Đầu năm, xuất khẩu thủy sản tăng mạnh

02/02/2022 - 07:31

 - Xuất khẩu thủy sản cả nước tăng mạnh ngay từ đầu năm, trong đó có mặt hàng cá tra của doanh nghiệp (DN) tại ĐBSCL. Đây là tín hiệu vui của năm mới Nhâm Dần 2022.

Nhu cầu gia tăng

Bất chấp tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường, xuất khẩu các mặt hàng thủy sản của Việt Nam nói chung, mặt hàng cá tra nói riêng đang “bứt phá” ngay trong những ngày đầu năm. Cụ thể, tại Tập đoàn Nam Việt, không khí làm việc rất khẩn trương. DN đẩy mạnh thu tuyển từ 3.000 - 5.000 công nhân vào làm việc tại nhà máy để kịp sản xuất 8.000 tấn thành phẩm (tương đương 400 container), giao hàng trong tháng 1-2022 cho các nước. Giá trị từ hợp đồng xuất khẩu cá tra trong tháng 1 của tập đoàn đạt 20 triệu USD, tăng từ 60-70% so cùng kỳ.

Sau dịch bệnh, nhu cầu nhập thực phẩm nói chung, mặt hàng cá tra từ Việt Nam nói riêng tại các thị trường trên thế giới tăng mạnh. 4 thị trường lớn của ngành hàng cá tra Việt Nam hiện nay vẫn là Hoa Kỳ, Trung Quốc - Hong Kong, Liên minh Châu Âu (EU) và các quốc gia Châu Á. Năm 2021, xuất khẩu thủy sản Việt Nam đạt 8,9 tỷ USD, trong đó ngành hàng cá tra đạt khoảng 1,5 tỷ USD, tăng nhẹ so năm 2020. Dự báo trong năm 2022, xuất khẩu cá tra sẽ đạt mức 1,7 tỷ USD, tăng 13% so năm 2021.

“Nhu cầu tiêu thụ sản phẩm cá tra trên thế giới đang tăng mạnh. Thời gian qua, DN chưa thể xuất khẩu nhiều vào các thị trường này được, do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 kéo dài. Thêm vào đó, chính sách “Zero COVID” của Trung Quốc làm cho thế giới thiếu hụt container rỗng, từ đó giá cước vận chuyển hàng hóa đi các cảng biển trên thế giới tăng gấp nhiều lần, chi phí đội lên làm cho việc xuất hàng bị hạn chế. Nay, các quốc gia từng bước kiểm soát dịch bệnh COVID-19, nhu cầu tiêu thụ cá tra tăng cao. Đây là lợi thế cho DN xuất khẩu cá tra trong năm 2022” - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Nam Việt Đỗ Lập Nghiệp chia sẻ.

Doanh nghiệp đang đẩy mạnh đa dạng hóa sản phẩm

Xuất khẩu thủy sản nói chung, cá tra nói riêng tăng mạnh ngay từ đầu năm 2022 làm cho giá cá nguyên liệu trong vùng tăng trở lại. Hiện cá tra loại 1, DN mua tại hầm, thanh toán tiền mặt với giá 24.000 đồng/kg. Với giá mua này, nông dân, DN có kinh nghiệm, kỹ thuật, nuôi cá ít hao hụt sẽ có lời, tránh được tình trạng thua lỗ kéo dài như trước đây.

Khẩn trương sản xuất

“Tình hình xuất khẩu cá tra đầu năm 2022 tăng mạnh, nông dân rất vui mừng. Ước nguyện của chúng tôi trong năm mới là giá cá tra tiếp tục tăng, thức ăn, thuốc thú y thủy sản giữ mức giá cũ để bà con đẩy mạnh sản xuất, phục hồi lại sau thời gian dài thua lỗ” - ông Trần Văn Nam (ngụ xã Hòa Lạc, huyện Phú Tân) chia sẻ.

Đời sống của nông dân lẫn DN, công nhân trong ngành hàng được cải thiện đáng kể. Cụ thể, lương bình quân của 1 công nhân tại nhà máy chế biến thủy sản trong tỉnh hiện ở mức 7 - 8 triệu đồng/người/tháng, cá biệt có đơn vị đạt mức 9 - 10 triệu đồng/người/tháng. Từ đó, góp phần nâng cao đời sống của người lao động, đặc biệt trong bối cảnh Tết Nguyên đán đến gần.

Khẩn trương sản xuất đơn hàng xuất khẩu, đáp ứng ngay trong tháng 1-2022, Tập đoàn Nam Việt đang đẩy mạnh thu tuyển công nhân với mức lương cao, đồng thời thu hoạch cá tại vùng nguyên liệu. Cuối tháng 1-2022, khoảng 400 container thành phẩm cá tra các loại sẽ rời nhà máy đến các quốc gia, phục vụ người tiêu dùng toàn cầu.

Hiện, Tập đoàn Nam Việt xuất khẩu cá tra trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trở thành “Top 5” DN có kim ngạch xuất khẩu cá tra lớn nhất Việt Nam. Với những tín hiệu xuất khẩu khả quan ngay từ đầu năm, hy vọng trong năm 2022, ngành hàng cá tra nói riêng, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ bứt phá về đích ngoạn mục, đạt mục tiêu 8,9 tỷ USD.

“Thuận lợi hiện nay là nguồn nguyên liệu của tập đoàn khá ổn định nhờ vùng nuôi rộng 1.000ha; lực lượng công nhân trở lại làm việc đầy đủ, tất cả đều được tiêm vaccine phòng COVID-19. Nếu như năm 2021, tập đoàn xuất khẩu đạt khoảng 130 triệu USD, thì năm 2022, chúng tôi phấn đấu đạt từ 200 triệu USD trở lên” - ông Đỗ Lập Nghiệp chia sẻ.

 

MINH HIỂN