nông nghiệp trong chuỗi giá trị tôm và lúa gạo tại Việt Nam” (gọi tắt là Dự án DGD) được triển khai trên địa bàn tỉnh An Giang năm 2022 - 2026. Thông qua dự án này, nữ nông dân và lao động thời vụ được tiếp cận với những chính sách an sinh xã hội, bảo trợ xã hội, việc làm, sinh kế bền vững…

Hỗ trợ nữ nông dân và lao động thời vụ được tiếp cận với chính sách an sinh xã hội

Thúc đẩy an sinh xã hội

Dự án DGD do Chính phủ Bỉ tài trợ. Ở Việt Nam, dự án do tổ chức Oxfam tài trợ và quản lý, đồng thời chọn Hội Nông dân Việt Nam làm đơn vị hợp tác thực hiện. Tại khu vực ĐBSCL, dự án được triển khai tại 5 tỉnh, gồm: An Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang và Sóc Trăng. Khu vực ĐBSCL đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế cả nước, sản lượng tôm và lúa gạo chiếm tỷ trọng lần lượt 95% và 58%. Hai phân ngành này thu hút hơn 10 triệu nông dân quy mô nhỏ và công nhân. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số thách thức trong lĩnh vực an sinh xã hội, quyền lao động và bình đẳng giới.

Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh An Giang Nguyễn Văn Nhiên cho biết, rào cản trong tiếp cận an sinh xã hội là khó khăn trong triển khai hiệu quả chuỗi giá trị ngành nghề này. Một số chính sách xã hội thiếu bền vững, chưa phát huy được tính tự chủ, tự lực vươn lên của người dân, nhất là nông dân nghèo. Điều này dẫn đến tình trạng ỷ lại, trông chờ vào sự trợ cấp của Nhà nước.

Mặt khác, hệ thống chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội chưa theo kịp tình hình phát triển kinh tế - xã hội, chưa thích ứng với quá trình già hóa dân số. Nông dân, lao động thời vụ mặc dù là nhóm sản xuất chính và chiếm phần lớn lực lượng lao động trong chuỗi giá trị, nhưng hiểu biết còn hạn chế; tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thấp.

Những năm qua, việc ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào nông nghiệp nói chung và trong ngành sản xuất lúa - tôm nói riêng đã chuyển biến tích cực, góp phần giải phóng sức lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất, cải thiện đời sống nông dân. Tuy nhiên, do trình độ, nhận thức về vệ sinh an toàn lao động còn hạn chế; việc sử dụng hóa chất, phân bón, thuốc trừ sâu, thiết bị máy móc... của một bộ phận nông dân còn nhiều bất cập. Từ đó, nông dân phải đối mặt với nhiều rủi ro trong quá trình lao động.

Ngoài ra, việc tiếp cận việc làm và phát triển sinh kế bền vững của nữ nông dân, lao động thời vụ nông nghiệp chưa được đảm bảo; thiếu chính sách hỗ trợ hiệu quả từ các bên liên quan. Cùng với đó, những định kiến về giới cản trở phụ nữ học nghề, sản xuất... Do đó, lồng ghép giới trong các chương trình giảm nghèo và an sinh xã hội cần được quan tâm hơn nữa.

Quan tâm cải thiện điều kiện lao động

Từ những khó khăn trên, Dự án DGD góp phần giúp đỡ, hỗ trợ nữ nông dân và lao động thời vụ nông nghiệp trong chuỗi giá trị tôm - lúa gạo được tiếp cận an sinh xã hội, chính sách bảo trợ xã hội, việc làm tử tế, sinh kế bền vững, cải thiện điều kiện lao động.

Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Nông dân (Hội Nông dân tỉnh An Giang) Nguyễn Văn Phẳng cho biết, dự án hướng đến mục tiêu 16.800 nữ nông dân và lao động thời vụ nông nghiệp trong chuỗi giá trị tôm - lúa gạo tại 5 tỉnh ĐBSCL được nâng cao năng lực về tiếp cận việc làm, sinh kế bền vững và an sinh xã hội đầy đủ. Trong đó, tỉnh An Giang vận động 3.360 nữ nông dân tham gia.

Ông Phẳng cho biết thêm, dự án còn củng cố, phát triển 80 tổ, nhóm nông dân trong chuỗi giá trị tôm - lúa gạo. Tăng cường năng lực hợp tác, hoạt động tập thể hướng tới bảo đảm an sinh xã hội, tiếp cận việc làm, sinh kế bền vững. Từ đó, cải thiện quan hệ giới, năng lực ứng phó với các khó khăn cho nữ nông dân, lao động thời vụ nông nghiệp.

Ngoài ra, 5 sáng kiến hợp tác đa bên được củng cố và phát triển, hỗ trợ hiệu quả chính sách về lao động, an sinh xã hội có lồng ghép giới cho nữ nông dân và lao động thời vụ; 5 sáng kiến do nữ giới lãnh đạo hướng đến thực hành an toàn vệ sinh lao động, an sinh xã hội và tiếp cận việc làm, sinh kế bền vững được hỗ trợ phát triển và thực hiện.

Để dự án mang lại hiệu quả, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh An Giang Nguyễn Văn Nhiên cho biết, đơn vị bám sát hướng dẫn của Ban Quản lý Dự án Trung ương trong tổ chức, triển khai hoạt động; đảm bảo 100% cán bộ tham gia nắm chắc nội dung, phương thức thực hiện, hoạt động của dự án; tổ chức hoạt động nghiêm túc, thực chất. Đồng thời, tăng cường truyền thông trên phương tiện thông tin đại chúng về hoạt động, kết quả, chia sẻ tích cực của hội viên nông dân khi tham gia dự án…

ĐỨC TOÀN