Học chữ trong chùa Khmer

24/08/2022 - 08:02

 - Việc dạy chữ Khmer trong các chùa được khởi động từ thời điểm học sinh kết thúc năm học phổ thông. Khác với những mùa hè trước, việc kết nối lại lớp học năm nay có phần khó khăn và bất tiện. Do trải qua thời gian ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, thời gian học ở trường phổ thông kéo dài nên trẻ em đến chùa muộn hơn. Chương trình và nội dung học cũng được rút ngắn nhằm giúp các em học ngôn ngữ của đồng bào một cách thuận lợi nhất có thể.

Các lớp dạy chữ Khmer được tổ chức ở nhiều chùa thuộc huyện Thoại Sơn, Tịnh Biên và Tri Tôn

Từ lâu, chùa trở thành “ngôi nhà lớn” của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) Khmer trong phum, sóc. Đồng thời cũng là trường học, nơi con cái của họ sẽ được giáo dục toàn diện cả về tri thức lẫn nhân cách. Điều đặc biệt trong những lớp học này là thầy giáo đứng lớp dạy chữ phần lớn là các nhà sư.

Chùa Kal Pô Brưk (huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) tận dụng cơ sở vật chất để vừa dạy chữ Khmer, vừa dạy tiếng anh và trung cấp Phật học. Hiện, có 6 giáo viên là các sư trong chùa, ngoài ra có 18 người ở bên ngoài (từng tu tập tại chùa, đã hoàn tục) hỗ trợ cùng dạy học. Các lớp học được tổ chức từ “vỡ lòng” đến nâng cao (chia theo lớp, năm, trình độ) và hoàn toàn miễn phí. Sách, tập, vở và dung cụ liên quan do phật tử tài trợ

Sư Thạch Phong cho biết, trẻ em đồng bào DTTS Khmer từ nhỏ (khoảng 8 tuổi) đã được vận động để học chữ, rèn dần việc làm quen với chữ viết của dân tộc. Theo các năm, các em học và phát triển dần kỹ năng đọc, viết, viết tròn câu, làm đoạn văn ngắn… Sư Thạch Phong là một trong số giáo viên dạy chữ Khmer và chữ Pali.

Hiện tại, các lớp có khoảng 80 học sinh, trong khi những mùa hè trước, số lượng có thể lên đến 170-180 em. Ngoài học chữ, các em được dạy bài hát, nghi lễ, văn hóa, bản sắc dân tộc, điệu múa… của đồng bào DTTS Khmer. Trong đó, điều kiện để trẻ em được học tiếng Anh là phải thông thạo chữ Khmer. Cách khuyến khích này cũng nhằm hỗ trợ cho quá trình giảng dạy thuận lợi hơn, giáo viên có thể uyển chuyển phiên dịch giúp học trò tiếp thu thuận lợi.

Chùa Kal Pô Brưk cũng là điểm mở dạy các lớp miễn phí cho trẻ em học tập mùa hè đầu tiên trong tỉnh An Giang. Theo sư Thạch Phong, hơn 20 năm trước, khi khởi xướng học chữ Khmer, nhà chùa không vận động tập trung, mà các nhà sư phải chia nhau đến các điểm ấp, điểm xã. Sau này, nhờ điều kiện đi lại thuận tiện, học sinh mới tập trung thành lớp ở chùa.

Theo quy định, học sinh học chữ trong 5 năm, sơ cấp Phật học trong 7 năm. Do điều kiện và thời gian không cho phép, để khuyến khích, chùa cho phép học sinh tiểu học chỉ cần học chữ Khmer đến năm thứ 3 là có thể học qua lớp sơ cấp Phật học. Các lớp học được tổ chức 3 buổi: Sáng, chiều và tối, trừ ngày rằm và các ngày lễ lớn của đồng bào DTTS Khmer.

Thời điểm này, các chùa ở huyện Tịnh Biên và Tri Tôn cũng vào mùa học chữ, nhưng với quy mô nhỏ và thời gian ngắn hơn. Năm nay được xem là năm học dài nhất trong lịch sử bởi ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, các lớp học kết thúc theo thời điểm khác nhau. Lớp dạy chữ Khmer tại chùa Kom Phlưng thuộc xã Ô Lâm (huyện Tri Tôn) hoạt động chưa tròn 1 tháng. Tuy thời gian nghỉ hè rút ngắn, các em vẫn hào hứng đến học. Sư thầy đứng lớp cũng bàn bạc rút ngắn chương trình gọn nhất có thể để tận dụng thời gian này dạy chữ.

Sư cả Chau Nên cho biết, theo độ tuổi và trình độ, các em được dẫn dắt tương tự các lớp phổ thông ở ngoài, như: Mẫu giáo nhỏ, mẫu giáo lớn, lớp 1 nhỏ, lớp 1 lớn… và lớp cao nhất là lớp 5 dành cho các em từ 14 hoặc 15 tuổi. Hiện nay, chùa đã tập trung hơn 60 em, bao gồm cả các em ở ấp khác (vì chùa tại đó không tổ chức dạy). “Dù thời gian không cho phép tổ chức dạy rộng rãi như mọi năm, nhưng tinh thần học tập của các em là điều rất đáng biểu dương. Duy trì lớp học thường niên cần thiết để con em đồng bào DTTS Khmer biết đọc, hiểu, sử dụng thông thạo ngôn ngữ mẹ đẻ” - Sư cả Chau Nên chia sẻ.

Từ năm 2008 đến nay, chùa Kom Phlưng tổ chức dạy chữ Khmer xuyên suốt trong mùa hè, kết hợp dạy đàn ngũ âm cho số ít trẻ em có nhu cầu và năng khiếu. Ngày càng có nhiều phật tử biết đến, nhờ vậy các lớp học được nhà hảo tâm xa gần ủng hộ kinh phí để trang bị sách, tập cho các em. Tùy theo khả năng, qua mùa hè, các em nâng dần kỹ năng đọc, viết. Những em học liên tiếp đủ 15 tháng là có thể đứng lớp dạy.

Điều đáng mừng là dù chỉ có những ngày hè ít ỏi, trẻ em trong phum, sóc vẫn ưu tiên đến chùa học chữ, hơn là đam mê trò chơi giải trí khác. Nhiều em chăm chỉ rèn viết chữ rất đẹp. Trong vùng đồng bào sinh sống, hầu như em nào cũng biết chữ mẹ đẻ.

Dạy và học chữ Khmer trong chùa là hoạt động đã có từ lâu và mang ý nghĩa thiết thực góp phần bảo tồn, phát huy ngôn ngữ, chữ viết, văn hóa của đồng bào DTTS Khmer. Đồng thời giúp học sinh ở vùng nông thôn có kỳ nghỉ hè thật sự vui tươi và bổ ích. Hoạt động dạy chữ Khmer trong các chùa trên địa bàn tỉnh luôn được sự ủng hộ, khuyến khích từ chính quyền địa phương và đồng bào phật tử, cả về tinh thần cũng như hình thức hỗ trợ vật chất, kinh phí…

MỸ HẠNH