6 lĩnh vực trọng tâm cải cách hành chính tỉnh An Giang năm 2022

01/03/2022 - 06:28

 - Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh An Giang lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định khâu đột phá: “Cải cách thủ tục hành chính (TTHC), cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, thúc đẩy đổi mới sáng tạo nhằm phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp (DN) trên địa bàn”.

Duy trì, phát huy hiệu quả việc thực hiện cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông" trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp

Cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch cải cách hành chính (CCHC) năm 2022 trên 6 lĩnh vực trọng tâm: Cải cách thể chế; cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; cải cách chế độ công vụ; cải cách tài chính công; xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số theo tinh thần Nghị quyết 76/NQ-CP của Chính phủ.

Mục đích CCHC phải xuất phát từ nhu cầu của người dân, DN, lấy người dân, DN làm trung tâm; nâng cao sự hài lòng người dân, DN là mục tiêu và lấy sự hài lòng của người dân, DN là thước đo đánh giá chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước các cấp. CCHC phải thực hiện thường xuyên, liên tục, không ngừng nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ công của cơ quan hành chính nhà nước, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân DN thực hiện các TTHC.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình yêu cầu các nội dung CCHC phải được tiến hành đồng bộ, thống nhất, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với điều kiện thực tiễn và góp phần thúc đẩy thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Văn bản được ban hành đúng trình tự, thẩm quyền, nội dung mang tính khả thi cao và phù hợp với đặc điểm, tình hình thực tế. Thực hiện tốt quy chế văn hóa công sở ở mỗi cơ quan, đơn vị và từng cán bộ, công chức, viên chức; tăng cường thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật hành chính trong hoạt động thực thi công vụ, nhất là của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương.

Phấn đấu năm 2022, tỷ lệ hồ sơ giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên tổng số hồ sơ đạt 50% trở lên. 100% TTHC trả kết quả đúng hạn. 98% người dân được hỏi hài lòng về kết quả giải quyết TTHC và hài lòng với sự phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức. Phấn đấu 50% hồ sơ giải quyết trực tuyến và 100% dịch vụ công (đủ điều kiện) cung cấp trực tuyến mức 4. Phấn đấu tích hợp 70% các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 với Cổng Dịch vụ công quốc gia. 100% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, 90% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 70% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (không bao gồm hồ sơ xử lý công việc có nội dung mật). 20% người dân, DN sử dụng dịch vụ công trực tuyến được cấp định danh, xác thực điện tử thông suốt và hợp nhất trên tất cả các hệ thống thông tin của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương. 50% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý.

Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin “một cửa điện tử” tỉnh được kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cổng Dịch vụ công quốc gia. Hệ thống báo cáo được kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu với Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia. Triển khai nhân rộng hệ thống thông tin phục vụ các cuộc họp và xử lý công việc của Chính phủ đến UBND cấp tỉnh, cấp huyện. Nâng cấp, hiệu chỉnh, bổ sung Phân hệ theo dõi nhiệm vụ UBND và Chủ tịch UBND cấp tỉnh giao, kết nối tích hợp với Phân hệ theo dõi nhiệm vụ bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, bảo đảm hiển thị theo thời gian thực. Chỉ số hiệu quả Quản trị và hành chính công (PAPI) và Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) phấn đấu trong nhóm 10/63 tỉnh, thành phố của cả nước. Chỉ số CCHC (PAR INDEX) và Chỉ số đo lường sự hài lòng (SIPAS) phấn đấu trong nhóm 20/63 tỉnh, thành phố của cả nước.

Công tác CCHC năm 2022 tỉnh An Giang được thực hiện trên 8 lĩnh vực với 80 nhiệm vụ. Cụ thể, công tác chỉ đạo, điều hành CCHC có 20 nhiệm vụ; cải cách thể chế có 4 nhiệm vụ; cải cách TTHC có 5 nhiệm vụ; cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước có 9 nhiệm vụ; cải cách chế độ công vụ có 8 nhiệm vụ; cải cách tài chính công có 8 nhiệm vụ; xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số có 23 nhiệm vụ; áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001 có 3 nhiệm vụ.

Để thực hiện đạt mục tiêu, giải pháp then chốt cần nâng cao vai trò, trách nhiệm tham mưu của cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ chương trình, kế hoạch CCHC. Chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; duy trì, phát huy hiệu quả việc thực hiện cơ chế "một cửa", cơ chế "một cửa liên thông" trong giải quyết TTHC cho người dân, DN. Đơn giản hóa TTHC, rút ngắn thời gian giải quyết so với quy định...

Sở Nội vụ là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh, chủ trì tổ chức thực hiện kế hoạch, triển khai các nội dung về: Công tác chỉ đạo, điều hành CCHC; cải cách tổ chức bộ máy hành chính; cải cách chế độ công vụ. Trình UBND tỉnh cho chủ trương, các giải pháp nâng cao hiệu quả CCHC; tham mưu công tác kiểm tra CCHC. Hướng dẫn các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện xây dựng kế hoạch, báo cáo kết quả thực hiện. Chủ trì, phối hợp triển khai, hoàn thành tốt các nhiệm vụ, chỉ tiêu của Bộ chỉ số CCHC, Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính cấp tỉnh. Phối hợp triển khai tốt nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) của tỉnh...

Bài, ảnh: HẠNH CHÂU