Tích cực xây dựng, quảng bá hình ảnh, thương hiệu trái cây An Giang
Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Thanh Hiệp, Kế hoạch phát triển vùng sản xuất chuyên canh và xúc tiến tiêu thụ sản phẩm cây ăn trái tỉnh An Giang năm 2024 sẽ góp phần quan trọng trong việc tổ chức lại sản xuất theo hướng tiên tiến, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái nông thôn; thúc đẩy liên kết sản xuất với tiêu thụ, phát triển sản xuất an toàn. Qua đó, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện thu nhập cho người trồng cây ăn trái trên toàn tỉnh.
Cụ thể, sẽ chuyển đổi diện tích sản xuất lúa kém hiệu quả sang các loại cây ăn trái phù hợp theo vùng chuyên canh tập trung, với quy mô hơn 10.000ha trên toàn tỉnh, bao gồm các loại: Xoài, chuối nuôi cấy mô, sầu riêng, nhãn, cây có múi. Đồng thời, sẽ duy trì hoạt động cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói; phấn đấu diện tích được cấp mã số vùng trồng theo tiêu chuẩn xuất khẩu cho vùng chuyên canh cây ăn trái đạt 3.617ha. Hỗ trợ các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) đầu tư vào chế biến, bảo quản trái cây thông qua việc thúc đẩy, hình thành các dự án chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm trái cây trên toàn tỉnh.
Theo kế hoạch, vùng chuyên canh cây ăn trái sẽ phân bố trên địa bàn 33 xã, phường, thị trấn các địa phương: Chợ Mới, Tri Tôn, An Phú, Châu Phú, Châu Thành, TX. Tịnh Biên, TX. Tân Châu, TP. Long Xuyên. Hiện nay, ngành nông nghiệp và các địa phương đã kết nối với các DN: Hoàng Phát fruit, Vina T&T, Cát Tường, Hoàng Phan, Nafood… tham gia bao tiêu xoài, với diện tích 8.948ha. Đến nay, đã mở rộng thêm diện tích vùng chuyên canh xoài thêm 430ha. Riêng các loại cây ăn trái khác, như: Chuối cấy mô, nhãn, sầu riêng, cây có múi đều có sự gia tăng về diện tích.
Trong năm 2024, Sở NN&PTNT sẽ ban hành Kế hoạch “Thiết lập, quản lý, kiểm tra, giám sát cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói phục vụ tiêu thụ và xuất khẩu nông sản trên địa bàn tỉnh An Giang, giai đoạn từ nay đến năm 2025”; tiến hành tập huấn, phổ biến rộng rãi văn bản pháp luật, quy định việc thiết lập, quản lý, giám sát mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói cho cán bộ kỹ thuật chuyên trách, các THT, HTX và các tổ chức, cá nhân có nhu cầu cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói. Trong công tác xúc tiến, kết nối tiêu thụ cho vùng chuyên canh cây ăn trái, Sở NN&PTNT đã tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức về sản xuất, chính sách, thị trường cho hộ nông dân, HTX, THT, DN trên địa bàn tỉnh. Xây dựng, quảng bá hình ảnh, thương hiệu trái cây tỉnh An Giang; phát triển sản phẩm gắn với Chương trình OCOP; xây dựng sản phẩm truyền thông về cây ăn trái An Giang; thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ chuyển đổi số trong quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm trái cây của tỉnh; tăng cường công tác dự báo tình hình thị trường đối với cây ăn trái để tổ chức lại sản xuất phù hợp nhu cầu….
Nhằm thực hiện tốt mục tiêu phát triển vùng chuyên canh cây ăn trái tập trung trong năm 2024, Sở NN&PTNT sẽ tổ chức 15 lớp tập huấn, đào tạo cho nông dân trong vùng chuyên canh về kỹ thuật sản xuất cây ăn trái an toàn theo yêu cầu của thị trường. Với công tác cấp và quản lý mã số vùng trồng, mã cơ sở đóng gói, đơn vị cũng tích cực quản lý, khảo sát đánh giá để cấp mới, duy trì các mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói. Tiến hành mở 45 lớp tập huấn cho nông dân thuộc các vùng chuyên canh về các kiến thức, quy trình thực hiện để cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói cây ăn trái, hướng đến mục tiêu phục vụ xuất khẩu.
Ngành nông nghiệp An Giang cũng tập trung giúp nông dân ứng dụng khoa học vào sản xuất cây ăn trái, thúc đẩy phát triển nền sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, sinh thái, cũng như HTX, DN ứng dụng công nghệ thông tin trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Hoàn thiện hướng dẫn triển khai chính sách khuyến khích hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo Nghị định 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ; thúc đẩy liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm thông qua triển khai các dự án điểm về liên kết và tiếp tục thực hiện thỏa thuận ghi nhớ hợp tác hoặc kế hoạch hợp tác về liên kết tiêu thụ với các DN.
Đặc biệt, Sở NN&PTNT cũng hỗ trợ xây dựng hồ sơ chứng nhận sản phẩm OCOP cho ít nhất 3 chủ thể là DN, HTX sản xuất - kinh doanh sản phẩm trái cây; đẩy mạnh việc đưa các sản phẩm cây ăn trái lên các sàn giao dịch thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển đa dạng thị trường tiêu thụ sản phẩm; tăng cường công tác tiếp cận thông tin, dự báo thị trường về nhu cầu nhập khẩu trái cây thông qua cơ quan tham tán thương mại, hướng đến mục tiêu đưa trái cây của tỉnh An Giang góp mặt tại thị trường các nước.
MINH QUÂN