Liên kết là hướng đi tất yếu trong nông nghiệp

17/05/2023 - 05:55

 - Những thăng trầm của hàng nông sản thời gian qua chứng tỏ việc xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ trong nông nghiệp là hướng đi cần thiết. Đặc biệt, khi sức ép cạnh tranh ngày một gay gắt, tác động của thời tiết cực đoan, giá nguyên vật liệu tăng cao... thì sản xuất nông nghiệp an toàn theo chuỗi liên kết là giải pháp giúp nhà nông nâng cao giá trị sản phẩm và phát triển bền vững.

Hiệu quả cho nông dân

Gia đình ông Phan Văn Giáo (ngụ ấp Phú Quới, xã Phú Thành, huyện Phú Tân) có 4ha đất trồng nếp. Tuy nhiên, ông nhận thấy sản xuất tự túc khá bất lợi. “Nhiều vụ thấy đầu ra sản phẩm không ổn định, giá cả bấp bênh. Khi đã chốt giá thu mua, nếu không may gặp thời tiết bất lợi hoặc giá cả xuống thấp, thương lái theo đó nhận giá, ép giá, thậm chí không thu mua…” - ông Giáo chia sẻ. Được hội nông dân và địa phương tuyên truyền, vận động liên kết sản xuất với công ty, doanh nghiệp (DN) gắn với tiêu thụ sản phẩm, ông mạnh dạn tham gia.

Tính đến vụ đông xuân 2022 - 2023, đã 3 vụ liên tiếp ông Giáo tham gia hợp đồng với Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời. Ông cho hay, mặt tích cực khi có DN liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa, nếp với nông dân là giá cả cạnh tranh hơn, đầu ra ổn định, hạn chế bất cập do sản xuất tự túc. Trong quá trình sản xuất, công ty cử cán bộ “3 cùng” thường xuyên thăm đồng, kịp thời hướng dẫn nông dân sản xuất, phòng trừ sâu bệnh.

Tại ấp Long Thạnh 2 (xã Long Hòa, huyện Phú Tân), Tổ hội nông dân nghề nghiệp liên kết tiêu thụ sản phẩm nếp 4625 với Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, có 42 thành viên tham gia, diện tích sản xuất 100ha. Ông Phạm Văn Hùng (Tổ trưởng) cho biết, qua 5 vụ liên kết, hoạt động của tổ giúp các thành viên thực hiện chuỗi liên kết sản xuất đúng theo hợp đồng. Từ đó, ổn định đầu ra, tránh bị thương lái ép giá cũng như tình trạng trúng mùa, mất giá như nhiều năm trước.

Liên kết giúp nông dân canh tác lúa, nếp đạt nhiều lợi ích để phát triển bền vững

“Để chuỗi liên kết bền vững, nâng cao giá trị nông sản và nhân rộng diện tích trong thời gian tới, tổ đang vận động, tuyên truyền nông dân có đất liền kề tham gia. Trong đó, bà con khá tâm đắc việc liên kết theo chuỗi sản xuất tiêu chuẩn của Liên minh Châu Âu (EU) để thay đổi tập quán canh tác, giảm chi phí, tăng lợi nhuận, nâng giá trị sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường hiện nay” - ông Hùng thông tin.

Cần thêm quyết tâm, đồng thuận

Nông dân trồng lúa, nếp tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ cho rằng, họ yên tâm khi công ty chốt giá thu mua, luôn thực hiện đúng, kể cả khi bị ảnh hưởng thời tiết. Tuy nhiên, quá trình thực hiện hợp đồng liên kết còn một số khó khăn, vướng mắc, như: Việc xác định giá thị trường, thời gian thu hoạch, thanh toán tiền cho nông dân sau thu hoạch chậm, vật tư do công ty cung cấp có giá cao hơn thị trường…

Nông dân kiến nghị công ty tham gia liên kết cần có cơ chế thông thoáng hơn để việc thu mua thuận lợi, đảm bảo gắn kết lâu dài giữa các bên. Bên cạnh đó, địa phương cần quan tâm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện hợp đồng giữa công ty với nông dân.

Vụ đông xuân 2022 - 2023, toàn huyện Phú Tân có hơn 6.000ha lúa, nếp được liên kết, cao hơn diện tích cùng kỳ trên 2.390ha. Tuy nhiên, diện tích thu mua đạt tỷ lệ thấp, một số nơi còn chậm. UBND huyện Phú Tân sơ kết liên kết tiêu thụ nông sản, với sự tham dự của lãnh đạo cấp tỉnh, huyện và đại diện DN.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Tân Nguyễn Quốc Bảo, sự quan tâm, nỗ lực của các ngành, các cấp, hiệu quả thực tế của quá trình thực hiện liên kết thời gian qua mang lại rất rõ rệt. Nông dân chuyển biến tích cực trong tư duy, dần thay đổi tập quán sản xuất truyền thống. Vụ hè thu, huyện đặt mục tiêu liên kết lúa, nếp 12.000ha. Trong đó, liên kết với Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời 10.000ha, các DN khác 2.000ha.

“Những vấn đề thuận lợi, vướng mắc cũng được nêu rõ, phân tích đầy đủ; đề ra nhiều giải pháp quan trọng giúp tăng cường liên kết. Địa phương tin tưởng rằng, việc thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản sẽ thu hút đông đảo nông dân tham gia, ngày càng được nhân rộng” - ông Nguyễn Quốc Bảo nhấn mạnh.

UBND huyện chỉ đạo ngành nông nghiệp tranh thủ sự hỗ trợ từ sở, ngành tỉnh để được hướng dẫn tham gia chương trình, mô hình liên kết hiệu quả với DN uy tín. Các hội đoàn thể, xã, thị trấn phối hợp, kịp thời nắm bắt khó khăn trong quá trình liên kết. Đồng thời, tiếp tục tuyên truyền, vận động nông dân tham gia liên kết; củng cố, nâng chất hợp tác xã, tổ hợp tác hoạt động hiệu quả.

Trong nội dung ký kết giữa Liên minh Hợp tác xã, Hội Nông dân tỉnh và UBND huyện Phú Tân (giai đoạn 2023 - 2025), việc liên kết sản xuất cũng được quan tâm. Phấn đấu đến năm 2025, trên địa bàn huyện có ít nhất 5ha (lúa, nếp, rau màu) sản xuất hữu cơ. Đồng thời, định hướng vùng sản xuất chuyên canh lúa, nếp 20.000ha, vùng sản xuất lúa chất lượng cao đạt khoảng 2.000ha/năm. Về đầu ra của nông sản, các đơn vị phối hợp phấn đấu diện tích hợp tác và liên kết với DN từ 25.000ha/năm trở lên; thí điểm 1 - 2 mô hình chuyển đổi số…

MỸ HẠNH