Nhờ đó, cư dân các xã biên giới Vĩnh Xương, Phú Lộc, Tân Thạnh, Tân An, Vĩnh Hòa từng bước có được nghề nghiệp, việc làm ổn định. Các mô hình khuyến nông mà Trạm Khuyến nông TX. Tân Châu triển khai từng bước phát huy tác dụng, được nông dân tiếp thu và triển khai rất tốt.
Điển hình như gia đình ông Lê Văn Đủ (tổ 10, ấp Phú Yên, xã Phú Lộc), với mô hình nuôi dê. Năm 2021, ông Đủ theo học lớp khuyến nông cộng đồng do Trạm Khuyến nông TX. Tân Châu tổ chức. Bằng sự quyết tâm và lòng đam mê, ông ngày đêm tập hợp kiến thức, nghiên cứu thực tế tại các địa phương có phong trào nuôi dê phát triển. Khi đủ thông tin, ông tổ chức nuôi thử nghiệm. Ban đầu, ông nuôi 4 con dê thịt. Sau 6 tháng nuôi, dê của ông đạt trọng lượng hơn 30kg/con. Thời điểm này, dê hơi trên thị trường bắt đầu có giá tốt, được thương lái mua tại chuồng lên đến 140.000 đồng/kg.
Hộ ông Lê Văn Đủ (bìa trái) trở thành chủ trang trại nuôi dê
Nhận thấy thời cơ thuận lợi, ông Đủ quyết định tăng đàn để bán dê thịt lẫn dê giống. Mô hình của ông hướng tới là vừa chăn nuôi, vừa làm thương lái. Với phương thức này, sau 3 năm thực hiện, tổng đàn dê của ông lên gần 100 con, trở thành trang trại nuôi dê lớn nhất ở các xã biên giới của TX. Tân Châu. “Đối với nuôi bò, cần có đất rộng, vốn lớn, kinh nghiệm nhiều. Con bò có giá trị cao nên khi muốn bán nhanh để lấy tiền xoay xở cũng hơi khó. Trong khi 1 con dê giống chỉ từ 2 - 3 triệu đồng; dê thịt chỉ ở mức 3 - 6 triệu đồng/con, khi cần bán nhanh thì rất dễ bán” - ông Đủ chia sẻ.
Ông Trần Hiền Triết (cán bộ chăn nuôi và thú y xã Phú Lộc) cho biết, ông Đủ là người rất am hiểu về kỹ thuật, có cách chăm sóc tốt, nhờ đó đàn dê ít bệnh, hiệu quả cao. Ngoài hộ ông Đủ, ở xã Vĩnh Xương và Phú Lộc còn có 19 hộ khác cũng được học lớp khuyến nông nuôi dê hướng thịt và triển khai nuôi khá thành công. Phong trào nuôi dê hiện đã nhân rộng, đặc biệt là các xã có nhiều lao động nhàn rỗi.
Trưởng trạm Khuyến nông TX. Tân Châu Trần Phùng Anh Tuấn cho biết, để tạo sinh kế cho người dân, đơn vị phối hợp UBND các xã đẩy mạnh công tác khuyến nông trên lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi. Trong chăn nuôi, đơn vị thực hiện mô hình nuôi dê, bò, gà thả vườn, vịt xiêm Pháp, ếch, lươn, cá tra giống, cá heo (từ nuôi cá giống lên cá thương phẩm). Đối với lĩnh vực trồng trọt, ngoài khuyến nông trên cây xoài và các loại cây có múi, Trạm Khuyến nông thị xã còn kết hợp với doanh nghiệp trong và ngoài thị xã, thực hiện nhiều mô hình khuyến nông khác trên cây lúa, cây đậu bắp Nhật.
Từ những mô hình này, Trạm Khuyến nông thị xã nhân rộng cho nông dân thực hiện, giúp đời sống của nông dân nói chung, hộ nghèo nói riêng từng bước được nâng lên. Có việc làm ổn định, bà con hạn chế đi đai vác thuốc lá lậu. “Tôi tham gia mô hình “Canh tác lúa thông minh” của Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền, Trạm Khuyến nông TX. Tân Châu triển khai. Tôi thấy mô hình giúp giảm chi phí sản xuất trung bình 1,3 triệu đồng/ha, lợi nhuận tăng thêm 4,3 triệu đồng/ha so với lúa ngoài mô hình. Trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay, mô hình này được xem là hiệu quả” - ông Nguyễn Văn Sở (thành viên Hợp tác xã nông nghiệp Tân Hậu A1, xã Tân An) chia sẻ.
Mô hình “Canh tác lúa thông minh” được triển khai trên diện tích 15ha, với 4 hộ nông dân tham gia. Đây là mô hình canh tác mới, dựa trên quy trình sản xuất “1 phải, 6 giảm” và kết hợp phân tích chất đất trước khi gieo sạ. Nhờ kết quả phân tích, công ty sản xuất phân bón biết được vùng đất sắp gieo sạ lúa cần bổ sung chất dinh dưỡng gì để cây lúa phát triển tốt. Mô hình hiện đang tiếp tục được triển khai, nhân rộng.
Khuyến nông tạo sinh kế cho cư dân biên giới đã góp phần tạo thêm việc làm cho người dân, trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn. Công tác khuyến nông còn góp phần giúp sản xuất của nông dân thêm hiệu quả, tạo ra được nhiều sản phẩm nông nghiệp chất lượng, có giá trị, tăng thu nhập cho cư dân biên giới, để họ nói không với hành vi đi đai vác thuốc lá lậu, nói không với buôn lậu.
MINH HIỂN