Vai trò của hợp tác xã trong liên kết chuỗi giá trị

31/07/2023 - 05:29

 - Các hợp tác xã (HTX) có vai trò cầu nối giữa nông dân và doanh nghiệp (DN) để liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, nâng cao thu nhập cho thành viên. Tỉnh đặc biệt chú trọng phát triển các mô hình liên kết HTX, coi đây là động lực quan trọng trong việc tái cơ cấu, liên kết, mở rộng quy mô, tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp.

Hỗ trợ các hợp tác xã đổi mới, cơ giới hóa, đa dạng dịch vụ, gắn với liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản

An Giang là một trong những tỉnh sản xuất lúa gạo trọng điểm của vùng ĐBSCL và cả nước. Bằng những kế hoạch đột phá, trong đó có việc tiên phong xây dựng “Cánh đồng lớn” sản xuất lúa đã tạo ra một lượng lớn nông sản chất lượng cho xuất khẩu.

Hiện nay, hầu hết “Cánh đồng lớn” được các HTX tham gia cung ứng dịch vụ, sản xuất theo đặt hàng của DN, góp phần phát triển ngành hàng chủ lực và tăng thu nhập cho người dân. Kết quả đó có liên quan mật thiết đến sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh phát triển các loại hình kinh tế hợp tác, HTX tham gia liên kết theo chuỗi giá trị ngành hàng chủ lực.

Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Hinh cho biết, để đẩy mạnh liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ động ký kết kế hoạch phối hợp với các đơn vị cấp tỉnh, như: Sở Công Thương, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và đầu tư tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Liên minh HTX tỉnh, Ngân hàng nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh, Tỉnh đoàn, UBMTTQVN tỉnh…

Trong đó, xác định công tác tuyên truyền là giải pháp cốt lõi với phương châm “mưa dầm, thấm sâu” và không được nản. Đó còn là tinh thần gương mẫu tham gia của lực lượng cán bộ trên địa bàn.

“Trong mối liên kết, vai trò của HTX là mắc xích đặc biệt quan trọng và là cầu nối không thể thiếu. Tuy nhiên, An Giang cùng chung cảnh ngộ với các tỉnh bạn, đó là qua rất nhiều năm hỗ trợ phát triển, nhưng số HTX nằm trong nhóm khá, tốt chỉ chiếm hơn 50%. Số còn lại “Giậm chân tại chỗ” với dịch vụ bơm, tưới tiêu, không thể tham gia tổ chức sản xuất cùng người dân, không thể lập được phương án kinh doanh khả thi. Các HTX điều hành chủ yếu theo kinh nghiệm và ngại thay đổi, nên chưa mang lại cho người dân những lợi ích thiết thực. Do đó, việc liên kết chậm phát triển theo…” - ông Hinh chia sẻ.

Với quyết tâm giúp các HTX thoát khỏi vòng luẩn quẩn, An Giang đã tăng cường lực lượng quản trị kinh doanh trong HTX. Dưới sự hỗ trợ của Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, đã bố trí được nhân sự của DN vào 37 HTX, 2 liên hiệp. Tại những HTX này, bước đầu đã có những chuyển biến rõ rệt. Đồng thời, được bố trí các nhân sự trẻ cho 60 HTX đang thiếu nguồn nhân lực chuyên nghiệp. Năm 2022, tỉnh có 63 HTX và 2 liên hiệp và 180 tổ hợp tác thực hiện liên kết sản xuất hiệu quả với DN, với diện tích khoảng 123.000ha.

Các HTX luôn đa dạng liên kết, đáp ứng theo yêu cầu của nông dân, như: Tập đoàn Lộc Trời phát triển vùng nguyên liệu gắn với công nghệ cao; cam kết lợi nhuận đối với nông dân; ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa từ đầu đến cuối vụ, giúp tiết kiệm lượng giống, giảm phân bón, công lao động, chi phí sản xuất… so với truyền thống từ 20 - 30%.

Tiêu biểu như HTX An Phước Lộc (xã Lương An Trà, huyện Tri Tôn) hướng dẫn thành viên liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản với Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời và nhiều DN khác sản xuất lúa giống OM18 và OM5451. Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX An Phước Lộc Cao Văn Tiền cho hay, đặc biệt với mô hình “Mặt ruộng không dấu chân” được cơ giới hóa hoàn toàn, sử dụng máy bay không người lái (drone) trong gieo sạ lúa, rải phân và phun thuốc cho đến thu hoạch. Từ đó, lợi nhuận cao hơn sản xuất truyền thống từ 10 - 15%, bà con nông dân yên tâm canh tác.

Theo ông Nguyễn Văn Hinh, kết quả trong liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản hiện nay chưa được như kỳ vọng. Quy mô sản xuất của nông dân còn nhỏ lẻ, rời rạc, chưa tham gia vào tổ chức đại diện như tổ hợp tác, HTX để tham gia liên kết. Người dân cho rằng, không tham gia liên kết vẫn có thể bán được giá tốt, không cần theo nhiều tiêu chuẩn rắc rối. Nhân sự của DN tham gia liên kết được bố trí làm việc ở HTX, nhưng chưa được hội đồng quản trị phát huy hiệu quả. Còn DN chưa thực sự quan tâm xây dựng vùng nguyên liệu liên kết sản xuất với nông dân và HTX như đã ký kết, gây nhiều khó khăn trong vận động nông dân của các cơ quan, đoàn thể địa phương.

Để phát triển các dịch vụ HTX, định hướng đến năm 2025, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường thực hiện tuyên truyền về Luật HTX, các văn bản liên quan về phát triển kinh tế tập thể HTX và liên kết sản xuất của tỉnh để nâng cao nhận thức cho đội ngũ công chức, viên chức ngành nông nghiệp, thành viên HTX, đặc biệt là người dân. Cùng với đó, thực hiện có hiệu quả Nghị định 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ về liên kết sản xuất cùng với các văn bản cụ thể hóa của tỉnh, tập trung các chính sách của ngành vào HTX, hướng đến giúp HTX tạo ra sự khác biệt so sánh với nông dân.

Ngành nông nghiệp đang hướng đến hình thành các HTX điểm ở mỗi địa phương về tổ chức sản xuất và liên kết với DN để nhân rộng. Trong đó, tạo môi trường khuyến khích DN tham gia HTX bằng nhiều hình thức, như: Góp vốn, cử nhân sự hoạt động kinh doanh, tư vấn kỹ thuật… Đồng thời, hỗ trợ HTX thành lập liên hiệp, tập hợp những HTX tiềm năng sử dụng dịch vụ của nhau, hình thành liên kết ngang và quy mô lớn với sản lượng đủ sức cạnh tranh trên thị trường.

HOÀI ANH