Cơ hội và lối đi riêng của học nghề

14/07/2022 - 06:48

 - Nhằm thực hiện tốt kế hoạch tuyển sinh, đào tạo nghề gắn với giáo dục, hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông năm 2022, các sở, ngành liên quan đang đẩy mạnh hoạt động hướng nghiệp giúp học sinh, phụ huynh chọn đúng trường, ngành nghề nhằm tạo cơ hội có việc làm phù hợp, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh.

Mới đây, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) An Giang phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức Ngày hội tư vấn, hướng nghiệp và tuyển sinh đào tạo nghề nghiệp thu hút hơn 2.000 học sinh ở các trường THCS, THPT tham gia. Ngày hội lần lượt diễn ra tại Trường Cao đẳng Nghề An Giang và Trường Trung cấp nghề dân tộc nội trú, với sự tham gia của 20 đơn vị là các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, công ty, doanh nghiệp (DN)… Cụ thể, 28 gian hàng trưng bày đã phục vụ tư vấn cho học sinh, người lao động trong việc lựa chọn ngành nghề phù hợp với năng lực, sở trường và nguyện vọng.

Học sinh và phụ huynh đã được cung cấp những thông tin đa dạng về ngành nghề đang được đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong và ngoài tỉnh. Các mô hình, trang thiết bị đào tạo, quá trình học tập cũng như cơ hội nghề nghiệp sau khi ra trường. Bên cạnh đó, ngày hội còn tư vấn việc làm, định hướng thị trường lao động trong thời gian tới để học sinh có thêm nhiều lựa chọn khi tốt nghiệp THCS, THPT. Trong khuôn khổ ngày hội, học sinh, phụ huynh và giáo viên còn được đối thoại, giao lưu, giải đáp thắc mắc với đại diện cơ quan quản lý nhà nước, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, DN…

Các gian hàng tư vấn, tuyển sinh, định hướng nghề nghiệp cho học sinh năm 2022

Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Phạm Sơn thông tin, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 28 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, ngoài ra còn có một số cơ sở khác tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Tập trung tại TP. Long Xuyên có Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, Trường Kỹ thuật nghiệp vụ giao thông vận tải, Trung tâm Đông y châm cứu, Trung tâm Giống thủy sản, Trung tâm Khuyến nông… Bên cạnh đó, còn có Cơ sở đào tạo spa Xuân Hương (TP. Châu Đốc), DN tư nhân Huỳnh Dương, Công ty TNHH đào tạo chuyên nghiệp Kim Châu (huyện Chợ Mới), Trung tâm Kiểm nghiệm chất lượng nông sản và thủy sản An Giang (TP. Long Xuyên)…

“Hiện nay, nhu cầu tuyển dụng từ các DN, công ty trong và ngoài tỉnh gửi đến Sở LĐ-TB&XH rất lớn. Cụ thể, ngoài tỉnh có các thị trường: Bình Dương, Long An, Hậu Giang, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh… thông báo tuyển dụng khoảng 16.200 lao động. Còn các công ty, DN trong tỉnh đang tuyển dụng hơn 6.100 lao động. Bên cạnh đó, còn rất nhiều nơi tuyển dụng, tập trung chủ yếu tại Khu công nghiệp Bình Hòa (huyện Châu Thành) và Khu công nghiệp Bình Long (huyện Châu Phú). Đặc biệt, Công ty TNHH NV Apparel đã đăng ký đầu tư tại Khu công nghiệp Xuân Tô, nhu cầu tuyển dụng trước mắt khoảng 3.000 lao động” - ông Phạm Sơn cho hay.

Các ngành chuyên môn nhận định, nhu cầu lao động hiện nay rất đa dạng và biến động nhanh. Trong khoảng vài tháng, nghề nghiệp này có thể mất đi và nghề nghiệp khác xuất hiện. Do đó, người lao động cần nắm chắc nhu cầu thị trường lao động. Tiêu điểm hiện nay có một số lĩnh vực, ngành nghề đang có sức hút, như ngành logistics cần lao động phục vụ tại các địa phương phát triển công nghiệp (TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương, Đồng Nai). Kế đến là ngành cơ khí, nghề điện lạnh, ngành bảo trì, sửa chữa ôtô đều đang có nhu cầu rất cao, thiếu nguồn nhân lực, học sinh có thể nghiên cứu học tập.

Cơ hội học nghề hiện nay cũng rộng mở và linh hoạt. Đơn cử tại Trường Cao đẳng Nghề An Giang, có 6 khoa, đào tạo 23 ngành nghề từ trung cấp, cao đẳng, sơ cấp và giáo dục thường xuyên. Đội ngũ 220 giảng viên của trường đa số có trình độ thạc sĩ trở lên, có chứng chỉ kỹ năng nghề. Học sinh học theo trình độ được cấp bằng trung cấp (học trung cấp), cử nhân thực hành hoặc kỹ sư thực hành (học cao đẳng).

Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề An Giang Nguyễn Thanh Hải cho biết, tất cả chương trình đào tạo tại trường đều được thiết kế theo hình thức liên thông từ sơ cấp, trung cấp lên cao đẳng và đại học. Đơn vị còn phối hợp với các trường đại học trong khu vực, một số trường tại TP. Hồ Chí Minh, Huế, Đà Nẵng… để liên thông các chương trình, trình độ từ cao đẳng lên đại học. Do đó, học sinh hoàn toàn yên tâm nếu lựa chọn học trung cấp nghề, khi có điều kiện vẫn tiếp tục thực hiện được ước mơ học đến đại học.

Đối với chủ trương dạy học văn hóa trong các trường nghề và chính sách đi kèm, ông Nguyễn Thanh Hùng (Phòng Giáo dục trung học và giáo dục thường xuyên, Sở GD&ĐT) nhấn mạnh, có rất nhiều chương trình để khuyến khích học sinh sau tốt nghiệp THCS và THPT vào luồng học nghề (học phí, chế độ, chương trình đào tạo…). Việc học văn hóa tại các trường nghề luôn được tạo điều kiện thuận lợi tối đa, tỉnh khuyến khích học sinh tham gia các trường nghề có sẵn trên địa bàn, phù hợp điều kiện, hoàn cảnh.

MỸ HẠNH

 

Liên kết hữu ích