Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn sẽ chủ trì Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục ASEAN lần thứ 12, tổ chức vào ngày 13/10 tới. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Theo thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ ngày 11-14/10 tới, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam với vai trò Chủ tịch luân phiên của hợp tác giáo dục ASEAN nhiệm kỳ 2022-2023 sẽ chủ trì tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục ASEAN lần thứ 12 và các hội nghị liên quan với sự tham gia của 10 nước thành viên ASEAN và 8 nước đối tác.
Chủ đề xuyên suốt của Hội nghị là: “Nỗ lực chung nhằm tái định hình việc học và tăng cường khả năng thích ứng của hệ thống giáo dục khu vực ASEAN và hơn thế nữa trong bối cảnh mới.”
Chuỗi hội nghị đặc biệt quan trọng này của giáo dục ASEAN sẽ bao gồm các Hội nghị quan chức cấp cao Giáo dục ASEAN lần thứ 17; Hội nghị quan chức cấp cao Giáo dục ASEAN+3 lần thứ 12; Hội nghị quan chức cấp cao Giáo dục ASEAN-EAS lần thứ 7; Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục ASEAN lần thứ 12; Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục ASEAN+3 (với các đối tác Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc) lần thứ 6 và Hội nghị thượng đỉnh Bộ trưởng Giáo dục Đông Á ASEAN-EAS (gồm các nước ASEAN+3 và các đối tác Mỹ, Australia, New Zealand, Nga và Ấn Độ) lần thứ 6.
Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục ASEAN lần thứ 12 sẽ chính thức được tổ chức vào ngày 13/10 do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam Nguyễn Kim Sơn chủ trì, với sự tham dự và phát biểu chỉ đạo của đại diện lãnh đạo Chính phủ Việt Nam.
Tham dự Hội nghị có Bộ trưởng Giáo dục, đại diện phụ trách Giáo dục của các nước thành viên trong ASEAN, đại diện Ban Thư ký ASEAN, Ban Thư ký Tổ chức Bộ trưởng Giáo dục các nước Đông Nam Á (SEAMEO) và Giám đốc Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (AUN).
Tại Hội nghị lần này, Bộ trưởng các nước thành viên ASEAN sẽ tập trung trao đổi về tình hình giáo dục-đào tạo của mỗi nước, chia sẻ các bài học thực tiễn, những kinh nghiệm trong việc mở cửa trường học, dạy và học trong giai đoạn hậu COVID-19. Hội nghị cũng sẽ cập nhật tình hình triển khai các hoạt động trong khuôn khổ Kế hoạch hành động giáo dục ASEAN giai đoạn 2021-2025.
Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục ASEAN+3 lần thứ 6 và Hội nghị thượng đỉnh Bộ trưởng Giáo dục Đông Á lần thứ 6 sẽ diễn ra dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến trong cùng ngày 14/10 tới.
Tham dự hai Hội nghị này có Bộ trưởng Giáo dục ASEAN, Phó Tổng Thư ký ASEAN, các quan chức cấp cao Giáo dục của ASEAN và các nước đối tác liên quan. Tại các Hội nghị này, các Bộ trưởng và trưởng đoàn sẽ cùng thảo luận về các chương trình, hỗ trợ và đóng góp của các nước đối tác trong các cơ chế hợp tác ASEAN+3 và ASEAN-EAS đối với các quốc gia thành viên ASEAN trong lĩnh vực giáo dục.
Nhân dịp này, các Hội nghị sẽ thông qua Tuyên bố chung của Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục ASEAN lần thứ 12; Tuyên bố chung của Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục ASEAN+3 lần thứ 6; Tuyên bố chung của Hội nghị Thượng đỉnh Bộ trưởng Giáo dục Đông Á lần thứ 6.
Kể từ khi hợp tác giáo dục trong ASEAN được thiết lập năm 2006, Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam luôn tích cực tham gia các hoạt động, chương trình hợp tác chung, đưa ra các sáng kiến đóng góp cho việc phát triển hợp tác chuyên ngành trong ASEAN. Việt Nam cũng không ngừng thúc đẩy hợp tác giáo dục với hơn 100 quốc gia, vùng lãnh thổ và nhiều tổ chức quốc tế.
Sau khi tiếp nhận vai trò Chủ tịch luân phiên của hợp tác giáo dục ASEAN từ Bộ Giáo dục Philippines, Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam đã phối hợp với Ban Thư ký ASEAN, UNESCO và UNICEF xác định chủ đề chính của nhiệm kỳ 2022-2023 là: “Nỗ lực chung nhằm tái định hình việc học và tăng cường khả năng thích ứng của hệ thống giáo dục khu vực ASEAN và hơn thế nữa trong bối cảnh mới.”
Đồng thời, 5 nội dung ưu tiên được xác định nhằm đảm bảo phù hợp với ưu tiên của hợp tác giáo dục ASEAN giai đoạn 2021-2025 cũng như bám sát những ưu tiên của ngành giáo dục Việt Nam trong giai đoạn tới là chăm sóc và bảo vệ sức khỏe tinh thần của người học; tăng cường giáo dục về bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu; bảo đảm việc tiếp cận giáo dục công bằng và có chất lượng cho người học, đặc biệt là nhóm yếu thế; thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện và đảm bảo an toàn không gian mạng cho người học; đổi mới sáng tạo trong giáo dục đại học nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội.
Năm ưu tiên này cũng phù hợp với 5 nội dung mà Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres đã đưa ra để kêu gọi các nước cam kết cho giáo dục và 5 chủ đề thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh giáo dục được tổ chức tại New York vào ngày 17-19/9 vừa qua.
Những ưu tiên trên đã và đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam chủ trì, dẫn dắt, phối hợp cùng ngành giáo dục ASEAN; được hiện thực hóa bởi rất nhiều hoạt động, sự kiện quan trọng theo đúng tinh thần “nỗ lực chung.”
Một số hoạt động, kết quả tiêu biểu của hợp tác giáo dục ASEAN từ đầu năm 2022 đến nay như Hội nghị giáo dục với chủ đề “Hồi phục việc học, tái xây dựng hệ thống giáo dục;” tài liệu phục hồi và thích ứng trong giáo dục: hướng dẫn cho các quốc gia ASEAN do Campuchia chủ trì xây dựng; tuyên bố ASEAN về chuyển đổi số trong giáo dục do Philippines chủ trì xây dựng. Đối thoại chính sách hỗ trợ giáo dục đại học khu vực ASEAN và Lễ ra mắt Lộ trình thực hiện Không gian giáo dục đại học ASEAN 2025 tại Hà Nội.
Trong năm 2023, dự kiến nhiều hoạt động khác phù hợp với những ưu tiên trong nhiệm kỳ Chủ tịch của Việt Nam như giáo dục về biến đổi khí hậu, tăng cường hỗ trợ cho người học vượt qua khủng hoảng tâm lý do dịch COVID-19… sẽ được Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam tiếp tục tổ chức.
Theo VIỆT HÀ (TTXVN/Vietnam+)