Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Sĩ Lâm, diện tích cây ăn trái hiện nay trên địa bàn tỉnh khoảng 20.000ha, tổng sản lượng cả năm ước đạt hơn 350.000 tấn, với các loại cây chủ lực, gồm: Xoài, chuối, nhãn, cây có múi, sầu riêng… Thời gian qua, ngành nông nghiệp An Giang đã hỗ trợ hình thành nhiều vùng chuyên canh cây ăn trái tập trung; hỗ trợ cấp 514 mã số vùng trồng nội địa và xuất khẩu sang các thị trường: Hoa Kỳ, New Zealand, Úc, Hàn Quốc, Trung Quốc… Đây chính là điều kiện thuận lợi để các DN tham gia liên kết, tiêu thụ cây ăn trái của tỉnh trong thời gian tới.
Cũng theo ông Nguyễn Sĩ Lâm, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh An Giang, Sở NN&PTNT đã ban hành Kế hoạch Phát triển vùng sản xuất chuyên canh và Xúc tiến tiêu thụ sản phẩm cây ăn trái tỉnh An Giang năm 2024. Theo đó, sẽ chuyển đổi diện tích sản xuất lúa kém hiệu quả sang các loại cây ăn trái phù hợp theo vùng chuyên canh tập trung, với quy mô hơn 10.000ha trên toàn tỉnh, gồm các loại trái cây: Xoài, chuối cấy mô, sầu riêng, nhãn, cây có múi. Đồng thời, hỗ trợ các DN, hợp tác xã (HTX) đầu tư vào chế biến, bảo quản trái cây thông qua việc thúc đẩy, hình thành các dự án chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm trái cây trên toàn tỉnh.
Ký kết bản thỏa thuận ghi nhớ hợp tác giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã trong việc liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cây ăn trái
Trong công tác liên kết, tiêu thụ cây ăn trái, Sở NN&PTNT đã kết nối với các DN: Hoàng Phát fruit, Vina T&T, Cát Tường, Hoàng Phan, Nafood… tham gia bao tiêu xoài với diện tích 8.948ha. Đến nay, đã mở rộng thêm diện tích vùng chuyên canh xoài thêm 430ha. Riêng các loại cây ăn trái khác, như: Chuối cấy mô, nhãn, sầu riêng, cây có múi… đều có sự gia tăng về diện tích.
Nhằm tăng cường liên kết, mở rộng thị trường tiêu thụ cho trái cây An Giang, Sở NN&PTNT phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị liên kết và xúc tiến, tiêu thụ cây ăn trái tỉnh An Giang năm 2024. Hội nghị đã mở ra cơ hội để các công ty, DN đầu tư, gắn kết HTX, tổ hợp tác (THT) sản xuất cây ăn trái với sự đồng hành của ngành nông nghiệp và các sở, ngành liên quan, nhằm hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững cây ăn trái của tỉnh trong thời gian tới.
Thông qua hội nghị, đã ghi nhận các ý kiến của cơ quan, DN, đại diện các THT, HTX về những khó khăn, vướng mắc trong liên kết, tiêu thụ trái cây; cung cấp thông tin về các hàng rào kỹ thuật giúp cho HTX, THT sản xuất cây ăn trái mạnh dạn áp dụng các biện pháp kỹ thuật đáp ứng chỉ tiêu, yêu cầu của những thị trường khắt khe, tạo sự thuận lợi cho việc xuất khẩu, nâng cao giá trị sản phẩm.
Là người trực tiếp tham gia hội nghị, ông Lê Hữu Thống (ngụ xã Mỹ Phú Đông, huyện Thoại Sơn) nhận định, đây là cơ hội để ông tiếp cận với các đối tác tiêu thụ thanh nhãn. Ông Thống cho biết, đang canh tác 50 công thanh nhãn, với năng suất khoảng 35 tấn/năm. Qua quá trình đưa cây thanh nhãn từ Bạc Liêu về An Giang, ông nhận thấy cây thích nghi tốt, phẩm chất ngon không thua nơi nó sinh ra. Điều ông mong mỏi chính là kết nối được đầu ra ổn định, để đưa trái thanh nhãn trên vùng đất Thoại Sơn đến với những thị trường tiềm năng hơn.
Tăng cường liên kết và xúc tiến tiêu thụ để đưa trái cây An Giang ra “biển lớn”
Nêu ý kiến về mục tiêu liên kết tiêu thụ trái cây của tỉnh, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư An Giang Lê Trung Hiếu cho biết, đơn vị sẽ tăng cường kết nối, tìm kiếm đối tác quan tâm tới lĩnh vực chế biến sản phẩm từ cây ăn trái đến An Giang đầu tư. Đồng thời, phối hợp Thương vụ Việt Nam tại các nước, Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công thương) thường xuyên cung cấp thông tin thị trường, nhu cầu kết nối mặt hàng cây ăn trái của An Giang đến các đối tác. Cùng với đó, sẽ nghiên cứu, phối hợp các ngành, địa phương nghiên cứu phát triển một số vùng trồng cây ăn trái có tiềm năng, lợi thế gắn kết với hoạt động du lịch sông nước, du lịch trải nghiệm…
Nhằm tiếp tục thực hiện mục tiêu đưa sản phẩm cây ăn trái của tỉnh vươn đến các thị trường tiềm năng, Sở NN&PTNT sẽ phối hợp Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) khẩn trương khảo sát, đánh giá và cấp chứng nhận mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói cho các chủ thể theo quy định, nhằm xây dựng vùng chuyên canh quy mô lớn, đáp ứng nhu cầu của DN tham gia liên kết, tiêu thụ cây ăn trái tại các địa phương.
Bên cạnh đó, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về sản xuất cây ăn trái theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP để nâng cao chất lượng sản phẩm phục vụ thị trường trong nước, quốc tế. Tiếp tục tham mưu, xây dựng kế hoạch phát triển hệ thống bảo quản, sơ chế và chế biến theo Chương trình phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh An Giang, giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến 2030. Thường xuyên gặp gỡ, trao đổi với DN, kịp thời nắm bắt, ghi nhận các khó khăn, vướng mắc để tham mưu, đề xuất cấp thẩm quyền tháo gỡ, hỗ trợ DN đầu tư, liên kết tiêu thụ cây ăn trái. Chú trọng tham mưu, mời gọi DN đầu tư nhà máy sơ chế, chế biến sản phẩm trái cây nhằm nâng cao giá trị, cải thiện đời sống nông dân…
THANH TIẾN