An Giang chủ động ứng phó với hạn, mặn

26/03/2021 - 02:36

 - Trước tình hình nắng nóng, khô hạn, khả năng xâm nhập mặn, Ban Chỉ đạo Ứng phó với biến đổi khí hậu - phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (gọi tắt là Ban Chỉ đạo) tỉnh An Giang yêu cầu các sở, ngành địa phương theo dõi sát tình hình, ứng phó trên tinh thần chủ động. Khi cần thiết, triển khai nhanh các giải pháp công trình nhằm đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất, ổn định đời sống dân sinh.

Ảnh hưởng sản xuất

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo tỉnh, do tình hình mực nước trên các kênh, rạch xuống thấp kèm theo nắng nóng, gây khó khăn cho công tác bơm tưới, có khả năng ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của các địa phương, nhất là vùng núi Tri Tôn, Tịnh Biên và vùng đất gò cao ở các địa phương: An Phú, Phú Tân, TP. Châu Đốc, TX. Tân Châu. Các hộ dân ở vùng cao ven các đồi núi, vùng đồng bằng, đặc biệt là vùng Bảy Núi có khả năng thiếu nước sinh hoạt cục bộ. Trường hợp mặn từ tỉnh Kiên Giang xâm nhập vào sâu trong nội đồng, có khả năng ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của 2 huyện Tri Tôn và Thoại Sơn.

Chủ động phương án bảo vệ sản xuất vùng nuôi thủy sản

Trước tình hình trên, tỉnh và các địa phương đã củng cố, phân công nhiệm vụ cho từng thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh, Ban Chỉ huy Ứng phó biến đổi khí hậu - phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp; triển khai thực hiện kế hoạch phòng, chống hạn và xâm nhập mặn của địa phương theo phương châm “4 tại chỗ” để chủ động ứng phó.

Vụ đông xuân 2020-2021, ngành nông nghiệp đã tổ chức sản xuất phù hợp với thực trạng nguồn nước; vụ hè thu 2021 đang triển khai theo hướng ứng phó phù hợp với diễn biến khô hạn, xâm nhập mặn và chia sẻ nguồn nước với vùng hạ lưu. Đối với người dân, được tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng nước tiết kiệm trong sinh hoạt và sản xuất (áp dụng quy trình “1 phải, 5 giảm” trong sản xuất lúa); ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các trường hợp tự ý ngăn chặn, đắp, đào xẻ kênh lấy nước không theo kế hoạch tưới.

Để hạn chế ảnh hưởng do khô hạn, ngành nông nghiệp tiếp tục thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng đối với những vùng thiếu nước tưới, chuyển đổi lúa sang cây trồng cạn diện tích 1.287ha (Tri Tôn 1.157ha, TP. Châu đốc 130ha). Đồng thời, sẵn sàng công tác bơm chuyền để cấp nước phục vụ sản xuất; sẵn sàng phương án vận chuyển nước phục vụ sinh hoạt cho các hộ dân bị thiếu nước cục bộ ở vùng núi Tri Tôn và Tịnh Biên (nếu xảy ra thiếu nước).

Hiện nay, các ngành chức năng thường xuyên kiểm tra, theo dõi độ mặn tại các kênh giáp ranh Kiên Giang, các nguồn lấy nước của nhà máy cấp nước sinh hoạt để chủ động vận hành công trình cấp nước hợp lý. Đồng thời, phối hợp tỉnh Kiên Giang vận hành hệ thống thủy lợi trong vùng Tứ giác Long Xuyên, đặc biệt các cống vùng ven biển tỉnh Kiên Giang phục vụ ngăn mặn, trữ ngọt cho vùng (An Giang, Kiên Giang, TP. Cần Thơ).

Đảm bảo sản xuất, sinh hoạt

Ban Chỉ đạo tỉnh yêu cầu Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi và Trạm Thủy lợi liên huyện phối hợp địa phương triển khai biện pháp vận hành hệ thống cống hợp lý để điều tiết, trữ nước vào kênh rạch tạo nguồn phục vụ cho sản xuất. Bên cạnh đó, thường xuyên kiểm tra và có phương án bảo đảm nguồn nước không ô nhiễm cho khoảng 2.000ha nuôi trồng thủy sản, nhất là vùng nuôi tôm càng xanh tại xã Phú Thuận (Thoại Sơn), xã Vĩnh Thạnh Trung (Châu Phú) và khu vực sông Cái Vừng (Phú Tân) hoặc có phương án di dời đến nơi an toàn.

Nhằm kịp thời chống hạn, phục vụ sản xuất vụ đông xuân 2020-2021 và hè thu 2021, các huyện, thị xã, thành phố và Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi An Giang đã chủ động lập kế hoạch triển khai phòng, chống hạn, xâm nhập mặn, bảo vệ sản xuất với diện tích gieo trồng lúa, màu trên 250.000ha.

Trong đó có khoảng 180 công trình kênh, mương với kinh phí nạo vét trên 126 tỷ đồng. Đối với vùng cao của 2 huyện Tri Tôn và Tịnh Biên, khi có nhu cầu dùng nước lớn do nắng hạn, thực hiện bơm chuyền cấp II, cấp III và bơm vượt định mức cho khoảng 5.649ha đất sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer. Đối với vùng đồng bằng còn lại, khi hạn gay gắt xảy ra, phải bơm chuyền cấp II, cấp III và bơm vượt định mức cho khoảng 6.750ha đất vùng gò cao.

Trường hợp mặn từ tỉnh Kiên Giang xâm nhập vào sâu trong nội đồng do sự cố bất khả kháng, có khả năng ảnh hưởng đến diện tích sản xuất nông nghiệp của huyện Tri Tôn (xã Lương An Trà, Ô Lâm, Tân Tuyến, Cô Tô, Vĩnh Phước, Vĩnh Gia), Thoại Sơn (xã Bình Thành, Thoại Giang, thị trấn Núi Sập), huyện Tịnh Biên (có khả năng bị thiếu nước do ảnh hưởng của hạn hán), có thể triển khai đắp 63 đập tạm khi cần.

Trường hợp thiếu nước sinh hoạt, sẽ triển khai khẩn cấp việc đấu nối tuyến ống cấp nước sinh hoạt để phục vụ cho người dân; riêng thiếu nước sinh hoạt cục bộ, nhỏ lẻ ở vùng cao Tri Tôn và Tịnh Biên, có thể tiến hành ngăn các đập tạm để trữ nước, thực hiện chuyển nước để cấp nước cho người dân, không để thiếu nước sinh hoạt và bùng phát dịch bệnh do hạn hán kéo dài.

Tỉnh sẽ cải tạo, nâng dung tích hiệu dụng của 3 hồ thủy lợi vùng cao là Ô Thum, Soài Chek và Ô Tuk Sa để phục vụ sản xuất và chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở huyện Tri Tôn và Tịnh Biên với diện tích phục vụ sau hồ trên 500ha (Tri Tôn 200ha, Tịnh Biên 300ha). Từ nguồn Trung ương hỗ trợ, tỉnh sẽ đầu tư xây dựng mới thêm 3 hồ chứa nước vùng cao, gồm 2 hồ ở Tri Tôn (Núi Dài 2, Cô Tô) và 1 hồ ở Tịnh Biên (Tà Lọt) với dung tích 1,07 triệu m3. Riêng trạm bơm Văn Giáo (Tịnh Biên), sau khi đầu tư hoàn thành sẽ phục vụ sản xuất 1.700ha, cung cấp nước sinh hoạt và phòng, chống cháy rừng.

NGÔ CHUẨN