Thị trường mở rộng
Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nam Việt (Navico) Doãn Tới phân tích, sở dĩ kim ngạch xuất khẩu thủy sản cán mốc 10 tỷ USD trong năm 2022 là do thị trường xuất khẩu được mở rộng. Mặt hàng thủy sản xuất khẩu không chỉ có tôm, cá tra, cá biển; thủy sản đông lạnh, thủy sản khô, mà còn có cá ngừ, nghêu và một số đặc sản khác. Ngoài thị trường chính, như: Hoa Kỳ, Trung Quốc - Hồng Kông, Liên minh Châu Âu (EU), Châu Á… các DN đã biết phát huy lợi thế của thị trường trong nước, thị trường tiềm năng để đưa sản phẩm phục vụ người tiêu dùng.
Thị trường xuất khẩu tăng trưởng đã giải quyết việc làm ổn định cho hàng trăm ngàn lao động
Ngày nay, trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, trong kinh doanh, cộng đồng DN luôn ý thức “bán cái thị trường cần, không bán cái mình có”. Ngay sau khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát tốt, thị trường thế giới rất cần sản phẩm cá tra, DN nhanh chóng đẩy mạnh các hoạt động sản xuất để đáp ứng kịp thời các đơn hàng.
Ngoài xuất khẩu sang các thị trường truyền thống, DN còn quảng bá sản phẩm ở các thị trường tiềm năng khác trên thế giới. Quá trình làm ra sản phẩm mang đi xuất khẩu, yếu tố chất lượng được đặt lên hàng đầu, kế đó là giá cả, màu sắc và tính tiện ích của sản phẩm, tính phù hợp trong xu hướng tiêu dùng.
Đối với sản phẩm cá tra, ngoài cá tra phi-lê/cắt khúc đông lạnh, cá tra tươi, cá nguyên con, DN còn chế biến các mặt hàng, như: Chả cá basa, chạo basa, cá basa tẩm bột, cá basa thì là, canh chua basa, basa kho tộ, da cá chiên giòn… Chính việc đa dạng thị trường lẫn chủng loại sản phẩm đã giải quyết được bài toán về kim ngạch, vượt xa so với kế hoạch đề ra.
Kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả nước đạt trên 10 tỷ USD, trong đó ngành hàng cá tra 2,4 tỷ USD và cộng đồng DN chế biến cá tra trong tỉnh đã xuất gần 380 triệu USD. Nếu DN cả nước xuất khẩu các mặt hàng thủy sản sang 130 quốc gia thì DN trong tỉnh xuất khẩu sang 87 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Giờ đây, sản phẩm cá tra không chỉ phục vụ cộng đồng người Việt toàn cầu, mà có mặt trong gian bếp các gia đình người nước ngoài trên khắp thế giới. “Sau đại dịch, tình trạng khủng hoảng năng lượng ở Châu Âu, lạm phát ở Hoa Kỳ và các quốc gia đã làm cho người tiêu dùng tìm đến các sản phẩm ngon, giá cả tốt. Chúng tôi xác định, đây là cơ hội để con cá tra vượt đại dương, phục vụ người tiêu dùng toàn cầu…” - ông Doãn Tới phân tích.
Hưởng ứng chương trình phục hồi và phát triển kinh tế của Chính phủ, những tháng đầu năm 2022, cộng đồng DN đã tăng tốc xuất khẩu. Đi đầu là mặt hàng cá tra, kế đến là rau, trái cây, lúa gạo. Năm 2022, mặc dù có nhiều biến động, nhưng các DN chế biến thủy sản xuất khẩu đã biến “thách thức thành cơ hội”, tận dụng được lợi thế của các hiệp định thương mại tự do, nhu cầu của thị trường nước ngoài để đẩy mạnh xuất khẩu.
Giá xuất khẩu tăng
Kim ngạch xuất khẩu cá tra “về đích sớm” là minh chứng cho sự thành công của Nghị quyết 11/NQ-CP về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, triển khai Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ, hỗ trợ chương trình.
