Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV: Sự thay đổi phù hợp thực tiễn

21/10/2021 - 10:01

 - Sáng 20-10, kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV khai mạc trọng thể tại Nhà Quốc hội (thủ đô Hà Nội), kết nối trực tuyến qua cầu truyền hình từ Nhà Quốc hội đến 62 đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Phiên khai mạc diễn ra trọng thể với nhiều nét mới...

Quang cảnh phiên khai mạc kỳ họp tại An Giang

Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, trước những thách thức và chồng chất khó khăn, phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, sự đồng lòng, vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của các cấp, ngành, địa phương, toàn quân, toàn dân, cộng đồng doanh nghiệp (DN)… dịch COVID-19 đã từng bước được kiểm soát trên phạm vi cả nước. Quốc hội biểu dương, đánh giá cao sự cố gắng, chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ; trân trọng cám ơn những nỗ lực, đóng góp to lớn, những nghĩa cử cao đẹp của đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và cộng đồng DN; cám ơn sự ủng hộ, giúp đỡ có hiệu quả của đồng bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế trong phòng, chống dịch COVID-19. Qua gian nan, thử thách, truyền thống đoàn kết, yêu nước, thương nòi, khí phách anh hùng, ý chí kiên cường, bất khuất của dân tộc ta, đất nước ta lại càng phát huy cao độ hơn bao giờ hết.

Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã góp phần quan trọng cùng cả nước ngăn chặn, kiểm soát được dịch bệnh, duy trì sản xuất - kinh doanh, hỗ trợ người dân và DN vượt qua khó khăn, thử thách; bước đầu thể hiện là một Quốc hội hành động, tiếp nối truyền thống khát khao đổi mới và cống hiến, luôn đặt người dân và DN ở vị trí trung tâm trong mọi quyết sách, vì sự phát triển bền vững của đất nước. Với tinh thần và tư tưởng xuyên suốt đó, tại phiên họp trù bị, các ĐBQH đã thống nhất rất cao thông qua nội dung, thời gian, chương trình và phương thức tiến hành kỳ họp theo tinh thần tiếp tục đổi mới và sáng tạo, vừa tận dụng, tiết kiệm tối đa thời gian, vừa đảm bảo nâng cao chất lượng kỳ họp, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân và cử tri cả nước.

“Tại kỳ họp này, đề nghị các vị ĐBQH, trên cơ sở thực tiễn sinh động, phong phú của ngành, lĩnh vực và địa phương mình, đồng thời xuất phát từ lợi ích cao nhất của đất nước, quốc gia và dân tộc, tham gia đầy đủ các phiên họp toàn thể của Quốc hội, các cuộc họp của Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội, của các tổ và đoàn ĐBQH, để nghiên cứu kỹ lưỡng, phản ánh khách quan, thảo luận sôi nổi, hiến kế và đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc, chất lượng; chất vấn đúng và trúng các vấn đề trọng tâm, thời sự mà cử tri cả nước quan tâm và biểu quyết, quyết định các vấn đề rất quan trọng thuộc nội dung chương trình kỳ họp đã được Quốc hội thông qua, góp phần làm nên thành công của kỳ họp, đáp ứng lòng mong đợi của nhân dân và cử tri cả nước”- Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ.  

Tại điểm cầu Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang, 5 vị ĐBQH tham dự phiên khai mạc kỳ họp. Đặc biệt nhất là sự có mặt của ông Nguyễn Văn Giàu (nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội khóa XIV). Ông Giàu chia sẻ: “Tôi được chọn 1 trong 3 nơi để dự phiên khai mạc (Nhà Quốc hội, tại Đoàn ĐBQH trước đây sinh hoạt và Đoàn ĐBQH nơi cư trú). Tuy nhiên, với tình cảm gắn bó đặc biệt, từng là ĐBQH khóa XIII, XIV của tỉnh An Giang, tôi trở lại An Giang tham dự. Tôi cảm nhận được Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan Quốc hội đã chuẩn bị nhiều nội dung triển khai kỳ họp thứ 2 và toàn khóa XV rất chu đáo. Trong tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp, việc họp trực tuyến là chọn lựa đúng đắn, phù hợp. Tôi mong muốn Quốc hội thực hiện thật tốt 3 chức năng: lập pháp, quyết định những vấn đề quan trọng và giám sát. Kỳ họp thứ 2 rất quan trọng, có nhiều nội dung quyết định, nhất là cụ thể hóa kế hoạch 5 năm Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII (nhiệm kỳ 2020-2025). Cơ cấu ĐBQH với lực lượng mới, gắn liền với một số đại biểu có kinh nghiệm, chắc chắn sẽ lãnh đạo kỳ họp rất thành công”.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong kỳ họp mang đến nhiều thuận lợi lẫn khó khăn, đặc biệt là ở các điểm cầu địa phương. Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh An Giang Trình Lam Sinh chia sẻ: “Chúng tôi đã chủ động, linh hoạt thích ứng, bám sát hướng dẫn của Văn phòng Quốc hội để chuẩn bị cơ sở vật chất, khắc phục hạn chế về đường truyền Internet, điện lực, đảm bảo an ninh trật tự… để việc tham dự kỳ họp được đảm bảo, hiệu quả”. Việc họp trực tuyến mang lại thuận lợi rất lớn cho cơ quan truyền thông địa phương phản ánh, ghi nhận diễn biến kỳ họp, hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh và từng vị ĐBQH, giúp cử tri, nhân dân An Giang tiện theo dõi, nắm bắt thông tin hơn so với trước đây.

“Trong quá trình kỳ họp diễn ra, Đoàn ĐBQH tỉnh bám sát các khâu đột phá, hệ thống chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đã đề ra. Trên cơ sở đó, các ĐBQH tỉnh chuẩn bị vấn đề bản thân quan tâm, cùng với ghi nhận ý kiến cử tri, thảo luận, báo cáo, chất vấn đến bộ, ngành Trung ương và Quốc hội; đề xuất ban hành cơ chế, chính sách; thông qua các vấn đề Quốc hội xây dựng để hỗ trợ tiến trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cuối năm 2021, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022. Đặc biệt, Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tập trung vào các vấn đề lớn, đặc trưng của tỉnh, đang được cử tri quan tâm, như: nông nghiệp, du lịch, cơ sở hạ tầng giao thông…” - ông Trình Lam Sinh thông tin thêm.

Do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV được tổ chức kết hợp họp trực tuyến và họp tập trung, chia thành 2 đợt. Đợt 1 kéo dài 11 ngày (từ ngày 20-10 đến 30-10) bằng hình thức trực tuyến. ĐBQH ở địa phương nào sẽ tham dự ở điểm cầu tại địa phương đó; ĐBQH công tác tại các cơ quan Trung ương tham dự tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội. Đợt 2 kéo dài 6 ngày, từ ngày 8 đến 13-11, họp tập trung tại Nhà Quốc hội.

GIA KHÁNH