Phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn

31/07/2018 - 07:29

 - Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (NN, ND, NT), tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ và hoàn thành nhiều mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ theo lộ trình đề ra.

Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp

Nhiều kết quả nổi bật

Theo UBND tỉnh, một trong những thành tựu đáng kể nhất là An Giang hoàn thành các quy hoạch phát triển NN, NT; đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng thiết yếu ở NT; triển khai có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia ở NT; tìm kiếm, đổi mới mô hình sản xuất (SX) phù hợp yêu cầu trong tình hình mới. Xuất hiện nhiều mô hình SX tiên tiến, đáp ứng yêu cầu phát triển, đặc biệt là liên kết SX theo chuỗi giá trị, như: mô hình “Cánh đồng lớn” gắn với hợp tác xã kiểu mới, tạo hướng đi mới để NN phát triển bền vững. Công tác kêu gọi đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp, xúc tiến thương mại kết hợp điều hành, tổ chức SXNN linh hoạt nên giai đoạn 2013-2018, các sản phẩm NN của An Giang hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng “được mùa, mất giá”. Nguồn lực đầu tư cho NN, ND, NT ngày càng tăng và chiếm tỷ trọng cao trong tổng mức đầu tư toàn tỉnh, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ hoạt động SXNN và không ngừng cải thiện bộ mặt NT. Việc chăm lo an sinh xã hội được chú trọng, đời sống ND từng bước cải thiện. Tỷ lệ hộ nghèo giảm, thu nhập bình quân đầu người tăng, trình độ lao động được nâng lên.

NN được xác định là nền tảng, bệ đỡ của ngành kinh tế nên được Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo, điều hành kịp thời. Giai đoạn 2008-2017 tăng trưởng NN của tỉnh là 2,29%/năm, không đạt theo mục tiêu kế hoạch, tuy nhiên có những năm tăng trưởng rất cao như: năm 2010 là 4,42%; năm 2011 là 6,11%. Diện tích gieo trồng tăng gần 77.000ha, sản lượng lúa tăng 368.000 tấn (năm 2017 đạt 3,9 triệu tấn). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, khu vực NN (31,13%), khu vực dịch vụ (52,45%), công nghiệp và xây dựng chiếm khoảng 14,74%. Tỉnh có 29 làng nghề tiểu thủ công nghiệp, sản phẩm tiêu thụ trong nước và xuất khẩu (XK). Hàng năm, giá trị SX bình quân ước đạt khoảng 320 tỷ đồng/năm; XK bình quân đạt gần 2 triệu USD/năm.

Theo Sở Công thương, thế mạnh về thương mại - dịch vụ tiếp tục được phát huy, hiện nay hàng hóa An Giang đã XK sang 147 nước (tăng 40 nước so năm 2008). Tổng kim ngạch XK hàng hóa tăng 70.000 USD (năm 2017 đạt 820.000 USD), công nghiệp chế biến nông, thủy sản chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu ngành. Tỉnh có 55 doanh nghiệp chế biến lúa, gạo (16 doanh nghiệp XK gạo), 24 doanh nghiệp chế biến thủy sản, 3 nhà máy chế biến rau, quả XK 26.000 tấn thành phẩm/năm.

Trước khi có Nghị quyết số 26-NQ/TW của Trung ương và Quyết định số 800/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, An Giang có 108/120 xã NT đạt dưới 5 tiêu chí (90%). Đến nay, toàn tỉnh có 33/119 xã được công nhận đạt chuẩn “Xã NT mới” (chiếm 27,73%), vượt chỉ tiêu của Tỉnh ủy; không còn xã nào đạt dưới 5 tiêu chí. TP. Long Xuyên và TP. Châu Đốc 100% xã đạt chuẩn NT mới. Cùng với nỗ lực để chuyển biến trong SX NN, đời sống vật chất và tinh thần của dân cư NT có nhiều chuyển biến tích cực.

Tạo đột phá hiện đại hóa NN

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Anh Thư, những năm gần đây, tỉnh thực hiện chủ trương phát triển du lịch sinh thái và Đề án tái cơ cấu ngành NN nên diện tích cây ăn trái tăng 5.000ha (năm 2017 đạt 13.000ha), chủ yếu trồng xoài, sản lượng tăng khoảng 95.000 tấn (năm 2017 đạt 113.000 tấn). Tổng đàn bò và gia cầm tăng trưởng, sản lượng thịt bò tăng khoảng 5.000 tấn; sản lượng nuôi trồng thủy sản tăng 64.000 tấn; kinh tế trang trại phát triển, với 1.063 trang trại, 809 tổ hợp tác, 122 hợp tác xã NN. Việc ứng dụng cơ giới hóa trong NN tăng nhanh, góp phần hiện đại hóa NN, NT giúp duy trì phát triển ổn định nền SX hàng hóa NN quy mô lớn đối với 2 mặt hàng lúa, gạo và thủy sản, ngoài việc đảm nhiệm vai trò an ninh lương thực còn XK mang về giá trị kim ngạch lớn.

Có 50 doanh nghiệp liên kết SX với ND theo mô hình “Cánh đồng lớn”, diện tích 49.146ha, tăng gần 42.500ha (7,4 lần) so năm 2012. Các doanh nghiệp ký hợp đồng tiêu thụ với ND thông qua 19 hợp tác xã và 31 tổ hợp tác. Điểm mới trong mô hình “Cánh đồng lớn” là thực hiện chuỗi SX - tiêu thụ gắn với hợp tác xã kiểu mới. Năm 2017, tỉnh triển khai chương trình giống cá tra 3 cấp, gắn kết và cung cấp cá giống chất lượng cao cho doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh. Áp dụng quy trình SX VietGAP, tiêu chuẩn GlobalGAP gắn với doanh nghiệp tiêu thụ. Hơn 90% diện tích canh tác lúa ứng dụng cơ giới hóa. Tỉnh ủy đã triển khai Nghị quyết số 09-NQ/TU phát triển NN ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực NN, thu hút 7 dự án, với số vốn đầu tư 497,5 tỷ đồng. An Giang còn là địa phương đi đầu ở ĐBSCL và cả nước trong công tác xã hội hóa giống lúa, cung cấp toàn bộ nhu cầu giống cho SX lúa hàng hóa của tỉnh và ĐBSCL.

Bài, ảnh: HẠNH CHÂU