Phát triển thủy sản bền vững

25/02/2022 - 06:34

 - Khi kinh tế trong nước và thế giới phục hồi sau đại dịch COVID-19, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm tăng cao. Đây là cơ hội để ngành thủy sản An Giang phục hồi, phát triển, đặc biệt là con cá tra - loài cá đặc hữu vùng ĐBSCL nhưng chủ yếu phát triển mạnh ở tỉnh An Giang, Đồng Tháp.

Các vùng nuôi cá tra đẩy mạnh sản xuất

Việc đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu do đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu cá tra của các doanh nghiệp (DN) An Giang. Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 19 DN với 21 nhà máy chế biến cá tra, công suất chế biến đạt 323.420 tấn/năm.

Năm 2021, tình trạng thu hoạch, vận chuyển, xuất khẩu khó khăn đã khiến giá cá tra nguyên liệu giảm sâu. Giá bán cá tra thương phẩm thường ở mức 20.000-23.800 đồng/kg (kích cỡ cá từ 0,8-1,2kg/con); giá bán cá tra giống chỉ 21.000-31.000 đồng/kg (loại 15-30 con/kg). Sản lượng xuất khẩu thủy sản năm 2021 đạt 113.700 tấn, tương đương 274,67 triệu USD, giảm 2,75% về sản lượng và giảm 2,58% về kim ngạch so năm 2020.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang (NN&PTNT), năm 2021, tổng sản lượng thủy sản nuôi trồng của tỉnh đạt 520.000 tấn (giảm 6.000 tấn so năm 2020). Trong đó, sản lượng cá tra 420.000 tấn (giảm 14.000 tấn), các loại cá khác 89.000 tấn, tôm càng xanh 19 tấn và thủy sản khác khoảng 2.300 tấn. Riêng con giống sản xuất được 3,5 tỷ con (cá tra 1,8 tỷ con, tăng 192 triệu con; các loại giống thủy sản khác 1,7 tỷ con).

Dự báo khó khăn của ngành cá tra chỉ là tạm thời, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tích cực hỗ trợ để chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi. Năm 2021, ngành chuyên môn đã cấp giấy chứng nhận cho 23 cơ sở sản xuất cá bột, ương dưỡng cá giống; cấp 97 giấy xác nhận đăng ký đối tượng nuôi chủ lực cá tra cho 260 vùng nuôi, với tổng diện tích cấp, cấp lại là 897ha.

Đồng thời, thẩm định cấp giấy đủ điều kiện an toàn thực phẩm (ATTP) đối với 19 cơ sở, cấp 18 giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP, thực hiện thẩm định định kỳ cho các cơ sở đến hạn, cam kết ATTP cho 87 ghe vận chuyển. Đến nay, có 477ha diện tích nuôi thủy sản đạt chứng nhận các tiêu chuẩn (ASC 91ha, VietGAP 386ha), sản lượng 148.000 tấn/năm (chiếm 32,2% diện tích vùng nuôi).

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT An Giang Trương Kiến Thọ cho biết, An Giang đang tích cực triển khai Đề án liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng ĐBSCL (theo Quyết định 987/QĐ-BNN-TCTS, ngày 20-3-2018 của Bộ NN&PTNT). Hoạt động của chuỗi liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp tỉnh An Giang được tỉnh triển khai tích cực.

Đến nay, năng lực sản xuất và cung cấp khoảng 4,5-5 tỷ cá tra bột và khoảng 500-600 triệu cá tra giống. Kế hoạch giai đoạn 2022-2025, sẽ đăng ký nhận thêm 22.000 con cá tra hậu bị chọn giống. Đối với đàn cá tra bố mẹ, hậu bị chất lượng cao tiếp nhận từ Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II, có 2.300 con đang tham gia sinh sản với số lượng cá bột là 800 triệu con.

Bộ NN&PTNT đã ký Quyết định 4667/QĐ-BNN-TCTS, ngày 18-11-2020 về phê duyệt Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng vùng sản xuất giống cá tra tập trung tỉnh An Giang, quy mô 350ha tại xã Mỹ Phú và Bình Phú (huyện Châu Phú). Dự án đang thực hiện thiết kế bảo vệ thi công dự toán, dự kiến tháng 3-2022 sẽ trình thẩm định và phê duyệt để thực hiện các bước tiếp theo.

Theo ông Thọ, tỉnh An Giang đang tiếp tục hỗ trợ về kỹ thuật, cơ sở pháp lý cho 4 DN tham gia vào đề án cá tra 3 cấp để tiếp tục xây dựng các vùng ương giống tập trung có tổng diện tích 452,3ha, năng lực sản xuất hàng năm gần 1,84 tỷ con giống và 1,6 tỷ con cá hương. Đối với vùng ương giống tập trung của Công ty Cổ phần cá tra Việt Úc, dự kiến sẽ bố trí sản xuất giống và cung cấp ra thị trường trong năm 2022  khoảng 50 triệu con giống. Trong khi đó, vùng ương giống tập trung của Công ty TNHH MTV nuôi trồng thủy sản Nam Việt Bình Phú hiện hoàn thiện cơ sở vật chất khu sản xuất, ương dưỡng trong ao lót bạt và đã thực hiện sản xuất, ương dưỡng giống để tự cung cấp một phần con giống cho nhu cầu nuôi của công ty.

Đối với vùng ương giống tập trung của Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn đang triển khai thi công cơ sở hạ tầng, dự kiến các công trình hoàn thành trong quý I-2022. Trước đó, ngày 14-5-2021, UBND tỉnh đã có Quyết định 1013/QĐ-UBND phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án “Chọn lọc giống cá tra chất lượng cao Vĩnh Hoàn”, dự án đang trong giai đoạn thu dọn mặt bằng, triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng. Đối với vùng ương giống tập trung của Công ty TNHH Lộc Kim Chi, DN hiện đã giải phóng mặt bằng và đang thực hiện thi công được 86/350ha, chủ yếu đang nuôi thương phẩm.

Thời điểm đầu năm 2022 đến nay, giá cá tra nguyên liệu đang khởi sắc trở lại, nguồn cung cá giống không còn nhiều do nhiều hộ dân và DN bước vào đợt thả nuôi cá nên nhu cầu cá giống tăng cao. Giá bán cá tra thương phẩm hiện dao động mức 27.000-30.000 đồng/kg (kích cỡ cá từ 0,8-1,2kg/con), kéo theo giá bán cá tra giống tăng lên 38.000-42.000 đồng/kg (loại 25-30 con/kg).

Đây là tín hiệu khởi sắc cho thấy, khi thế giới và trong nước đang dần thích ứng với đại dịch COVID-19, cá tra có cơ hội phục hồi và phát triển. Nắm bắt cơ hội này, năm 2022, tỉnh có kế hoạch sản xuất gần 3,64 tỷ con giống (tăng 5% so năm 2021), trong đó cá tra hơn 1,87 tỷ con giống (tăng 6%), giống thủy sản khác 1,68 tỷ con (tăng 3%).

Ước sản lượng thủy sản năm 2022 khoảng 564.000 tấn (nuôi trồng 549.500 tấn, tăng 7%; sản lượng khai thác 14.500 tấn, không tăng). Trong đó, cá tra 459.000 tấn (tăng 6%); cá rô phi, điêu hồng 28.237 tấn (tăng 2%); cá lóc 31.704 tấn (tăng 5%); cá khác 27.833 tấn (tăng 1%); thủy sản khác 2.400 tấn (tăng 2% so năm 2021).

NGÔ CHUẨN