Phòng ngừa “tín dụng đen” trong công nhân, lao động

15/09/2022 - 04:01

 - Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam vừa đề nghị các cấp công đoàn tăng cường tuyên truyền, phòng ngừa “tín dụng đen” trong công nhân, lao động (CNLĐ). LĐLĐ tỉnh đã chỉ đạo hệ thống công đoàn chủ động tuyên truyền bằng nhiều hình thức, để CNLĐ biết, cảnh giác và tố cáo hành vi sai phạm liên quan.

Trước khó khăn về tài chính của CNLĐ cả nước, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 bùng phát, hoạt động “tín dụng đen” biến tướng dưới nhiều hình thức (khuyến mãi, hoa hồng, huy động vốn đầu tư, ủy thác đầu tư trái phiếu… lãi suất cao). Nạn cho vay nặng lãi hoành hành, chiêu thức ngày càng tinh vi, được quảng cáo công khai, rộng rãi, như: Dịch vụ hỗ trợ tài chính, cầm đồ, vay nhanh, trả gọn… Đặc biệt, đối tượng liên quan đến “tín dụng đen” còn bôi nhọ, xâm phạm đời tư, đe dọa cán bộ công đoàn nhằm gây sức ép, đòi nợ CNLĐ.

Thời gian qua, trên fanpage một số đơn vị, tổ chức và trang cá nhân của đoàn viên xuất hiện bình luận bài viết từ “nick ảo”, theo "công thức quen thuộc": Tên người, nghề nghiệp, công tác, số chứng minh nhân dân, số điện thoại, địa chỉ nhà riêng… Kèm theo đó, đối tượng rêu rao “đây (nạn nhân) là người giật nợ, trốn nợ”, bình phẩm về đạo đức với lời lẽ khiếm nhã. Không ít trường hợp chưa từng vay tiền, không quen biết chủ tài khoản, rất bức xúc khi phát hiện thông tin cá nhân bị đăng công khai tràn lan.

Đoàn viên, người lao động tiếp cận các nguồn vốn từ tổ chức tín dụng hợp pháp

Thực hiện chỉ đạo của Tổng LĐLĐ Việt Nam, các cấp công đoàn trên địa bàn tỉnh chủ động phối hợp với công an địa phương mở nhiều đợt tuyên truyền về “tín dụng đen”, giúp nâng cao hiểu biết, cảnh giác với các chiêu trò vay nợ. Về mặt truyền thông, thông qua phương tiện thông tin đại chúng, phương tiện thông tin cơ sở, mạng xã hội… các cấp công đoàn đẩy mạnh tuyên truyền phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động cho vay nặng lãi, “tín dụng đen”, nhất là ở nơi có đông CNLĐ. Trong đó, tăng cường tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn và tác hại của “tín dụng đen”, không để “tín dụng đen” tiếp cận CNLĐ.

Với công đoàn cơ sở có đông CNLĐ, địa bàn có nhiều hoạt động “tín dụng đen”, LĐLĐ tỉnh yêu cầu công đoàn cần phối hợp với chuyên môn, ban giám đốc doanh nghiệp tổ chức tuyên truyền chuyên đề, giúp CNLĐ hiểu cặn kẽ về sự nguy hiểm của nạn “tín dụng đen”, chủ động phòng ngừa.

Cùng với đó, các cấp công đoàn triển khai hiệu quả chương trình phúc lợi đoàn viên. Trong đó, tiếp tục quan tâm, chăm lo nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đoàn viên, CNLĐ, đặc biệt lưu ý về tiền lương, tiền thưởng, bữa ăn ca, nhà ở, nhà trẻ… Đồng thời, có chính sách hỗ trợ đoàn viên, CNLĐ nghèo, gặp hoàn cảnh khó khăn, như: Trao Mái ấm công đoàn, trợ cấp khó khăn, hỗ trợ vay vốn ở những kênh chính thống, với lãi suất hợp lý.

Tại tỉnh An Giang, khi có nhu cầu vay vốn, đoàn viên, người lao động có thể tiếp cận nguồn vốn từ Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm (của Tổng LĐLĐ Việt Nam chuyển về cho tỉnh thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội). Bên cạnh đó, gần đây, người lao động khó khăn còn được tiếp cận vốn vay từ Tổ chức tài chính vi mô CEP tại chi nhánh Long Xuyên, hình thức vay đơn giản về thủ tục, số tiền vay đa dạng theo nhu cầu, hình thức trả linh hoạt.

Ngoài ra, công đoàn còn bảo lãnh đoàn viên vay tín chấp. Từ đầu năm đến nay, các cấp công đoàn trong tỉnh bảo lãnh tín chấp cho 84 trường hợp vay, số tiền trên 5 tỷ đồng từ các ngân hàng ủy thác. Đồng thời, tổ chức tài chính vi mô CEP chi nhánh Long Xuyên phối hợp LĐLĐ cấp huyện xét giải ngân cho hơn 2.000 người lao động có nhu cầu vay quy mô nhỏ, lãi suất thấp… tổng số tiền 57,5 tỷ đồng.

Trên cơ sở thỏa thuận hợp tác đã được ký kết giữa Tổng LĐLĐ Việt Nam với Tập đoàn BRG, Ngân hàng SeABank, Công ty Tài chính TNHH MTV Lotte Việt Nam và các đối tác khác, các cấp công đoàn chủ động phối hợp triển khai ở địa phương, đơn vị, kết nối để các ngân hàng, tổ chức tín dụng hợp pháp tiếp cận cung cấp dịch vụ phù hợp với CNLĐ, từ đó có giải pháp tháo gỡ khó khăn về tài chính cho họ.

Để giải quyết nhu cầu bức thiết về tín dụng ưu đãi dành cho công nhân, Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị các cấp công đoàn phổ biến rộng rãi tới CNLĐ về gói vay 20.000 tỷ đồng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo triển khai phục vụ CNLĐ. Do đó, trong thời gian tới, các cấp công đoàn sẽ bám sát, kết nối giúp CNLĐ được tiếp cận. Đặc biệt ở cơ sở, công đoàn cần tìm hiểu kỹ về gói vay và kết nối đầu mối cho vay, giúp CNLĐ không phải tìm đến “tín dụng đen”.

Tổ chức công đoàn sẽ tiếp tục sâu sát trong việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của CNLĐ, chủ động hỗ trợ, giúp đỡ người đang thực sự khó khăn về tài chính. Trường hợp có CNLĐ gặp khó khăn đột xuất, công đoàn cơ sở cần đề nghị doanh nghiệp hỗ trợ phù hợp, hoặc đứng ra giới thiệu và bảo lãnh cho vay tại các tổ chức tín dụng hợp pháp.

MỸ HẠNH