Việc chuyển đổi sang trồng cây ăn trái cho giá trị kinh tế cao hơn
Chuyển đổi hiệu quả
Nhiệm kỳ 2015-2020, nông nghiệp và du lịch được xác định là mũi nhọn phát triển kinh tế của tỉnh. Trong đó, ngành nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò nền tảng thúc đẩy kinh tế phát triển, được thể hiện quyết tâm bằng Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh An Giang đến năm 2020” và Chương trình hành động số 08-CTr/TU ngày 11-11-2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển nông nghiệp giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, những năm qua, An Giang đã tập trung chỉ đạo thực hiện chuyển đổi sản xuất để thích nghi với điều kiện thực tế, thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp. Trong lĩnh vực trồng trọt, từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh đã chuyển đổi 22.554ha từ lúa sang rau màu và cây ăn trái, thực hiện cải tạo vườn tạp kém hiệu quả sang cây trồng mới theo hướng chuyên canh, tăng hiệu quả kinh tế. Tổng diện tích cây lâu năm trên địa bàn tỉnh hiện đạt khoảng 18.900ha, trong đó có hơn 13.320ha đang cho sản phẩm.
Các mô hình chuyển đổi đã mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Đối với mô hình sản xuất các loại rau ăn lá, lợi nhuận bình quân từ 120-150 triệu đồng/ha/năm. Đối với mô hình cây ăn trái, sau khi trừ chi phí đầu tư ban đầu, lợi nhuận cũng cao, điển hình như: mô hình trồng bưởi đạt 700-800 triệu đồng/ha sau 3 năm đầu tư, mô hình trồng nhãn mang lại lợi nhuận từ 500-600 triệu đồng/ha sau 2 năm đầu tư. Bên cạnh các loại cây ăn trái chủ lực, như: xoài, nhãn, chuối, cây có múi, một số địa phương đã hình thành một số vùng trồng các loại cây ăn trái tiềm năng như: sầu riêng, bơ, thanh long…
Qua đó, đã từng bước hình thành được các vùng sản xuất chuyên canh, tập trung quy mô lớn như: trái cây (Tri Tôn, Chợ Mới, Tịnh Biên, An Phú…), rau màu (Châu Phú, Chợ Mới, An Phú, TP. Long Xuyên, TP. Châu Đốc…), lúa nếp (Phú Tân, Châu Phú) gắn với liên kết, tiêu thụ theo chuỗi giá trị nông sản, đảm bảo chất lượng và nhu cầu thị trường.
Trong chăn nuôi, tỉnh đã tập trung chuyển đổi chăn nuôi heo, gà nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung kết hợp với hầm ủ biogas, nền đệm lót sinh học. Những năm qua, tỉnh đẩy mạnh thực hiện mời gọi, khuyến khích doanh nghiệp (DN) đầu tư phát triển chăn nuôi trang trại quy mô lớn.
Đến nay, đã có 9 DN thực hiện đầu tư phát triển trang trại chăn nuôi tại tỉnh, gồm: 4 trại heo với quy mô 17.000 con, 3 trại gà quy mô 65.000 con, 2 trại bò quy mô 1.000 con. Ngoài tăng lợi nhuận, các mô hình chuyển đổi còn góp phần bảo vệ môi trường do nguồn phân được xử lý không gây ô nhiễm, tận dụng được nguồn phân hữu cơ dồi dào, giảm chi phí sản xuất, quản lý dịch hại...
Thu hút doanh nghiệp lớn
Ông Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, phát huy lợi thế thủy sản, tỉnh đã thực hiện thành công các mô hình sản xuất thủy sản ứng dụng công nghệ cao trên nhiều đối tượng thủy sản như: cá nàng hai, lăng nha, chạch lấu, lươn, cá chép, tôm càng xanh… mang lại hiệu quả, giá trị kinh tế cao cho người nuôi. An Giang cũng là đơn vị sản xuất giống tôm càng xanh toàn đực độc quyền cung cấp cho các vệ tinh ương tại các tỉnh: Bạc Liêu, Bến Tre, Kiên Giang...
Ngoài ra, chuyên sản xuất và cung cấp các loại giống cá lóc, lươn, cá chạch lấu... Tỉnh đang tập trung triển khai Đề án liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng ĐBSCL tại An Giang (theo Quyết định số 897/QĐ-BNN-TCTS, ngày 20-3-2018 của Bộ NN&PTNT), hướng đến trở thành trung tâm cung cấp giống thủy sản chất lượng cao cho vùng ĐBSCL.
Một trong những dấu ấn của nông nghiệp An Giang là đã thu hút nhiều DN đầu tư dự án xây dựng vùng nuôi thủy sản tập trung, công nghệ cao, được chứng nhận các tiêu chuẩn quốc tế như: Việt Úc, Vĩnh Hoàn, thủy sản Hà Nội - Cần Thơ, Nam Việt Bình Phú, Lộc Kim Chi, Nha Trang Seafood, An Mỹ, Agifish, trong đó có 2 DN được công nhận vùng/DN sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (Việt Úc, Nam Việt Bình Phú).
Ông Nguyễn Sĩ Lâm cho rằng, với những kết quả đạt được, những năm tới, tỉnh sẽ tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ chuyển dịch cây trồng, vật nuôi trong phát triển kinh tế nông nghiệp. Việc chuyển dịch nhằm thúc đẩy tăng trưởng ngành nông nghiệp theo chiều sâu, thay vì chỉ tăng diện tích và sản lượng như trước đây. Điều này phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 5 năm tới (2021-2025) mà dự thảo Văn kiện của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh An Giang lần thứ XI đã xác định: Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng giảm dần diện tích lúa, tạo giá trị sản xuất cao hơn gắn với nhu cầu thị trường. Khuyến khích phát triển các loại hình kinh tế trang trại, kinh tế hợp tác, tổ hợp nông nghiệp - công nghiệp - dịch vụ công nghệ cao, hình thành các vùng chuyên canh quy mô lớn, khép kín gắn với DN theo chuỗi giá trị”. Trong đó, việc thu hút, hình thành một số DN nông nghiệp đầu tàu dẫn dắt chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản chủ lực của tỉnh (lúa, cá, rau màu, cây ăn quả) là một trong những nhiệm vụ quan trọng cần tập trung thực hiện.
NGÔ CHUẨN
Thực tế cho thấy, việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong thời gian qua đã mang lại những hiệu quả rất tích cực. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn ước năm 2020 là 49 triệu đồng (tăng 20 triệu đồng so năm 2015), trong khi đó giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân ước năm 2020 là 192 triệu đồng/ha (tăng 63 triệu đồng/ha so năm 2015). |