Tăng cường phòng, chống xâm hại trẻ em

24/05/2023 - 06:50

 - Nhằm nâng cao hiệu quả phòng, chống xâm hại cho trẻ em tại địa bàn dân cư, tạo môi trường an toàn cho các em trưởng thành và phát triển, việc tập huấn cho cán bộ phụ trách công tác thiếu nhi, giáo viên - tổng phụ trách đội, giáo viên phụ trách tư vấn tâm lý học đường là cần thiết.

Chia sẻ kiến thức phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em

Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội An Giang, 4 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh xảy ra 32 trường hợp xâm hại tình dục trẻ em. Phần lớn nạn nhân là trẻ em gái, độ tuổi từ 12 - 14; có trường hợp trẻ em nam bị xâm hại đồng tính. Thủ đoạn của đối tượng xâm hại ngày càng liều lĩnh, manh động. Đặc biệt, xuất hiện nhiều vụ xâm hại thông qua mạng xã hội.

Trước tình hình đó, đầu năm nay, Tỉnh đoàn, Hội đồng Đội tỉnh, Câu lạc bộ tư vấn, trợ giúp trẻ em tỉnh phối hợp các sở, ngành tổ chức diễn đàn “Lắng nghe trẻ em nói” tại TX. Tịnh Biên và huyện Châu Phú. Qua đó, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, lắng nghe vấn đề các em quan tâm, phản ánh. Từ đó tư vấn, hướng dẫn, giải đáp thắc mắc và bổ sung kiến thức cho các em tự bảo vệ mình.

Song song đó, Tỉnh đoàn phối hợp nhiều đơn vị tập huấn cho cán bộ phụ trách các trường THCS trên địa bàn tỉnh, với mong muốn trang bị nhiều hơn kiến thức chuyên sâu về phòng, chống xâm hại trẻ em; giáo viên có thêm kỹ năng về truyền thông tại đơn vị, có khả năng hoàn thành tư vấn tâm lý cho trẻ…

Tại buổi tập huấn, BS Nguyễn Tấn Thủ (TP. Hồ Chí Minh) chỉ ra: “Xâm hại tình dục trẻ em là vấn nạn nhức nhối hiện nay. Do vậy, bên cạnh việc tích cực tuyên tuyền phòng, chống xâm hại trẻ em trên địa bàn dân cư, trong học đường, điều quan trọng và mấu chốt là làm sao thay đổi quan điểm chưa đúng đắn của xã hội xoay quanh xâm hại tình dục. Đó là việc thiếu hiểu biết quy định của pháp luật, về Luật Trẻ em, về tâm sinh lý tuổi vị thành niên.

Bởi, trong các vụ việc xảy ra, đôi khi nạn nhân không biết mình là nạn nhân, thủ phạm không biết mình đang phạm tội; hay người lớn thờ ơ trước những quan tâm về giới tính của học sinh cấp 1, cấp 2. Đến khi trẻ tự tìm hiểu và “đi quá đà” thì xảy ra chuyện không hay. Hoặc ngay khi xảy ra vụ việc bị xâm hại, nạn nhân và gia đình không dám tố cáo, e ngại sự đánh giá của xã hội lên ngay chính nạn nhân, làm trẻ nhỏ tổn thương thêm, gây nhiều vấn đề tâm lý phức tạp…”.

Do vậy, theo BS Nguyễn Tấn Thủ, người lớn cần nhìn nhận thẳng thắn chuyện giáo dục giới tính sớm cho trẻ, để trẻ hiểu về bản thân, nhận dạng dấu hiệu quấy rối tình dục, lạm dục tình dục, tấn công tình dục, cưỡng hiếp, bóc lột tình dục…

Đồng thời, hướng dẫn trẻ nói "không" khi cảm thấy không thoải mái, không an toàn, dù đó là trong mối quan hệ với người thân khác giới. Hãy hướng dẫn các em kỹ năng tự phòng vệ bản thân; thông báo (cho cha mẹ, thầy cô giáo, người lớn mà các em cảm thấy tin tưởng, an toàn) về vấn đề đang gặp phải.

Trường hợp các em đã bị xâm hại, quá trình lấy thông tin và điều tra vụ việc không được lặp đi lặp lại quá nhiều lần, sẽ tăng thêm nỗi đau, tâm lý mặc cảm, tự ti cho trẻ. Bên cạnh việc tìm lại công lý cho trẻ, điều rất cần thiết là người thân cần có giải pháp chữa lành tổn thương, giúp trẻ sớm ổn định tâm lý, hòa nhập tốt với môi trường học tập, vui chơi cùng bè bạn.

Truyền tải thông điệp, góc nhìn mới về vấn đề xâm hại tình dục trẻ em, các chuyên gia tâm lý, bác sĩ chuyên ngành mong rằng giáo viên - tổng phụ trách đội, người làm công tác tư vấn học đường sẽ được trang bị thêm kiến thức, nâng cao năng lực bảo vệ, chăm sóc trẻ em trước các vấn nạn liên quan đến trẻ. Từ đó, giúp các em thích ứng với những thay đổi, thích nghi mọi hoàn cảnh, ứng xử đúng với cộng đồng và giải quyết tốt tình huống gặp phải trong đời sống xã hội.

NGỌC GIANG