Năm 2022, DN gặp rất nhiều khó khăn, nổi bật là nhà máy thiếu công nhân, giá thuê container (rỗng) và nguyên liệu chế biến ở mức cao, phụ gia, hóa chất đều tăng… Song, nhờ Trung ương ban hành kịp thời các chính sách nên giữ vững được các cân đối lớn, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho DN đẩy mạnh xuất khẩu.
Cùng với nhà nước, cộng đồng DN trong tỉnh đã rất linh hoạt trong hoạt động sản xuất - kinh doanh, vừa tổ chức tốt công tác phòng, chống dịch, vừa sản xuất; đồng thời đẩy mạnh đàm phán giá xuất khẩu với các đối tác ở nước ngoài, không để những khó khăn trói buộc. Chính sự năng động này nên giá xuất khẩu trong suốt năm tại thị trường Hoa Kỳ đạt 4,21 USD/kg. Thị trường Trung Quốc đạt 2,73 USD/kg (đạt mức cao nhất từ trước đến nay).
Sau dịch bệnh, thị trường Trung Quốc thiếu cá tra trầm trọng. Nắm bắt được tình hình này, hơn 400 DN cả nước tập trung đẩy mạnh xuất khẩu, đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Đi đầu là Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn (chiếm trên 16% thị phần), Công ty TNHH Biển Đông (gần 6%), Công ty TNHH Chế biến Thực phẩm XNK Vạn Đức Tiền Giang, Công ty Cổ phần Nam Việt (An Giang), Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đa quốc gia I.D.I (tỉnh Đồng Tháp), mỗi đơn vị chiếm 5%...
Trên bình diện thế giới, 10 tháng của năm 2022, Hoa Kỳ vẫn là thị trường chiếm tỷ trọng cao nhất về kim ngạch, đạt trên 1,8 tỷ USD, tăng 24% so cùng kỳ; kế đến là Trung Quốc, EU, thị trường các nước thuộc khối Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)…
Đề cập đến giá xuất bán cá tra trên thị trường thế giới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư phân tích, lạm phát làm cho nhu cầu tiêu thụ sản phẩm thủy sản giảm đáng kể, nhưng cá tra là mặt hàng có lợi thế vì giá sản phẩm phù hợp với người tiêu dùng bình dân. Thời gian tới, để giữ được mặt bằng giá xuất khẩu, tỉnh định hướng cho cộng đồng DN tiếp tục đưa khoa học - công nghệ vào sản xuất, khuyến khích sản xuất quy mô lớn. Đẩy mạnh cải thiện chất lượng con giống, đồng thời cấp mã số vùng nuôi cho người tham gia nuôi cá.
Ngày nay, nói đến Việt Nam và ĐBSCL, thế giới nghĩ ngay đến psản phẩm cá tra, lúa gạo. Đây là niềm tự hào của cộng đồng DN Việt Nam trong quá trình hội nhập vào nền kinh tế thế giới. Xuất khẩu cá tra “về đích sớm” đã tạo ra việc làm cho hàng trăm ngàn lao động tại khu vực ĐBSCL, đi kèm với đó, các dịch vụ nghề cá phát triển theo. Sản phẩm cá tra đã trở thành sản phẩm chủ lực của quốc gia, niềm tự hào của người dân ĐBSCL.
“An Giang sẽ tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại, phát triển thị trường xuất khẩu cá tra từ việc tận dụng lợi thế từ các Hiệp định Thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết, như: EVFTA, CPTPP, FTA... Qua đó, sẽ góp phần phát triển giao thương, đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm cá tra cùng các loại thủy sản khác có tiềm năng ra thị trường thế giới…”- Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Minh Hùng chia sẻ.
“Năm mới, chúng tôi mong ước giá cá thương phẩm tiếp tục ổn định, DN có nhiều hợp đồng xuất khẩu để tiêu thụ tốt sản phẩm của người nuôi cá tra. Nhà nước có biện pháp nhằm chấn chỉnh, kiểm soát hiệu quả giá thức ăn, thuốc thú y thủy sản để đầu vào và đầu ra sản phẩm ổn định”- ông Trần Văn Nam (xã Bình Thạnh Đông, huyện Phú Tân) mong muốn.
MINH HIỂN